Cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng người Hoa

23/12/2019 - 12:38

PNO - Cả ba người bỏ xe máy lại Long Khánh, quay về TP.HCM để bay ngay ra Đà Nẵng để đón lõng tên Bình. Sau khoảng 15 phút mai phục tại sân bay Đà Nẵng thì Bình xuất hiện. Cô Yến túm cổ áo hắn và truy hô “cướp”...

Là người Việt gốc Hoa nên cô Hà Phi Yến giỏi cả hai ngôn ngữ. Lại là người quảng giao, sống vì cộng đồng, nên cô đã trở thành “đại sứ”, “môi giới”, “hiệp sĩ” giúp đỡ nhiều người. 

Những câu chuyện ly kỳ

Chị Nguyễn Thị Hồng làm nghề kinh doanh. Cách đây hơn một năm, chị Hồng nhập khẩu lạp xưởng từ Trung Quốc và bị tên Bình ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Biết cô Yến nói được tiếng Hoa nên chị Hồng tìm đến nhờ cô Yến giúp đỡ. Thế rồi trong một lần tiện thể về thăm Trung Quốc, cô Yến đã dẫn chị Hồng theo và tìm đến tận cửa hàng của Bình. Hắn chối quanh và chỉ trả cho chị Hồng 3.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 10 triệu đồng. 

Ít lâu sau, được tin tên Bình sang Việt Nam tại một địa điểm ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, chị Hồng báo cho cô Yến biết. Sau khi nhờ người quen tra thông tin, cô Yến và vợ chồng chị Hồng đã phóng xe máy từ TP.HCM về Long Khánh. Nhưng đến nơi thì tên Bình đã rời đi. Sau một hồi thuyết phục, bạn của Bình tại Long Khánh tiết lộ hắn đã đặt vé chuyến bay từ Nha Trang về Đà Nẵng vào buổi chiều.

Cau noi giua chinh quyen va cong dong nguoi Hoa
Cô Yến với lớp học dạy tiếng Hoa miễn phí cho trẻ em

Ngay lập tức, cả ba người để xe máy lại Long Khánh để trở về TP.HCM và bay ngay ra Đà Nẵng để đón lõng tên Bình. Sau khoảng 15 phút mai phục tại sân bay Đà Nẵng thì Bình xuất hiện. Cô Yến túm cổ áo hắn và truy hô “cướp” để nhờ lực lượng cảnh vệ sân bay giúp sức. Trong bản tường trình, tên Bình khai mình chỉ có hành vi vô lễ và chấp nhận bồi thường tiền. Nhưng cô Yến buộc hắn phải viết lại đúng nội dung câu chuyện. Trong suốt 13 giờ đấu tranh, đến 23 giờ, tên Bình buộc phải gọi điện nhờ người nhà chuyển tiền qua tài khoản để trả hơn 100 triệu đồng cho chị Hồng. 

Trước đó, nhiều cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc cũng đã tìm đến nhờ cô Yến giúp sức để được ly hôn chồng, trở về quê hương. Một cô trong số đó, sau khi sang làm dâu và làm nghề trồng trà ở miền núi, không chịu nổi cực khổ nên đã quay về Việt Nam. Ông chồng người Trung Quốc của cô sau đó cũng theo cô sang Việt Nam sinh sống. Nhưng anh này không chịu làm việc mà chỉ ham mê cờ bạc nên cô đã làm đơn ly hôn. Người chồng trở về Trung Quốc. Nhưng không may, chỉ vài năm sau, cô bị bệnh lao phổi. Biết mình không qua khỏi nên cô đã tìm đến cô Yến gửi gắm lại đứa con 9 tuổi và nhờ làm giám hộ số tài sản hơn 160 triệu đồng và hai mảnh đất. 

Sau khi người phụ nữ bất hạnh qua đời, cô Yến đã bảo bọc, chăm lo cho đứa trẻ. Tài sản để lại cũng được cô quản lý và trao trả lại cho người con trai khi em này đủ 18 tuổi. Đứa trẻ năm xưa nay đã hơn 20 tuổi, làm giáo viên. Cứ vài ba bữa cô Yến lại gọi điện hỏi thăm, nhắc nhở mọi chuyện. 

Cầu nối Việt - Hoa 

Sinh ra trong một gia đình người Hoa đông con, từ nhỏ Yến ở với gia đình cha mẹ nuôi. Sau ngày giải phóng, Yến chuyển về sống với người dì tại Q.5 rồi trở thành cô giáo bất đắc dĩ. 

Chẳng là những năm đó, ở khu dân cư Đại Thế Giới, người Hoa sinh sống rất đông. Biết cô Yến giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa nên bà con hay tìm đến để nhờ vả mỗi khi gặp rắc rối chuyện chữ nghĩa. Rồi người dì ngỏ ý giới thiệu để cô dạy tiếng Việt cho trẻ con người Hoa và cũng để có thêm tiền sinh hoạt. Thế là Yến dần dà trở thành cô giáo dạy kèm tiếng Việt cho trẻ người Hoa và tham gia dạy xóa mù chữ cho cộng đồng. 

Cau noi giua chinh quyen va cong dong nguoi Hoa

Cô Yến tham gia tuyên truyền bằng tiếng Hoa, vận động phụ nữ nói không với chất thải nhựa 

Đến năm 1989, sau khi lập gia đình, có con, vợ chồng cô Yến chuyển về sống tại P.Phú Trung, Q.Tân Phú. Thời gian đầu ra riêng cuộc sống khá chật vật, chồng đi làm còn cô ở nhà chăm sóc ba đứa con, may đồ và nuôi heo. Sau khi cuộc sống đã ổn định, cô bắt đầu tham gia công tác Hội, rồi làm chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 8, P.Phú Trung và hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN quận, Chủ nhiệm câu lạc bộ Tuyên truyền viên tiếng Hoa của Hội Phụ nữ quận. 

Để phụ nữ người Hoa dễ dàng tiếp cận các nội dung tuyên truyền của Hội và các chính sách, cô Yến hỗ trợ Hội và UBND phường dịch các tài liệu sang tiếng Hoa. Cô cũng là báo cáo viên trực tiếp tham gia truyền thông bằng tiếng Hoa đến với người dân và phụ nữ người Hoa. Các nội dung truyền thông được cô soạn thảo kỹ lưỡng, gần gũi thông qua nhiều câu chuyện từ thực tiễn để bà con dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ. 

Hiện cô Yến đang duy trì bốn lớp dạy tiếng Hoa ở nhà với 17 học viên là trẻ em và sinh viên. Học trò khó khăn cô dạy miễn phí. Học trò yêu thích tiếng Hoa cô cũng dạy miễn phí. Đến với lớp học bằng cả tấm lòng nên dù chỉ một học trò thích học, chăm học là cô dạy. Ngoài ra, cô còn dành thời gian để dạy tiếng Hoa cho các chị cán bộ Hội, giúp các chị có thể giao tiếp dễ dàng hơn với các chị em người Hoa. Tất cả lớp học của cô Yến đều có chung một đặc điểm là giờ giấc học tập do học trò quyết định. Học trò rảnh giờ nào cô dạy giờ đó. 

Hỏi cô có mong ước gì? Cô nói chỉ mong tiếp tục làm cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng người Hoa đã bám rễ ở Việt Nam. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI