Cầu nối tình thâm

06/11/2013 - 20:25

PNO - PN - Con gái điện thoại cho anh, dè dặt: “Con cảm ơn ba về món quà. Mai Chủ nhật được nghỉ học, chiều nay xong việc, ba xuống đón con về chơi nha”. Anh… đứng hình vì ngạc nhiên và mừng vui quá đỗi. Mặc con gái đã vội vàng cúp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vợ chồng anh ly hôn từ bảy năm trước. Con gái, khi ấy mới vào lớp 2 được tòa tuyên ở với mẹ, anh trợ cấp nuôi con đến khi trưởng thành. Vẫn sống trong một thành phố nhưng công việc bận rộn mải miết cuốn anh đi. Ban đầu còn thưa thớt đến thăm con, nhưng từ khi lập gia đình mới với chị, anh gần như bặt hẳn. Sợi dây thâm tình kết nối giữa hai cha con chỉ còn là nghĩa vụ cấp dưỡng. Một năm trước, vợ cũ anh đột ngột qua đời do tai nạn giao thông, con gái chuyển về sống cùng ông bà ngoại. Một bữa, con gái điện thoại giọng buồn thiu, ái ngại: “Cho con xin thêm ít tiền nha ba. Cậu Út vừa nghỉ việc mà ngoại thì bệnh nặng. Tháng này, con chưa đóng tiền học thêm”. Anh sững người, chảy nước mắt. Thấy chồng trằn trọc cả đêm vì thương con gái sống khổ, sáng ra, chị đề nghị anh đưa con về sống chung.

Mẹ vợ cũ anh nói xa xăm: “Con bé ở với chúng tôi lâu nay, sợ về đó lạ người, lạ cảnh. Với lại, mẹ nó qua đời, càng khiến chúng tôi đau lòng, muốn bù đắp cho cháu nhiều hơn”. Con bé cúi đầu: “Con thích sống nhà ngoại”. Năn nỉ không thành, anh quay sang làm dữ, đòi… kiện ra tòa giành quyền trực tiếp nuôi con. Anh kiện thật, dù từ bữa đó, mối quan hệ hai cha con càng thêm căng thẳng, con gái tuyên bố không cần cha quan tâm đến cuộc sống của mình, cũng không cần cấp dưỡng. Hôm xử án, tòa tuyên con về sống với cha vì theo luật, vợ cũ anh là người trực tiếp nuôi dưỡng con đã mất, tức nghĩa vụ nuôi con đã chấm dứt. Anh là cha tất nhiên phải là người trực tiếp nuôi con, còn ông bà ngoại chỉ có nghĩa vụ này khi cha mẹ cháu đều không còn hoặc không có điều kiện, khả năng.

Cau noi tinh tham

Con gái chuyển đến ở với anh ba ngày thì… đón xe ôm về ngoại. Anh xuống hai lần, con đều tránh gặp mặt. Chị an ủi: “Anh nên thông cảm cho cách hành xử của con”. Một mặt, chị đề nghị anh thường xuyên trò chuyện, hỏi han chứ không nhất thiết phải cho con một căn phòng đẹp, những bữa cơm ngon, áo quần mới và khoản tiền tiêu vặt lớn. Một mặt, chị lặng lẽ lên “kế hoạch” cho mình. Mỗi sáng, chị thức dậy sớm hơn, lo bữa sáng cho anh xong, chị phóng xe qua nhà bà ngoại của cháu đưa con bé đi học, chiều lại đón về. Chị còn thường nán lại trò chuyện với ông bà ngoại con bé, phần muốn tạo sự gần gũi, phần để nắm bắt tính cách, tâm tư của cháu. Chị chịu khó nấu món ngon sang biếu ông bà, phụ mua sắm một ít vật dụng. Sự ân cần, nhiệt tình ấy khiến ông bà mở lòng yêu quý, coi chị như người thân.

Chủ nhật tuần rồi, chị xin phép ông bà cho vợ chồng chị đến tổ chức một bữa cơm gia đình, mượn cớ: “Có ít quà quê gửi vào, con chế biến để cả nhà thưởng thức”. Trong bữa cơm, nhìn con gái biết… gắp thức ăn đặt vào chén mình, mời: “Ba ăn đi!” khiến anh rưng rưng. Song con gái vẫn khẳng định chỉ muốn sống với ngoại. Sáng nay, con gái tổ chức sinh nhật với nhóm bạn ở một quán trà sữa. Trong lúc anh bận việc, quên khuấy thì chị đã chu đáo chọn một chiếc đồng hồ đeo tay, sau đó chạy đến quán nhờ chuyển giúp cho con. Trong thiệp, chị tỉ mẩn đóng vai anh ghi vài lời chúc mừng…

Ngồi sau lưng anh, con gái dặn: “Chơi một ngày, rồi mai ba cho con về lại ngoại nha ba”. Có chút buồn thoáng qua, song nhớ lời chị: “Con ở đâu không quan trọng, điều nên làm là để con cảm thấu được tình thương, sự lo lắng của mình thì khoảng cách mới gần”, anh bóp nhẹ tay con: “Ừ, con ở đâu cũng được...”. Phơi phới trong lòng, anh không quên nghĩ đến chị với sự biết ơn và cảm phục.

 YÊN NHẠN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI