Cây bụi nhỏ 1.647 năm tuổi là cây lâu đời nhất châu Âu

11/02/2025 - 19:28

PNO - Không phải một cây cao lớn, mà một cây bụi nhỏ lại là loài thực vật thân gỗ lâu đời nhất châu Âu.

Cây bách xù nhỏ bé này, được tìm thấy ở vùng Lapland của Phần Lan, chỉ có đường kính khoảng 10cm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu xác định nó đã 1.647 năm tuổi, già hơn bất kỳ cây thân gỗ nào được biết đến ở châu Âu.

Cây bụi nhỏ 1.647 năm tuổi là cây lâu đời nhất châu Âu
Cây bụi 1.647 năm tuổi là cây già nhất châu Âu

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Marco Carrer, nhà sinh thái học rừng tại Đại học Padua (Ý), đứng đầu đã xác nhận phát hiện này. Họ cũng nhấn mạnh rằng cây bụi khiêm tốn này đã phá vỡ kỷ lục trước đó hơn 400 năm.

Khi nhắc đến thực vật lâu đời, nhiều người thường nghĩ đến những cây cổ thụ hùng vĩ. Tuy nhiên, các loài cây bụi, như cây bách xù thông thường, có thể tồn tại qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cho thấy khả năng thích nghi phi thường qua hàng ngàn năm.

Những cây bụi ở các môi trường khắc nghiệt thường phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, nguồn dinh dưỡng hạn chế và tốc độ phát triển chậm. Tuy vậy, tuổi thọ dài của chúng có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thực vật thích nghi với những thay đổi của khí hậu toàn cầu.

Trước đây, các báo cáo từng ghi nhận một số cây bụi có tuổi thọ cao bất thường ở Cao nguyên Tây Tạng và Địa Trung Hải, cũng như ở các khu vực có điều kiện khắc nghiệt trên núi cao.

Cây bách xù là loài cây lá kim phân bố rộng nhất thế giới. Vòng sinh trưởng của nó có thể cung cấp thông tin quan trọng về những thay đổi môi trường và các hiện tượng thời tiết trong quá khứ.

Cây bách xù quen thuộc với nhiều người như một loại gia vị trong nhà bếp hoặc nguyên liệu để sản xuất rượu gin. Tuy không hùng vĩ như những cây cổ thụ, nhưng tuổi thọ đáng kinh ngạc của nó đang thay đổi những gì người ta biết về giới hạn tuổi thọ của thực vật thân gỗ.

Với sức sống bền bỉ, cây bách xù có thể tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau, từ vùng băng giá đến các cồn cát nóng bỏng.

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ tăng có thể khiến cây thân gỗ di cư về phía bắc, tạo áp lực lên các loài cây bụi hiện có.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều kiện khắc nghiệt hơn có thể giúp cây bụi phát triển mạnh nếu cây lớn gặp khó khăn trong việc sinh trưởng do thiếu tài nguyên.

Thực tế, cây bụi đã mở rộng phạm vi phân bố tại một số khu vực vĩ độ cao, phản ánh sự tương tác phức tạp giữa xu hướng nóng lên toàn cầu và giới hạn sinh thái địa phương.

Dù vậy, những cây bách xù lâu đời vẫn đứng vững trước nhiều biến động môi trường, khẳng định vị trí là những "chiến binh" bền bỉ trong tự nhiên.

Không giống những cánh rừng cổ thụ nổi tiếng, cây bụi cổ đại thường bị bỏ qua và không được bảo vệ đầy đủ. Trước xu hướng nóng lên toàn cầu và ranh giới sinh thái thay đổi, các nhà bảo tồn lo ngại rằng loài bách xù cổ xưa có thể bị ảnh hưởng.

Nếu chúng biến mất, hàng thế kỷ dữ liệu sinh thái tinh tế cũng sẽ biến mất theo.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI