Câu thần chú “Chồng ơi, giúp vợ với!”

25/07/2023 - 05:23

PNO - Thường, người vợ quá đảm đang sẽ dẫn đến tỉ lệ cao các anh chồng “không biết làm gì cả”. Đừng im lặng gánh chịu một mình. Bạn cứ thử mềm dẻo với câu thần chú “Chồng ơi, giúp vợ với”.

Chị lên chức nên mời đồng nghiệp đến nhà dự tiệc. Mấy chị em đang ăn uống vui vẻ bỗng trời nổi cơn giông, điện tắt phụt, rồi mưa ào ào. Chị nhờ anh tìm mấy cây nến. Anh loay hoay tìm mãi vẫn không thấy, chị đành đứng dậy.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuộc vui vẫn tiếp diễn cho đến khi anh hớt hải chạy vào thông báo: “Nhà dưới dột te tua em ơi. Nước đầy sàn rồi”. Mọi người chạy ra gian nhà sau. Tấm nhựa ở một góc trần nhà bị sà xuống, nước đổ như thác.

Mặt anh biến sắc, chị trấn an: “Không sao đâu, lá khô rụng làm nghẽn máng xối thôi. Mai em leo lên nóc quét dọn rồi đi mua vài cây đinh cố định lại trần”. Chị giục khách trở lại bàn ăn. Mọi người có vẻ ái ngại. Một đồng nghiệp mạnh dạn thắc mắc, sao anh không leo lên mái nhà. Chị mỉm cười chống chế rằng anh sợ độ cao.

Hàng xóm đã có điện, nhà chị vẫn tối tăm. Soi đèn pin kiểm tra, chị phát hiện bị đứt cầu chì. Anh dặn, mua đồ sửa điện nhớ mua luôn dây thay bàn ủi, nó hỏng từ tuần trước. Hiểu được sự tò mò của khách, chị thản nhiên: “Ổng là con một, được cha mẹ cưng chiều nên chẳng biết làm gì cả”.

Xuân - bạn thân nhất của chị - bức xúc, chồng em nhà đông con, lại nghèo, mà cũng có biết làm gì đâu. Mấy ông thấy việc gì vợ cũng làm được thì lười biếng. Trước Xuân ở nhà, chu toàn việc nội trợ. Từ khi đi làm, ôm vừa việc công ty lẫn việc gia đình nên chị đầu tắt mặt tối, gần nửa đêm chưa được ngủ, sáng phải dậy sớm lo điểm tâm cho chồng con.

Chồng chị làm việc ở nhà, mặt trời lên chói chang mới thức dậy. Than thở mãi ông ấy cũng thỉnh thoảng giúp vài việc vặt. Nhưng rồi đụng vào cái gì cũng hư hỏng khiến vợ phải sửa chữa, thêm cực công. 

Chị Hồng bị tai nạn giao thông, phải bó bột cố định xương. Chồng vo gạo bắc nồi cơm mà quên đổ nước, cháy như rang. Lo nêm nếm nồi canh, cuối cùng anh để mẻ cá kho khét lẹt. Đến trứng luộc cũng quên tắt bếp, cạn khô nước và cháy sém. Loay hoay mãi, cuối cùng bộ sưu tập “khét” của anh cũng hoàn thành.

Đứa con quen ăn bữa ngon mẹ nấu, cằn nhằn mãi. Anh nổi nóng, la om sòm. Để chuộc lỗi, hôm sau anh cẩn thận hơn. Lần này cơm trắng canh ngọt, chỉ là chủ bếp đã lỡ cho nước “quá liều” nên nồi cơm nhão nhoẹt. Chị cảnh báo, con giống anh, ghét nhất món cơm nhão.

Vận dụng nghề thiết kế vào bữa ăn, anh cho thêm nước, bấm nút nấu cơm thêm lần nữa rồi đánh nhuyễn ra, ép khuôn, cắt từng miếng hình chữ nhật. Cốt dừa, đậu phộng rang, rau thơm, nước mắm ớt chua ngọt chan lên.

Thằng con vừa ăn vừa hít hà khen ngon, hỏi món bánh gì. Anh cười hề hề, bánh này là món sáng chế độc quyền của ba, chưa kịp đặt tên. Chị nửa vui nửa giận gọi đó là “bánh nhão”. Rồi chị nói luôn, chân chị có lành anh làm ơn vẫn vào bếp tập nấu, đừng để vợ “hầu hạ” mãi. Lỡ chị có mệnh hệ gì thì 2 người đàn ông trong nhà xoay xở làm sao?

Phụ nữ đảm đang là tốt, nhưng người vợ giỏi phải biết cách nhờ chồng chung sức. Nếu chuyện gì cũng cậy bản thân làm được rồi ôm hết thì anh chồng sẽ mặc nhiên xem việc lớn việc nhỏ trong nhà là của vợ. Nhà chị Thắm có máy xay lúa bán gạo. Vẫn dùng máy dầu nên mỗi lần khách chở lúa đến là chị gọi điện cho chồng về khởi động hệ thống máy móc.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Chị tiết lộ, thật ra sức phụ nữ quen lao động nặng như chị vẫn có thể điều khiển cỗ máy này. Tuy nhiên, chị luôn giả vờ không làm nổi, để lèo lái ông chồng ham vui có trách nhiệm. Mọi người khuyên đổi sang động cơ điện cho nhẹ nhàng và giảm ồn, chị lưỡng lự chưa muốn. Đơn giản vì “sểnh ra ổng đi chơi suốt”. 

Nhờ chồng giúp cũng là cách để vợ chồng gắn bó, người đàn ông cảm thấy họ quan trọng trong nhà. Như chị Hiền, mỗi ngày vẫn thích nhờ chồng dắt xe lên xuống bậc cửa, mặc chiếc đầm đẹp lại gọi anh khóa giùm dây kéo sau lưng.

Chẳng phải chị không làm được những việc như vậy, nhưng là muốn chồng cảm nhận chị luôn cần anh. Vợ chồng có sự giao tiếp thân mật, có việc làm cùng nhau. Anh hãnh diện vì vợ nhờ giúp đỡ, chị dịu dàng hơn khi cảm giác được che chở, quan tâm.

Thường, người vợ quá đảm đang sẽ dẫn đến tỉ lệ cao các anh chồng “không biết làm gì cả”. Đừng im lặng gánh chịu một mình. Bạn cứ thử mềm dẻo với câu thần chú “Chồng ơi, giúp vợ với”.

Thật tuyệt vời khi vợ chồng bắt đầu ngày mới bằng cách chia việc cùng nhau. Mọi thứ nhanh chóng hoàn tất, nhường lại không gian thảnh thơi để tận hưởng cuộc sống. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI