Chương trình kết nối 2 điểm cầu Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM và Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).
Sân khấu đầu cầu truyền hình tại TP.HCM
|
|
Đến dự điểm cầu tại TP.HCM có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm; Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Thân Thị Thư.
Tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, có các ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM... Cùng dự ở 2 điểm cầu còn có các Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua, các gương mặt thi đua tiêu biểu trong cả nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định giá trị trường tồn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
|
Chia sẻ tại chương trình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định giá trị trường tồn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã chỉ ra con đường duy nhất để đấu tranh trong những giai đoạn vô cùng cam go: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua” - chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; và “Làm cho mau - Làm cho tốt - Làm cho nhiều” - chính là phải vượt lên chính mình. Chỉ có củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và vượt lên chính mình chúng ta mới giữ vững được con đường đấu tranh của mình.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt câu hỏi: "Vậy lớp trẻ bây giờ có cần thi đua không? Hết sức cần, bởi thách thức vẫn còn nguyên đó. Chúng ta có thu nhập bình quân đầu người là 2.000 - 3.000 USD nhưng phải cạnh tranh với những quốc gia có thu nhập 40.000 - 50.000 USD/người. Chúng ta có cạnh tranh được không?
Chương trình văn nghệ với những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng
|
|
Có! Vì bản chất của thành công cũng như ngày đó “đoàn kết và vượt lên chính mình”. Và thanh niên cần phải trở thành lực lượng xung kích trong thi đua, vì 3 lợi thế: trình độ học vấn bình quân cao nhất, sức khỏe tốt nhất, năng lực sáng tạo cao nhất. Tôi mong và tin tưởng các bạn thanh niên sẽ là lực lượng đi đầu trên mọi lĩnh vực thi đua, chứng tỏ mình là người yêu nước, thấy được sự chờ đợi của Tổ quốc, của xã hội, và xứng đáng với niềm tin của Bác, sự hy sinh của các thế hệ cha anh”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Trong chương trình, nhiều tấm gương điển hình cống hiến, hy sinh của các thế hệ hôm qua và hôm nay đã đến giao lưu. Các tấm gương tiêu biểu, dù ở vị trí khác nhau, nhưng họ vẫn âm thầm đóng góp và cống hiến cho xã hội và là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua ái quốc. Có những bông hoa - điển hình được biểu dương, nhưng cũng có những con người, những bông hoa đã và đang thầm lặng tỏa hương bình dị giữa đời thường.
Cầu truyền hình “Ngàn hoa dâng Bác” một lần nữa giúp người xem thấy rõ vai trò và ý nghĩa các phong trào thi đua yêu nước cũng như giá trị trường tồn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc qua từng chặng đường phát triển của đất nước suốt 70 năm qua.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, để động viên mọi nguồn lực phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, tại trung tâm An toàn khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Người chỉ rõ mục đích thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói khổ - Diệt giặc dốt nát - Diệt giặc ngoại xâm”; cách làm là dựa vào: “Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua gắn liền với mỗi con người, gắn liền với công việc hằng ngày và đặc biệt: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Qua 70 năm, Lời kêu gọi thi đua ái quốc luôn có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt nhất của dân tộc.
|
Minh Phúc
Ảnh: Dũng Phương