 |
Không khí tại điểm cầu TPHCM đặc biệt sôi động. |
3 điểm cầu được lựa chọn đều mang những ý nghĩa hết sức đặc biệt. Thủ đô Hà Nội biểu trưng cho sự chỉ đạo, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Buôn Ma Thuột với chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) mở màn thắng lợi, tạo bước ngoặt lịch sử cho đại thắng mùa Xuân 1975. Và Hội trường Thống Nhất (TPHCM) là nơi đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc – đất nước thống nhất, non sông thu về một mối khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng (30/4/1975).
Chương trình Bản trường ca hòa bình được xây dựng quy mô, công phu về nội dung và nghệ thuật, nhằm tái hiện hành trình 21 năm gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam.
 |
Hoạt cảnh về miền Nam anh dũng - thành đồng được thể hiện ở cả 3 điểm cầu. |
 |
Các nghệ sĩ thể hiện đầy da diết ca khúc Miền Nam nhớ mãi ơn Người. |
Chương trình kết hợp giữa các phóng sự ngắn, có tính khái quát với những tiết mục nghệ thuật đa dạng loại hình như âm nhạc thính phòng, múa đương đại, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng 3D mapping, laser, pháo hoa, trình chiếu đồ hoạ… nhằm hình tượng hóa, nghệ thuật hóa các thông tin lịch sử, giúp các câu chuyện lịch sử trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận với đông đảo các tầng lớp khán giả.
 |
Nhiều tiết mục trong chương trình kết hợp nhuần nhuyễn cả ca múa nhạc, biểu diễn thực cảnh, trình diễn 3D mapping, pháo hoa... |
|
Trình diễn 3D - Mapping Miền Nam - Thành đồng Tổ quốc |
|
Màn "khoe" khí tài hiện đại của quân đội ta trong phần trình diễn 3D Mapping Việt Nam vươn mình. |
Ngoài tiếng hát của các giọng ca nổi tiếng như Đăng Dương, Phạm Thế Vỹ, Vũ Thắng Lợi, Võ Hạ Trâm, Viết Danh, Đỗ Tố Hoa…, điểm “neo” của chương trình là lời kể của các nhân chứng, những chiến sĩ đã từng chiến đấu, trải qua những giờ phút sinh tử trong gang tấc, đau đớn nhưng cũng vinh quang, hào hùng.
 |
Các chặng đường tiến quân của bộ đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh được tái hiện sinh động trong chương trình. |
“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”, sau khi những câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương vang lên, lời chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, tỉnh đội Quảng Trị năm 1972) càng thêm xúc động.
“Chúng tôi từ mọi miền quê, vượt sông Thạch Hãn (Quảng Trị - PV) sang đây với một khát vọng để thực hiện ao ước của Bác Hồ rằng non sông liền một dải. Trong 81 ngày, địch dội xuống Thành cổ lượng bom đạn mà người ta ví bằng 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản – PV). Tiếng bom, tiếng pháo, những cột nước dựng lên ở sông Thạch Hãn khiến đồng đội tôi chẳng ai vào được. Tôi nhìn thấy cảnh tượng những người lính trẻ tung lên trời, chơi vơi giữa dòng Thạch Hãn…” – cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi xúc động nhớ lại.
Một tiếng “đồng đội tôi”, hai tiếng “đồng đội tôi” được những người lính còn sống đến ngày hôm nay gọi một cách thân thương như cuộc chiến đấu trường kỳ chỉ mới ngày hôm qua. Họ không quên những ngày chiến đấu ác liệt, không quên những đồng đội xưa và yêu biết mấy hòa bình của hôm nay.
 |
Các bạn trẻ xúc động theo dõi chương trình. |
Xuất hiện trên sân khấu tại Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng – Trung đoàn Tăng thiết giáp 273 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273, Quân đoàn 34) không khỏi xúc động khi nhìn thấy những đổi thay của một vùng đất từng là nơi xảy ra trận chiến ngoan cường.
 |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng tặng lại những kỷ vật vô giá cho tỉnh Đắk Lắk. |
Hôm nay, người lính ấy trở về chiến trường cũ, mang theo những chiếc nón chiến đấu của bản thân và đồng đội trong trận đánh ngày 10/3/1975, gửi tặng lại tỉnh Đắk Lắk. Món quà như một sự chuyển tiếp của thời gian, mong rằng thế hệ sau khi nhìn vào kỷ vật có thể hiểu, cha ông đã chiến đấu oai hùng, bất khuất như thế nào.
Một điểm nhấn khác trong chương trình là đại cảnh nghệ thuật Mùa xuân toàn thắng diễn ra tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TPHCM). Trên sân khấu, hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên tái hiện khung cảnh năm xưa ở ngay thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Đại cảnh nghệ thuật Mùa xuân toàn thắng được dàn dựng rất quy mô, hoành tráng tái hiện thời khắc lịch sử khi Bắc - Nam sum họp một nhà. |
 |
Điểm cầu TPHCM tập trung các tiết mục quy mô đông người với hàng trăm diễn viên trên sân khấu. |
Liền sau đó là màn giao lưu của 2 nhân chứng là Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ và nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) như càng khắc họa rõ thêm chiến thắng lịch sử của cả dân tộc.
 |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ chia sẻ kỷ niệm cùng cha tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và niềm vui ngày toàn thắng: "Về nhà thôi, Mẹ đang chờ!". |
“Đó là ngày mà toàn dân tộc đã cùng chờ đợi từ rất lâu. Trên đường chúng tôi theo các đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, có những nơi người dân đã ùa ra đường đón, và tôi nhớ mãi hình ảnh có người dân vừa chạy xe máy đi theo xe chúng tôi, vừa hát bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”.
Khi chúng tôi vào đến Dinh Độc Lập thì bắt gặp một anh nhà báo người Đức đang tung chiếc máy ảnh của anh ấy lên trời, cùng ăn mừng chiến thắng với chúng tôi. Lúc này máy ảnh của tôi chỉ còn vài kiểu phim cuối cùng, tôi tự nhủ rằng mình phải chắt chiu để chụp được những khoảnh khắc thật đẹp cho đồng đội. Và tấm ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập là một trong những tấm ảnh như vậy”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.
 |
Những nhân chứng sống của thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 hội ngộ cùng nhau sau 50 năm. |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý và Trần Bình Yên - pháo thủ và lái xe của kíp xe tăng 846, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 Quân Giải phóng - hội ngộ cùng nhà báo Trần Mai Hưởng đã chụp lại khoảnh khắc lịch sử chiếc xe tăng 846 húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975. |
Cầu truyền hình Bản trường ca hòa bình là một trong những chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động do Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, nhằm Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây cũng là chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật quy mô lớn đầu tiên, mở màn cho nhiều hoạt động sắp diễn ra trong thời gian tới.
Diễm Mi - Đông A