PNO - Với bao ngư dân vùng biển H. Cần Giờ, bão Linda vẫn là cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong cuộc đời bám biển. Đúng 20 năm sau, một cơn bão khác đang chực chờ ập đến khiến nỗi ám ảnh của 20 năm trước lại trở về.
Những ngày này, với họ, chuỗi dài những lo sợ cứ cấy, giặm, đùn lên, lặng đi rồi chợt rùng rùng kéo đến khi nghe bão vào, như giông sét cứ xẹt qua giấc ngủ...
Ông Nguyễn Văn De nhân chứng trải qua hai cơn bão ở huyện Cần Giờ năm 1997 và 2006
Chiều 2/11, biển Cần Giờ vắng lặng bóng người. Nỗi im lặng không hề rỗng, mà đâu đó như có những cái nhìn lo sợ và buồn não, những cọ xát không lời mà đầy bất trắc, như thể buổi chiều định mệnh của 20 năm trước đang kéo về qua lời của ông Nguyễn Văn Bình (59 tuổi, ngư dân ở Cần Giờ). Ngày mai là ngày giỗ của anh trai ông, là bố của Nguyễn Văn Thanh, 20 tuổi, đang ngồi sát ông đây. Những đứt đoạn như xát cát vào lời, khi nỗi đau hằn sâu trong đáy mắt già nua.
“Thằng bé này là cháu ruột của tôi. Năm đó sau chuyến biển, tôi trở về ăn mừng đầy tháng nó rồi lại trở ra biển. Cũng đúng trong chuyến đi đó, bão số 5 ập đến. Tàu của tôi đang đánh cá ở khu vực biển Vũng Tàu thì được lệnh vào bờ gấp để tránh bão. Chúng tôi vào bờ cảng ở Vũng Tàu đợi nhưng cho đến chiều 1/11/1997 vẫn trời yên, biển lặng nên nhiều thuyền chống lệnh trốn ra khơi. Nhưng chỉ đúng một ngày sau đó bão bất ngờ ập đến, nhiều thuyền không kịp trở tay”.
Vẫn con sóng cũ, bạc đầu, như con sóng ngày đó, bứng đi, chừa lại những căn nhà không nóc, những mảnh gỗ vỡ tan, những xác người bệch ra, rã mục, trong đó có bố của Thanh. Trở về sau bão, ông Bình chỉ còn cái nhìn thất thần, không tin là mình đã trở về... Mất hết, và còn đây một kỷ vật của một lần chưa từng biết đến trong đời ngư phủ. Nơi góc thuyền, ông cất giấu cẩn thận một miếng gỗ, như lời nhắc, như “cái bùa” tâm can theo ông suốt 20 năm qua: “Tấm ván này là chiếc thuyền bị đánh tan hoang năm đó. Tôi nhặt được khắc lên đó dòng chữ “Linda 2/11/1997” như một lời nhắc nhở mình về trận bão năm đó, rồi để khi nhìn thấy nó tôi nhớ về những người đã bỏ mạng trong bão…”. Người ngư phủ già nức nở.
Mấy ngày qua, ông không ngủ. Và Thanh nữa, ngày đó Thanh đã biết gì đâu, lớn lên, đạp sóng mà đi, bởi chỉ biết nghề đó. Biển là áo cơm, cũng là nơi chôn vùi bóng người cha yêu thương, dựng lên cơn đau tim dằng dặc trong căn nhà lá cuối bãi, mà 20 năm qua, mỗi lần ngó ra biển, Thanh và mọi người như thấy ở đó vẫn còn bao thách đố bí hiểm.
Chị Nguyễn Thị Trúc Nhi: “Tôi chỉ mong thảm kịch đừng lặp lại”
Chiều nay, dấy lên những run sợ lặng im như mắt bão hiện ra to dần. Suốt 24 năm bám biển, ông Nguyễn Văn De (45 tuổi, ngụ Cần Giờ), hai lần thoát chết từ bão Linda (năm 1997) và Durian (năm 2006) là nhờ nghe lời nhà chức tránh neo thuyền về nơi an toàn. “Năm đó tôi may mắn người còn nhưng của mất, trắng tay phải đi làm mấy chục năm nay vẫn chưa hết nợ nần. Những ngày nghe bão chuẩn bị ập vào như bây giờ là cứ nhắm mắt tôi lại nhớ cảnh tan hoang, chết chóc. Năm 1997, nhà tôi bị bão đánh sập hoàn toàn, nước ngập kéo dài liền mấy ngày. Bao nhiêu người không về, nghĩ lại vẫn còn rợn người”.
Với họ, ngày đó kinh hoàng quá, và như chiếc lá giữa dòng, trong cơn cùng cực lo sợ, chỗ bám víu cuối cùng của những người đàn bà như chị Nguyễn Thị Trúc Nhi là chắp tay cầu trời : “20 năm trước, tôi đã chứng kiến cảnh bao nhiêu gia đình trắng tay, mất người thân trong bão. Tôi chỉ mong thảm kịch này đừng lặp lại”.
Đầu những năm 90, cả gia đình bà Trần Thị Mộng (huyện Nhà Bè) rời quê Đà Nẵng vào TP.HCM lập nghiệp. Gia đình bà chọn Cần Giờ là quê hương thứ 2 của mình sống bằng nghề đi ghe, cào nghêu. Cắm mặt với biển, năm 1997, gia đình bà vay tiền mua được một ghe cào, làm thêm một vài ruộng nghêu với ước vọng đổi đời. Chiều 2/11/1997, bão vào, ruộng nghêu trắng xóa một màu, chiếc ghe cào bị đánh chìm.
Trên đầu bà, lại thêm chiếc khăn tang màu trắng, bởi anh của bà đi đánh cá ở Kiên Giang mất tích. Một đêm, mất tất cả, để từ đó, mọi thứ với gia đình bà như tụt xuống hố sâu. Giọt nước mắt trên mặt người đàn bà tuổi 50 hình như chưa thôi rơi từ chiều đó, để chiều nay một lần nữa lặng lẽ: “Mất hết sau một đêm, gia đình tôi phải lên Nhà Bè ở nhờ nhà một người thân rồi đi làm thuê cho đến bây giờ” .
Bão Con voi chuẩn bị đổ bộ
Những con số thiệt hại của 20 năm trước, giờ lật giở lại, dài ra, như tiếng nấc ngậm ngùi. Không có số thống kê người chết. Số liệu từ UBND H. Cần Giờ cơn bão số 5 có tên Linda ập vào Cần Giờ ngày 2 và 3/11/1997 cho thấy đó là một trong những thiên tai nghiêm trọng gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay đối với huyện duyên hải này.
Cơn bão làm chìm 7 ghe cào và 1 ghe lưới. 30 khẩu đáy sông cầu, 52 khẩu đáy rạo bị sập hoàn toàn, 1.500 căn nhà bị ngập nước, 169 căn nhà bị hư hại, 1.227ha lúa đang trổ bông bị đổ, 50ha đất nông nghiệp ven biển trồng mãng cầu, xoài bị nhiễm mặn, 1.700 ha nuôi nghêu, sò, 700ha đầm đập, ao, hồ nuôi thủy sản bị thất thoát lớn, 3 cống thủy lợi bị hư hỏng, toàn tuyến đê kè đá bờ biển Cần Thạnh, Long Hòa và Thạnh An bị sạt lở nghiêm trọng.
Nỗi lo sợ ám ảnh lần đó, như phép thử lòng người, nên bây giờ, dân biển Cần Giờ không còn chủ quan, làm liều nữa. Anh Quyền (47 tuổi) là một trong nhưng nhân chứng trong cơn bão Linda xảy ra vào đúng 20 năm về trước, nói: “Bây giờ nghe bão là họ chủ động sơ tán về nhà người thân hoặc tới điểm sơ tán do huyện sắp xếp ngay”.
Còn ông Võ Thanh Thảo (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) cho biết: “Sau hai đợt thiên tai lớn năm 1997 và 2006 ý thức phòng chống lụt bão của người dân tăng lên rõ rệt. Bây giờ nghe có bão là người dân chủ động vào bờ để tránh bão. Vào mùa bão lũ người dân phối hợp rất tốt với địa phương trong công tác chằng chống nhà cửa”. Chẳng ai dám liều với tính mạng đã đành, nhưng hình như có điều lớn hơn, là đừng tự mình gieo thêm cơn đau nào nữa, bởi chừng đó, cũng quá đủ rồi…
TPHCM ghi nhận đóng góp của các cá nhân xuất sắc trong hoạt động khu phố, tổ dân phố (1975-2025), đồng thời thúc đẩy sắp xếp đơn vị hành chính hiệu quả.