PNO - Sau nhiều lần trễ hẹn, nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn cũng được thông xe vào tháng 1/2019. Đến nay, đã 8 tháng trôi qua, đường bên hông cầu vẫn còn ngổn ngang, chưa thể giải tỏa xong.
Tám tháng sau khi thông xe, cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã giải quyết được tình trạng kẹt xe ở khu vực này. Tuy nhiên, con đường bên hông cầu vẫn còn là một công trình nham nhở, không biết bao giờ mới hoàn thành.
Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm gồm ba nhánh hình chữ N, gồm một nhánh từ đường Nguyễn Kiệm (phía Q.Gò Vấp) đi về đường Hoàng Minh Giám, một nhánh từ đường Hoàng Minh Giám đi về đường Nguyễn Thái Sơn và một nhánh từ đường Nguyễn Kiệm (phía Q.Phú Nhuận) đi về đường Nguyễn Thái Sơn. Cả ba nhánh cầu trên đều dài gần 370m. Đây là một trong 6 dự án trọng điểm của TP.HCM nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng.
Trong ba nhánh cầu, nhánh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn là nhánh xây dựng sau cùng do vướng mắc trong khâu giải tỏa. Theo đó, có 50 hộ dân có nhà trên đường Nguyễn Kiệm nằm trong diện giải tỏa, đền bù để xây cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Hầu hết các hộ này chỉ được bồi thường 30-40% so với đơn giá đất; bồi thường, hỗ trợ cấu trúc xây dựng chỉ 30-70%. Do người dân không đồng ý với mức bồi thường như trên nên nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn bị “đứng hình” nhiều tháng liền.
Đến tháng 1/2019, khi hoàn thành cầu vượt, vẫn còn khoảng 10 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, đến nay còn vướng hai hộ. Hai căn nhà còn lại là nhà số 16 Nguyễn Kiệm thuộc sở hữu của ông Trương Hoàng Lê và nhà số 33 Nguyễn Kiệm thuộc sở hữu của ông Hà Duy Minh.
Nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn còn vướng hai căn nhà số 16 và 33 Nguyễn Kiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hoàng Lê cho biết, ông mua căn nhà số 16 Nguyễn Kiệm năm 1989 bằng giấy tay, có xác nhận của chính quyền địa phương. Khi mới mua, trên mảnh đất này đã có sẵn một căn hộ cấp 4 với tường gạch, mái tôn, tổng diện tích sử dụng 64m2. Sau đó, nhà bị xuống cấp nên ông sửa chữa lại. Gia đình ông Lê sử dụng đất ổn định, liên tục cho đến nay.
Theo quyết định của UBND Q.Gò Vấp, căn nhà của ông Lê bị giải tỏa một phần với diện tích 21,5m2 để thực hiện dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên, ông Lê chỉ được bồi thường, hỗ trợ 40% trên đơn giá đất.
Không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ nói trên, ông Lê nhiều lần khiếu nại, yêu cầu được bồi thường 100% theo đơn giá đất. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, ông Lê và cơ quan chức năng vẫn chưa nhất trí giá đền bù. Tương tự, ông Hà Duy Minh cũng chưa đồng ý với mức bồi thường nên căn nhà của ông vẫn tồn tại khiến con đường bên hông cầu vượt chưa thể thông suốt.
UBND TP.HCM nói gì?
Được biết, UBND TP.HCM đã có quyết định về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Trương Hoàng Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ - chủ sở hữu căn nhà số 16 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp. Theo đó, ông Lê và bà Mỹ yêu cầu được xem xét, giải quyết bồi thường, hỗ trợ 100% theo đơn giá đất ở đối với 25,5m2 đất bị thu hồi, giải tỏa.
Theo UBND TP.HCM, nhà đất số 16 Nguyễn Kiệm trước đây do chính quyền chế độ cũ sử dụng làm sân gôn. Đến năm 1978, UBND TP.HCM giao toàn bộ bãi đất sân gôn cho Sở Quản lý công trình công cộng quản lý.
Năm 1989, UBND P.3 ký hợp đồng mở gian hàng dịch vụ thương nghiệp đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, cho phép bà Kim Anh dựng gian hàng 20m2 bên ngoài hàng rào công viên Gia Định để kinh doanh. Bà Kim Anh dựng gian hàng và có lấn chiếm thêm đất phía sau để xây nhà (tự ý chuyển mục đích sử dụng làm đất ở). Đến tháng 11/1989, bà Kim Anh chuyển nhượng gian hàng trên cho ông Lê bằng giấy tay, có xác nhận của chính quyền nơi bà Kim Anh sinh sống.
Năm 1991, ông Lê có sửa chữa lại gác gỗ nhưng không xin phép xây dựng. Gia đình ông Lê sử dụng đất ổn định đến nay, có đăng ký kê khai nhà đất, được UBND P.3 xác nhận ngày 10/8/1999 với diện tích 64m2, có nộp thuế nhà đất loại “đất ở đô thị” theo vị trí mặt tiền đường Nguyễn Kiệm.
UBND TP.HCM cho rằng, UBND Q.Gò Vấp xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của ông Lê là chiếm đất do Nhà nước quản lý, hiện không phù hợp với quy hoạch nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là phù hợp với Luật Đất đai.
Hộ ông Lê có quá trình sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 nên được hỗ trợ 40% đơn giá đất ở là đúng với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây cầu vượt thép nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm được Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp phê duyệt. Từ đó, UBND TP.HCM cho rằng, khiếu nại yêu cầu được bồi thường 100% theo đơn giá đất ở đối với phần diện tích bị thu hồi của ông Lê, bà Mỹ là không có cơ sở để xem xét.
Ông Lê cho rằng, qua tham vấn ý kiến các luật sư, ông được biết, trường hợp của mình đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, dù chưa có giấy chứng nhận nhưng theo quy định hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điều 101 và điều 102 của Luật Đất đai, các điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43 thì vẫn được bồi thường về đất.
Từ quan điểm trên, ông Lê đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP.HCM, yêu cầu hủy quyết định về bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình ông tại địa chỉ giải tỏa (số 16 Nguyễn Kiệm), hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 của UBND Q.Gò Vấp và quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai của UBND TP.HCM, đồng thời yêu cầu được bồi thường 100% theo đơn giá đất.
Như vậy, việc giải tỏa để hoàn thành cầu vượt trăm tỷ chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.