Ấn Độ:

Cậu thiếu niên phát minh máy chăm sóc bệnh nhân Alzheimer từ tình yêu dành cho bà ngoại

17/01/2024 - 16:01

PNO - Từ các hướng dẫn về robot trên YouTube, cậu thiếu niên 17 tuổi biến tình yêu dành cho bà mình thành một thiết bị cảnh báo cho những người chăm sóc nếu bệnh nhân Alzheimer bị ngã hoặc đi lạc.

 

Tình yêu môn cricket của Hemesh Chadalavada đã truyền cảm hứng cho cậu phát minh ra 'máy dò nhiệt' ở tuổi 12 để anh và bạn bè có thể chơi môn thể thao này càng lâu càng tốt trước khi trời quá nóng. Ảnh: Tài liệu
Tình yêu môn cricket của Hemesh Chadalavada đã truyền cảm hứng cho cậu phát minh ra "máy dò nhiệt'' ở tuổi 12 để bản thân và bạn bè có thể chơi môn thể thao này càng lâu càng tốt trước khi trời quá nóng - Ảnh: Handout

Trong ký ức về mùa hè hạnh phúc mà Hemesh Chadalavada - đến từ thành phố Hyderabad, bang Telangana - trải qua tại nhà bà ngoại ở Guntur, miền nam Ấn Độ vào năm 2018, cả hai đã xem vô số bộ phim và ăn món gà biryani. Một buổi tối muộn, khi Chadalavada (lúc đó 12 tuổi) đang ngồi một mình trước tivi, bà Jayasree thức dậy trong bộ váy ngủ và đến pha trà.

Sau khi bà trở về phòng ngủ, Chadalavada đi vào bếp thì thấy bếp ga vẫn mở. Chadalavada nói: “Lúc đó bà vừa được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer nhưng tôi vẫn bị sốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không có mặt ở đó?”.

Trong ký ức của Chadalavada, bà Jayasree luôn yêu thương con cháu và là một người phụ nữ năng động, thành đạt, từng tiếp xúc với các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách hàng đầu ở bang Telangana.

Nhưng căn bệnh Alzheimer đã thay đổi bà hoàn toàn. Cậu thiếu niên chia sẻ: “Bà thường thức dậy lúc 3 hoặc 4 giờ sáng và đi ra ngoài vì nghĩ rằng mình đang ở trên tàu”.

Trong mùa hè vui vẻ đó, Chadalavada, người tự nhận bản thân là “mọt sách” và yêu thích robot, đã quyết định phát minh ra một thiết bị để giúp đỡ những người như bà của mình.

Chadalavada cho bà ngoại xem nguyên mẫu của thiết bị. Ảnh:Handout
Chadalavada cho bà xem nguyên mẫu của thiết bị - Ảnh: Handout

Hiện 17 tuổi, Chadalavada đã sẵn sàng sản xuất một thiết bị giúp phát hiện khi nào những người mắc bệnh Alzheimer bị ngã hoặc đi lạc.

Thiết bị với tên gọi Alpha Monitor nhẹ và nhỏ gọn, có thể được đeo dưới dạng huy hiệu hoặc băng tay. Nó sẽ phát ra tín hiệu khi người đeo bắt đầu di chuyển và cảnh báo cho người chăm sóc nếu bệnh nhân bị ngã hoặc đi chệch hướng.

Hầu hết các thiết bị tương tự đều chạy bằng wifi hoặc Bluetooth, vì vậy khi một người di chuyển ra khỏi phạm vi tần số giới hạn, kết nối sẽ bị mất và kéo theo đó là quá trình giám sát chấm dứt. Nhưng Alpha Monitor có thể phát hiện một người ở cách xa hơn 1,5km trong thành phố và 5km ở nông thôn nhờ công nghệ tầm xa gọi là LoRa.

Tự học bằng các video trên YouTube về robot và điện tử, Chadalavada đã phát triển được 20 nguyên mẫu của Alpha Monitor.

Để hiểu nhu cầu của những người mắc bệnh Alzheimer (chỉ riêng Ấn Độ có khoảng 8,8 triệu người), cậu thiếu niên đã dành thời gian đến một trung tâm chăm sóc do Hiệp hội bệnh nhân Alzheimer và rối loạn liên quan tại Ấn Độ điều hành.

Ở đó, người đồng sáng lập hiệp hội tại địa phương, A Bala Tripura Sundari, nói với anh rằng thiết bị “phải là thứ gì đó nhẹ để có thể đeo trên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể”. Cô Sundari nói: “Nhiều bệnh nhân không thích phải đeo đồng hồ và họ tháo nó ra”.

Cha của cô Sundari mắc bệnh Alzheimer và thường lên xe kéo, đi xa hàng cây số trước khi gia đình nhận ra ông đã biến mất.

Những câu chuyện Chadalavada đã nghe, và sự ra đi của bà Jayasree vào năm 2023 góp phần củng cố thêm động lực của cậu thiếu niên, bất chấp khối lượng bài vở nặng nề ở trường.

“Có một gia đình đã tìm kiếm cha mình suốt 2 năm sau khi ông ấy đi lang thang. Họ không bao giờ tìm thấy ông ấy. Cuối cùng, họ phải bỏ cuộc”, Chadalavada cho biết.

Alpha Monitor sử dụng công nghệ tầm xa chứ không dựa vào wifi hay Bluetooth nên có thể phát hiện những người đi lang thang ở khoảng cách vài cây số - Ảnh: Handout
Alpha Monitor sử dụng công nghệ tầm xa chứ không dựa vào wifi hay Bluetooth nên có thể phát hiện những người đi lang thang ở khoảng cách vài cây số - Ảnh: Handout

Màn hình của Alpha Monitor cũng đo mạch và nhiệt độ, đồng thời nhắc nhở mọi người khi nào nên dùng thuốc. Nhưng Chadalavada đang nỗ lực tiến xa hơn nữa với phát minh của mình, dự đoán kiểu chuyển động của bệnh nhân bằng cách sử dụng công nghệ học máy.

Vào năm 2022, chàng trai đã vượt qua 18.000 bài dự thi để giành được khoản tài trợ 10 triệu rupee (3,1 tỷ đồng) từ cuộc thi Samsung Solve for Tomorrow và được chỉ định làm cố vấn cho một số kỹ sư hàng đầu của Samsung.

Chadalavada cảm thấy việc phát minh khá thú vị vì mọi thứ đến với cậu một cách tự nhiên. Ở tuổi 12, cậu đã chế tạo một “máy dò nhiệt” nhằm theo dõi nhiệt độ của bạn bè khi họ chơi cricket.

Chadalavada kể: “Tất cả chúng tôi đều thích chơi cricket, ngay cả trong cái nóng mùa hè. Nhưng nhiều bạn bè của tôi sẽ bị bệnh. Tôi muốn phát minh ra thứ gì đó cho phép chúng tôi tối đa hóa niềm vui bằng cách chơi trong thời gian dài nhất có thể và biết khi nào nên dừng vì cơ thể quá nóng".

Vào tháng 3 sắp tới, khi kỳ thi ở trường của Chadalavada kết thúc, chàng trai sẽ hoàn thiện những khâu cuối cùng cho Alpha Monitor, với mục tiêu đưa thiết bị này sẵn sàng ra thị trường vào tháng 9. Cậu kiên quyết rằng thiết bị phải được bán với giá phải chăng cho hầu hết mọi người.

Chadalavada hy vọng sẽ học ngành robot tại một trường đại học ở nước ngoài. Mục tiêu của cậu ấy rất đơn giản: “Tôi muốn tạo ra những sản phẩm để giúp đỡ người dân ở Ấn Độ và trên toàn thế giới”.

Hemesh Chadalavada tại Cuộc thi Samsung Solve for Tomorrow, nơi cậu đã giành được khoản trợ cấp 10 triệu rupee để giúp phát triển thiết bị của mình - Ảnh: Handout
Hemesh Chadalavada tại Cuộc thi Samsung Solve for Tomorrow, nơi cậu đã giành được khoản trợ cấp 10 triệu rupee để giúp phát triển thiết bị của mình - Ảnh: Handout

Ngọc Hạ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI