Cầu Thủ Thiêm 4 nối thành phố Thủ Đức cần thiết kế kiểu dáng tri thức, hiện đại

16/09/2020 - 22:23

PNO - UBND TPHCM vừa có thông báo giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 với quận 2).

Cụ thể, TPHCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4, báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố để góp ý, hoàn thiện thêm phương án, trước khi trình lại Thường trực UBND TP xem xét. 

Lưu ý, công trình cầu Thủ Thiêm 4 kết nối giữa quận 7 (khu vực phía Nam TP) với quận 2 (khu vực phía Đông), trong tương lai là Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP – Thành phố Thủ Đức. Vì vậy, phương án thiết kế công trình cầu Thủ Thêm 4 cần có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại với tinh thần năng động sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.

Phương án thiết kế cấu trúc cầu Thủ Thiêm hình dáng tre Việt Nam
Phương án thiết kế cấu trúc cầu Thủ Thiêm hình dáng "tre" Việt Nam

Trước đó, Sở QHKT đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND quận 7, đơn vị tư vấn được tuyển chọn nghiên cứu đề án, đề xuất phương án tổ chức giao thông phía quận 7 tối ưu để kết nối cầu Thủ Thiêm 4 và 2 nút giao thông tại đường Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát và cầu đường Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh.

Theo đó, đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh phương án kiến trúc cầu như sau: Lựa chọn hình dáng “tre” Việt Nam cho cầu Thủ Thiêm 4; thiết kế chi tiết kết cấu vòm cầu thể hiện rõ cấu trúc cách điệu các đốt tre lắp ghép; trụ đèn chiếu sáng, lan can cầu cách điệu từ hình ảnh chiếc cầu tre; phương án chiếu sáng đổi màu, cường độ theo từng khung giờ, chiếu sáng nhịp dẫn hài hoà với cấu trúc tổng thể cầu.

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4
Vị trí cầu Thủ Thiêm 4

Phương án tổ chức giao thông, đối với nút giao thông cầu Thủ Thiêm 4 – đường Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát: Hướng chính từ cầu Thủ Thiêm 4 kết nối đường Huỳnh Tấn Phát là đi theo cầu dẫn vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, trước vị trí giao với đường Bùi Văn Ba.

Cầu Thủ Thiêm rẽ phải đến Nguyễn Văn Linh sẽ rẽ phải theo nhánh cầu N1; rẽ trái theo đường Tân Thuận thì rẽ trái theo nhánh cầu N3; hướng Nguyễn Văn Linh rẽ trái lên cầu Thủ Thiêm 4 qua quận 2 đi theo nhánh N4; hướng Tân Thuận rẽ trái qua Huỳnh Tấn Phát và hướng từ Huỳnh Tấn Phát rẽ trái qua Nguyễn Văn Linh thì tổ chức giao bằng vòng xoay tại vị trí giao đường Nguyễn Văn Linh – Tân Thuận – Huỳnh Tấn Phát.

Nút giao thông cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh: Hướng từ cầu Tân Thuận 2 rẽ phải theo làn bên phải ra Nguyễn Văn Linh, rẽ trái qua Nguyễn Văn Linh đi theo hướng hầm chui A1; hướng đi từ cầu Tân Thuận thẳng qua D2 thì thẳng theo hầm chui A1; hướng từ Nguyễn Văn Linh rẽ trái lên cầu Tân Thuận qua D2 chờ đèn rẽ trái; D2 rẽ trái đi Nguyễn Văn Linh thì đi thẳng cầu Tân Thuận chờ pha đèn.

Đối với dòng xe container từ Nguyễn Văn Linh ra vào cảng đi trên cầu vượt qua nút cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, sau đó đi theo hầm chui qua nút giao thông cầu Thủ Thiêm 4 – Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát đảm bảo an toàn và không giao cắt với dòng phương tiện khác.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ thực hiện theo hình thức PPP, dự kiến theo hợp đồng BT. Đây là khu vực cửa ngõ TP, nên mục tiêu của dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ TPHCM, kết nối quận 4, quận 7 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). 

Cầu có tổng chiều dài cầu khoảng 2160m, cầu chính từ bờ quận 7 qua đến hết cầu phía quận 2 với 6 làn xe, ước tính tổng mức đầu tư dự kiến là 5.254 tỷ đồng.

Anh Hào

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI