Với một thiết bị theo dõi nhịp tim chỉ to bằng nút áo được cấy dưới da đã tăng thêm cơ hội phát hiện bệnh, từ đó giúp điều trị hiệu quả cao, trúng đích hơn.
Thêm cơ hội phát hiện bệnh rung nhĩ để phòng tránh đột quỵ
Phó giáo sư - bác sĩ Đỗ Quang Huân - Giám đốc Viện Tim TP.HCM cho biết, nơi đây đang áp dụng kỹ thuật mới, theo dõi nhịp tim hiện đại, giúp ích rất nhiều trong việc điều trị các bệnh nhân bị tai biến không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa được nhiều người biết tới và phổ biến rộng rãi.
Thiết bị theo dõi nhịp tim này nhập từ Đức, độ an toàn cao, các bác sĩ chỉ tốn thời gian khoảng một tiếng để làm thủ thuật đặt con chíp bé xíu như chiếc nút áo vào sau xương quai xanh. Kỹ thuật trên hoàn toàn không có chống chỉ định, có thể áp dụng với tất cả các bệnh nhân tai biến chưa xác định được nguyên nhân. Thiết bị này sẽ được đặt để theo dõi nhịp tim bệnh nhân trong vòng 30 ngày.
Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ, khi cấy máy dưới da để theo dõi nhịp tim cho các bệnh nhân tai biến không rõ nguyên nhân trong vòng 30 ngày như vậy, sẽ thêm 11% bệnh nhân được phát hiện do nguyên nhân rung nhĩ, các bệnh nhân này đã bị những phương pháp tầm soát rung nhĩ thông thường bỏ sót.
Điều kiện để thực hiện kỹ thuật cấy máy theo dõi nhịp tim yêu cầu bệnh viện không chỉ có chuyên khoa tim mạch mà phải có chuyên khoa nhịp học mới làm được.
Bệnh lý rối loạn nhịp tim được chia làm hai loại là rối loạn nhịp nhanh và rối loạn nhịp chậm. Đối với rối loạn nhịp tim nhanh có một bệnh lý gọi là rung nhĩ cơn. Thông thường, các bệnh nhân bị tai biến là do xuất huyết não và nhồi máu não (đột quỵ não). Ở nhóm bệnh nhân nhồi máu não là bởi máu đông tạo thành huyết khối và thường do rung nhĩ gây ra.
Máu từ phổi đổ về nhĩ trái thời kỳ tâm trương, van hai lá sẽ mở để máu từ nhĩ xuống thất. Ở người bình thường, 70% lượng máu sẽ đổ từ nhĩ xuống thất một cách tự nhiên và 30% lượng máu còn lại do cơ nhĩ co bóp và đẩy xuống nốt.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị rung nhĩ, nhĩ không bóp để đẩy máu xuống thất được. Chính vì thế máu còn đọng lại và tạo thành huyết khối. Khi huyết khối này theo hệ thống tuần hoàn chạy lên não sẽ gây nhồi máu não còn gọi là đột quỵ não.
Tại Việt Nam, đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Đa số trường hợp đi khám vì bỗng dưng xuất hiện các cơn hồi hộp được phát hiện rung nhĩ thông qua đo điện tâm đồ. Một số khác do thường xuyên bị các đợt hồi hộp nên được đeo máy theo dõi điện tâm đồ trong 24 giờ.
Hoặc những bệnh nhân đang bị mắc các bệnh lý như hẹp van hai lá hoặc rung nhĩ dai dẳng không do bệnh van tim (rung nhĩ đến giai đoạn nặng) thì đi khám đều có thể được phát hiện rung nhĩ thông qua đo điện tâm đồ.
Thế nhưng, đo điện tâm đồ và đeo máy đo nhịp tim 24 giờ vẫn để lọt lưới tận 11% các trường hợp bị rung nhĩ trong tổng số các bệnh nhân tai biến không rõ nguyên nhân, mà phải cấy thiết bị theo dõi nhịp tim dưới da mới phát hiện được.
Học cách tự theo dõi nhịp tim
Bị rung nhĩ thì điều trị thế nào? Bác sĩ Huân cho biết, với nhóm rung nhĩ nhưng phát hiện sớm, chưa bị tai biến thì sẽ có phương pháp triệt phá rung. Chẳng hạn như đốt các tĩnh mạch phổi hoặc sử dụng thuốc kháng đông ngừa tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, trên những bệnh nhân có nguy cơ bị tai biến thì sẽ căn cứ theo thang điểm CHA2DS2-VASc (các thang điểm đánh giá nguy cơ đột quỵ do huyết khối ở các trường hợp rung nhĩ không do bệnh van tim). Nếu nam giới trên hai điểm, nữ giới từ ba điểm trở lên thì bắt buộc phải uống thuốc kháng đông máu.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do phát hiện chậm trễ bệnh lý rung nhĩ, bác sĩ Huân khuyến cáo người dân hãy học cách nhận biết khi nhịp tim của mình có dấu hiệu bất thường. Khi bị rung nhĩ người bệnh hay xuất hiện các cơn hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực, choáng váng, chóng mặt, đổ mồ hôi, yếu mệt.
Thậm chí chưa có các dấu hiệu kể trên mọi người vẫn nên tạo thói quen tự theo dõi nhịp tim. Có thể theo dõi bằng các loại máy đo cá nhân.
Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện mua máy đo, nhất là những người dân ở vùng quê. Ta có một cách theo dõi nhịp tim đơn giản và thủ công hơn mà ai cũng có thể làm được, đó là đếm nhịp từ động mạch quay ở cổ tay (hay gọi là bắt mạch).
Cụ thể, mọi người hãy đặt ngón tay trỏ và ngón tay giữa của bàn tay trái lên phía mặt ngửa của cổ tay phải thì sẽ cảm nhận được nhịp đập. Sau đó, chúng ta nhìn đồng hồ theo dõi kim giây trong một phút để đếm xem mạch đập được bao nhiêu nhịp.
Nếu nhịp tim từ 100 tới hơn 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, nhịp tim dưới 60 lần/phút gọi là nhịp tim chậm. Có thể cách đếm nhịp này với một số người hơi khó, nhưng nếu thường xuyên để ý, theo dõi ta vẫn cảm nhận được nếu nhịp tim đập không đều.
Những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim - Cường giáp. - Huyết áp cao. - Bệnh cơ tim. - Bệnh động mạch vành. - Suy giáp. - Sẹo mô tim. - Dị ứng với các loại thuốc hoặc thực phẩm nào đó. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh lý này gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới và có thể xảy ra ở tất cả độ tuổi. Tuy nhiên, có những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở những người có lối sống không lành mạnh như hay sử dụng chất kích thích (rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, cà phê, sử dụng ma túy). Bên cạnh đó, các bệnh nhân mắc bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường cũng được coi là nhóm đối tượng nguy cơ của bệnh lý này. Những người mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ cũng cần theo dõi và tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng rối loạn nhịp tim. Đôi khi rối loạn nhịp tim còn do yếu tố di truyền. |
|
|
Sống lành mạnh kiểm soát rối loạn nhịp tim Để hỗ trợ kiểm soát rối loạn nhịp tim, các chuyên gia khuyên ăn nhiều rau, ngũ cốc, trái cây, hạn chế muối và thực phẩm nhiều chất béo. Ngoài ra, tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và kiểm soát thật tốt cân nặng, huyết áp của mình. Chúng ta luôn giữ tinh thần thư thái, tránh căng thẳng quá mức bằng cách tập các môn thể thao nhẹ nhàng như thiền, yoga. Quan trọng hơn cả là nhớ kiểm tra sức khỏe tổng quát ít nhất mỗi 6 tháng hoặc 1 năm/lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Rối loạn nhịp tim là một bệnh đặc trưng bởi tần số hoặc nhịp tim bất thường: quá nhanh, quá chậm, quá sớm... Tình trạng loạn nhịp tim xảy ra khi các xung động điện trong tim không hoạt động bình thường. Chứng loạn nhịp được đặt tên và phân loại dựa trên tần số (quá nhanh hoặc quá chậm), vị trí (trong tâm thất hay tâm nhĩ) và mức độ thường xuyên. Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim mà rung nhĩ chỉ là một trong các nguyên nhân đó. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị thích hợp. Nếu tất cả phương pháp đều không đem lại hiệu quả thì có thể bệnh nhân sẽ phải làm phẫu thuật. |
Thanh Huyền