Cầu tài, cầu lộc cũng cần văn minh

02/02/2018 - 08:37

PNO - Vì lễ hội tâm linh là dạng lễ hội dựa nhiều vào tính tự giác của người tham gia, nên rất cần thiết phải nâng tầm trật tự. Các vị thần thánh ở cõi tâm linh cũng xếp hàng theo thứ tự hoặc an vị theo thứ bậc.

Mùng chín tháng Giêng hằng năm là ngày vía Trời - một trong những lễ lớn nhất ở chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng - 73 Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM) - nơi Tổng thống Obama từng đến viếng. Khách hành hương đông nườm nượp, từ sáng đến tối.

Cau tai, cau loc cung can van minh

Người dân viếng chùa Ngọc Hoàng

“Mỗi người chỉ được phép đốt một cây nhang nhỏ” là "mệnh lệnh" của những người quản lý chùa. Đường vào chùa được chia luồng để bá tánh đi vào bên phải, đi ra bên trái, phân minh. Cái nếp này đã giúp không gian chật chội từ sân chùa đến chánh điện trật tự hơn cũng như giảm bớt nỗi lo chen lấn, giẫm đạp, hoảng loạn bất thường ở những chốn tụ tập đông người.

Vì lễ hội tâm linh là dạng lễ hội dựa nhiều vào tính tự giác của người tham gia, nên rất cần thiết phải nâng tầm trật tự. Xin nhắc để mọi người nhớ, các vị thần thánh ở cõi tâm linh cũng xếp hàng theo thứ tự hoặc an vị theo thứ bậc. 

Bản chất con người là làm gì cũng có ý thức tổ chức và họ cũng tổ chức thế giới tâm linh - siêu hình rất quy củ, minh bạch. dù là cõi niết bàn, thiên đường hay địa ngục cũng không thể đẩy các vị thánh thần, quỷ thần xô bồ, hổ lốn.

Ngay cả lời khấn, lời nguyện của mỗi tín đồ, khi hướng về cõi hiển linh, cũng xướng tên các vị độ trì theo thứ bậc. Nội dung phát nguyện, cầu xin cũng là việc cấp bách trước, rồi mới tới những ước nguyện khác. Vậy thì cớ gì, khi đến với những lễ hội tâm linh, ta lại để cho lòng thành của mình rối loạn do cách hành xử kém ý thức văn minh. 

Rối tâm, loạn thần của cá nhân hay tập thể là điều mà cả thánh thần và con người đều không muốn. Giá trị an định ba cõi - cõi trời, cõi người, cõi quỷ cũng khởi phát từ nền của bản chất văn minh.

Ngày nay, các lễ hội tâm linh khắp đất nước đã biến tướng theo nhu cầu cực đoan - cầu tài, cầu lộc. Các điểm thờ tự trang nghiêm, linh thiêng biến thành “chi nhánh ngân hàng tâm linh” để bá tánh đến vay, trả đủ kiểu. Thánh thần biến thái thành “chủ cho vay nặng lãi” hoặc “chủ ngân hàng chính sách”. 

Cau tai, cau loc cung can van minh
Khi văn hóa tâm linh biến tướng, thần thánh bị biến thành những kẻ cho vay nặng lãi - Ảnh: Thuận Thắng

Mấy ai nghĩ rằng, thánh thần đang đau đớn khi bị đẩy vào vấn nạn đó. Ở vô số điểm lễ hội tâm linh, người ta thấy ảnh, tượng thánh thần bị dán, bị rải, bị nhét tiền. Thậm chí những gốc cổ thụ, cục gạch, hóc rêu của đình chùa cũng bị “cấy ghép tiền tài”.

Cả một nền văn hóa tâm linh có hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc đang bị biến thành một “tập đoàn ngân hàng tâm linh” trước sự thụ động của cộng đồng và mưu toan trục lợi của một số người có trách nhiệm kế thừa di sản văn hóa tâm linh.

Trong xã hội thị trường, nhu cầu tâm linh và lễ hội tâm linh theo hướng cầu tài, cầu lộc là nhu cầu không thể cấm đoán, hạn chế. Thế nên, tương ứng với mức phát triển của xã hội, ta cũng cần nâng chất văn hóa tâm linh. Tín đồ, ai cũng theo lời đồn mà tìm đến đình, miếu, am, chùa linh ứng để cúng cầu. Không ai muốn thần thánh của mình lem luốc, nghèo hèn.

Nếu thần thánh mình mà lôm côm, không xứng với địa vị văn hóa của mình thì ai chẳng xấu hổ. Thế thì tại sao không tạo ra một thị trường cúng cầu với chất lượng thương hiệu từ sang trọng cho tới bình dân để chính thị trường cạnh tranh này tự đẩy lùi hàng giả, hàng kém phẩm chất?

Văn hóa lễ hội cúng cầu tài, lộc thì không xứ nào bằng Đài Loan, Hồng Kông, Đại Hàn… Ở đó, thị trường tâm linh thật minh bạch và ngày càng nâng chất để tương xứng với trình độ phát triển của xã hội. Đó là những kinh nghiệm, bài học cần thiết cho các lễ hội tâm linh cầu tài, cầu lộc ở Việt Nam. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI