Cầu sắt 120 tuổi "chờ" đơn đề nghị để được xếp hạng di tích

07/06/2022 - 11:08

PNO - Cầu sắt Bình Lợi - cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào năm 1902 – vẫn chưa được xếp hạng di tích vì chưa có đơn đề nghị xếp hạng.

Muốn bảo tồn như một di sản văn hóa, phải lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Theo quy định, phải có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích (theo Điều 5, Điều 12 Thông tư 09 ngày 14/7/2011 của Bộ VH-TT-DL).

Ở đây, là Cục Đường sắt Việt Nam hoặc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trong trường hợp sau khi Bộ GT-VT giao về cho UBND TPHCM, thì phải có đơn đề nghị của đơn vị được UBND TP giao quản lý di tích.

Cầu có chiều dài 276m, có kết cấu vòm thép, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp 1,8m. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh còn một tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi Binh Loi Octobre 1948”.
Cầu có chiều dài 276m, có kết cấu vòm thép, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp 1,8m. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh còn một tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948”.

Theo Sở VH-TT TPHCM, cầu đường sắt Bình Lợi có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành: “Cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của lịch sử Sài Gòn – TPHCM và của ngành đường sắt Việt Nam. Cầu có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành”.

Theo văn bản số 2219 ngày 3/6, Sở VH-TT TP cho biết, sở sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích công trình cầu đường sắt Bình Lợi ngay khi có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức được giao quản lý trực tiếp công trình.

Sở cũng đưa ra hai phương án bảo tồn. Phương án 1 là tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh cấu kiện, sơn chống rỉ sét, sơn phủ bề mặt…) và một tháp canh (tu bổ, phục dựng…). Tổng mức kinh phí dự kiến là khoảng hơn 12,7 tỷ đồng.

Phương án này thuận lợi ở chỗ tu bổ kịp thời nhưng chưa phù hợp với một số quy định hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công (do công trình chưa được bàn giao về thành phố). Đồng thời, cũng không thuận lợi cho việc thi công làm tăng kinh phí, không có đường dẫn, không có công trình phụ trợ…, không bảo vệ được công trình và không phát huy được giá trị công trình.

Phương án hai là bảo tồn tổng thể sau khi được bàn giao và xác định ranh đất. Phương án này phù hợp với quy định hiện hành, khắc phục được nhiều hạn chế của phương án 1, đặc biệt là phát huy được giá trị công trình sau khi tu bổ, phục hồi. Tuy nhiên, phương án này cần nhiều thời gian, kinh phí lớn hơn phương án đầu.

Sở VH-TT TP đề nghị Bộ GT-VT sớm tham mưu UBND TP đề nghị bộ bàn giao công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ về thành phố quản lý.

Sau khi công trình được bàn giao, sở sẽ tham mưu đề xuất phương án bảo tồn tổng thể công trình theo đúng quy định hiện hành (phương án 2). Về đơn vị quản lý, Sở VH-TT đề nghị xem xét giao cho UBND TP Thủ Đức quản lý để thuận lợi trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI