PNO - Câu hỏi Khang nhận được nhiều nhất từ sau khi Mộ phần tuổi trẻ ra mắt là làm thế nào một người trẻ như anh lại có thể viết về chiến tranh, về tuổi trẻ của Sài Gòn những năm 1960.
Phát biểu trước Hội nghị viết văn trẻ TP.HCM lần IV, Huỳnh Trọng Khang - cây bút thuộc hàng trẻ nhất trong số gần 100 đại biểu văn trẻ - nói chưa bao giờ anh nghĩ sẽ có ngày “đứng ở nơi sáng quá, và nhiều người lắng nghe mình nói chuyện văn chương”. Anh từng bộc bạch “đâu nghĩ sẽ viết văn”, nhưng với cuốn sách đầu tay, Khang đã chinh phục được cả độc giả lẫn bạn văn.
Câu hỏi Khang nhận được nhiều nhất từ sau khi Mộ phần tuổi trẻ ra mắt là làm thế nào một người trẻ như anh lại có thể viết về chiến tranh, về tuổi trẻ của Sài Gòn những năm 1960.
Khang sinh năm 1994, vừa tốt nghiệp ngữ văn. Trên trang cá nhân hay khi trò chuyện, ta chỉ thấy một chàng trai trẻ mới ra trường, còn hồn nhiên, cuộc sống rất “xuôi chèo mát mái” như lời Khang nói. Nhưng đọc sách, lại là một Huỳnh Trọng Khang “già đời”, nhiều trải nghiệm.
“Ông bà nội quê Quảng Nam, nhưng ba tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, sau chuyển về An Giang. Ký ức về Sài Gòn xưa của ba nhiều lắm. Những câu chuyện ba kể cứ nằm lại trong đầu tôi. Lớn hơn, có dịp đi thăm những di tích chiến tranh ở nhiều vùng giáp Campuchia, nghe nhiều chuyện thời Pol Pot, tôi càng bị ám ảnh. Tôi muốn có sự soi chiếu giữa hai thời đại. Tuổi trẻ, dù trong bối cảnh xã hội nào cũng có điểm tương đồng. Tôi cứ thế đặt tư tưởng của mình vào nhân vật của thời đại trước. Viết ra được rồi mới thấy như mình hết nợ” - Huỳnh Trọng Khang bộc bạch.
“Nợ” mà Khang nói không có ai đòi, nhưng đó là sự thôi thúc vô hình đối với người cầm bút. Nợ những cảm xúc, tư liệu, ký ức quý giá mà mình cất giữ trong suốt quá trình trưởng thành. “Tôi đang viết cuốn thứ hai, cùng đề tài chiến tranh. Phải viết hết tôi mới yên tâm” - Khang nói.
Chọn đề tài “khó nhằn” như thế, nhưng Khang hoàn thành Mộ phần tuổi trẻ chỉ trong 20 ngày. “Khi viết, tôi rất nghiêm khắc với bản thân - mỗi ngày tám tiếng; dừng mọi việc khác cho đến khi hoàn thành số trang đã định” - Khang chia sẻ.
Hỏi có khi nào thấy bế tắc trước số phận của những nhân vật sống cách mình hàng thập niên? Khang lắc đầu, cười: “Tôi chỉ đơn giản nghĩ mình phải kể ra một câu chuyện. Chuyện đã được kể. Mình không phải hối tiếc gì cả”. Khang bảo anh viết nhiều khi chỉ để cho mình, cho những cảm xúc trong lòng; viết bằng sự rèn giũa chữ nghĩa; để đến một độ chín nhất định thì sẽ tự thân lan tỏa đến độc giả.
Cha mẹ làm kinh doanh, không có thời gian đọc sách; “thậm chí sách con trai viết cũng không đọc”, như lời nói vui của Khang. Nhưng ba mẹ đã cho anh những tư liệu sống chân thực của Sài Gòn xưa, của xứ Quảng, Cà Mau. Tuổi thơ sống ở chân núi Sam, “mỗi ngày đi bộ lên núi nhìn ngắm vạn vật” đã bồi đắp cho Khang lượng kiến thức, vốn sống đáng ngạc nhiên.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định thêm điều gì về Huỳnh Trọng Khang, nhưng với những gì đã thể hiện, anh xứng đáng là tên tuổi được chờ đợi.
“Chỉ tạm hài lòng”
* Nghe “mộ phần” có vẻ chôn vùi lạnh lẽo quá?
Hai chữ “mộ phần” đúng là chôn vùi, nhưng cũng linh thiêng. Nó là một hiện thực mà cũng là sự tôn thờ dành cho tuổi trẻ. Năm tháng thanh xuân ai cũng chỉ một lần, không bao giờ tìm lại được.
* Trong nhiều tác phẩm văn học, tuổi trẻ thời 1960 tràn ngập lý tưởng sống, cống hiến và chiến đấu. Mộ phần tuổi trẻ lại hoang mang, mất mát, u buồn…
- Ngay khi viết, tôi biết sách sẽ gây tranh cãi. Tôi nhận nhiều lời khen, nhưng cũng không ít phản hồi rằng sách viết sai sự thật, tác giả không hiểu tinh thần của thanh niên một thời... Tôi lắng nghe tất cả sự ghi nhận, góp ý đó. Còn điều đã chọn thì tôi vẫn làm.
* Khang nghĩ mình đã thành công với tác phẩm đầu tay này chưa?
- Tôi chỉ tạm hài lòng thôi. Những gì muốn thể hiện, tôi đã viết hết vào tác phẩm. Viết về người trẻ ngày trước nhưng lồng tư tưởng mình vào trong đó và chọn góc nhìn của người trong cuộc. Tôi không biết nếu có thêm trải nghiệm rồi viết lại sẽ hay hơn không, nhưng tôi đã làm hết khả năng.
* Sao Khang lại muốn viết về người trẻ 1960?
- Lúc tôi còn nhỏ, ba hay kể chuyện Sài Gòn xưa. Chỉ là những mẩu chuyện vặt cho vui thôi, nhưng càng lớn tôi càng muốn biết con người thời ấy sống như thế nào. Càng đọc tôi càng thấy thập niên 1960 là giai đoạn pha trộn nhiều hệ giá trị. Tôi không bỏ qua lý tưởng của thời đại, chỉ chọn khai thác một chiều khác của cuộc sống.
* Còn tác phẩm mới cùng đề tài chiến tranh của Khang?
- Là góc nhìn của một người nước ngoài. Bối cảnh kéo dài đến thập niên 1970, tập trung vào những năm tháng cuối cùng trước khi đất nước thống nhất. Bản thảo này tôi mất hơn một năm mới hoàn thành vì phải cân nhắc, chọn lọc. Tôi hy vọng sách kịp ra mắt vào đầu năm 2018.