Cay đắng thay phận sách... già!

17/03/2018 - 07:37

PNO - Cùng là sách nhưng ở nơi này, sách sắp vào ngày hội tôn vinh còn bên kia, hơn 10 ngàn cuốn đang đối diện với án… tử.

Chỉ còn vài ngày nữa, Hội sách TP.HCM lần thứ 10 diễn ra với đầy ắp những thông tin vui cho người yêu sách, yêu văn hoá đọc. Con số 300.000 đầu sách với hơn 30 triệu bản sẽ được mang đến hội sách để phục vụ độc giả là cột mốc kỷ lục với ban tổ chức. Ngày hội sách sẽ bắt đầu với những khu trưng bày sang trọng, đẹp mắt cộng hưởng với nhiều yếu tố nhằm nâng tầm giá trị sách lên.

Cũng là sách, nhưng một cuộc "thanh trừng" hơn 10.200 cuốn ở Thư viện TP. Uông Bí, Quảng Ninh lại sắp diễn ra. Chuyện là Chủ tịch UBND TP.Uông Bí đã “Phê duyệt Đề án Thanh lọc tài liệu thư viện” với một Hội đồng thẩm định 5 người được chọn. Sau quá trình thẩm định, họ đưa ra kết luận: tài liệu thư viện có 10.200 bản sách in; báo, tạp chí 27 loại và kiến nghị thanh lý, tiêu huỷ hết các loại tài liệu này.

Chưa bao giờ trong lịch sử làng sách có sự kiện lớn như vậy. Hỏi có giật mình không?

Cay dang thay phan sach... gia!
Thư viện Uông Bí sẽ tiêu huỷ 10.200 cuốn sách trên tổng số 13.000 cuốn mà mình đang lưu trữ

Sách trong thư viện đã cũ, mối mọt và rách thì phải ra đi nhưng nhiều quyển coi vậy mà “già gân”, tức sách quý và còn sử dụng được. Ví dụ như cuốn Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến của Giáo sư Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, 1975) – bản gốc của sách khan hiếm và chưa tái bản độc bản chỉ in gộp. Nhưng không, kể cả nhiều tư liệu quý liên quan đến lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Ninh và Đảng bộ TP. Uông Bí cũng đi theo Đề án Thanh lọc tài liệu thư viện trong đợt này.

Há có phải đem vàng mà đổ xuống sông hay đây là một bước tiên phong trong phong trào “thanh lọc thư viện” để giảm tải lượng tư liệu, sách… thừa? Chẳng rõ, chỉ thấy tiếc. Tiếc cho cách làm vội vã, quy chụp lên 10.200 đầu sách đều vô giá trị của hội đồng thẩm định. Một lỗ hổng trong nhận thức về giá trị sách mà phải đến lúc dư luận lên tiếng, tất cả cùng giật mình. Hy vọng là "tất cả"!

Có nhiều cách để xử lý số sách này mà không dùng đến từ “tiêu huỷ”: tặng cho thư viện những trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề hoặc giả nếu thấy tiếc thì hãy bán rẻ cho họ; phân phối đến các hội sách cũ để người đọc có thể “tái sử dụng” kiến thức mà bản thân thư viện có nguồn thu; hay đưa tài liệu quý về thư viện tỉnh và số còn lại phân đến các thư viện ở cấp thấp hơn… Có rất nhiều cách làm để không bỏ phí hơn 10 ngàn cuốn sách mà lại giảm đi sự hoang mang, mất niềm tin trong dư luận.

Cay dang thay phan sach... gia!
Nhiều bản sách quý này sẽ bị tiêu huỷ

Thời gian qua, người ta nói nhiều đến 2 chữ “giải cứu”, giải cứu chuối, thịt heo, giải cứu dưa hấu cho đến bây giờ, chắc đến thời giải cứu sách cũ. Nhưng ai can tâm làm chuyện này khi giấy trắng mộc đỏ cho phép tiêu huỷ 10.200 đầu sách sờ sờ ra đó, chưa kể công của 5 thành viên thẩm định có chức sắc hẳn hoi đã kiểm kê trong nhiều ngày vất vả.

Quảng Ninh cho biết việc tiêu huỷ này là đúng luật. Nhưng, có những ứng xử với những "đối tượng" mà chúng ta không thể đem luật ra một cách lạnh lùng áp dụng. Dẫu sao thì, không thể nào không cảm thấy chua chát cho phận sách già ở thư viện TP. Uông Bí kia. Khi cả nhân loại bước vào Ngày đọc sách thế giới, khi cả nước bước vào mùa hội sách tưng bừng, thì những cuốn sách "già mà cay" ấy lại bị người ta vùi nát!

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI