Cầu may, hay quăng tiền ra cửa?

16/02/2019 - 06:49

PNO - Ngày vía Thần tài vừa qua, nhà bạn tôi hoan hỉ đếm tiền. Gia đình bạn có tới 4 cửa tiệm quanh các chợ lớn Sài Gòn như Tân Định, Bàn Cờ, Võ Thành Trang...

11g đêm 14/2, cửa hàng của chú bạn trên đường Trường Chinh, tôi thấy lớp lớp người xe xếp hàng, cãi nhau ồn ào vì ai đó tranh lượt.     

Thì ngày Thần tài năm nào chẳng thế, hàng vàng từ quy mô lớn tới những tiệm nhỏ đều thu lời khủng, khách chen chúc giành mua từng chiếc nhẫn tới tận nửa đêm. Kỳ thú nhất là chuyện giá cả, người bán cứ đẩy lên vô tội vạ, bất kể giá vàng thế giới ra sao. Khách thì chen cứ mua cho bằng được. Đâu phải mua vàng, đây là mua sự may mắn mà...          

Theo tổng kết của Công ty vàng bạc đá quý Doji, ngày vía Thần tài năm nay lượng khách tăng 30% so với năm trước và doanh nghiệp này bán hơn 300.000 sản phẩm. Ancarat, nhãn hàng vàng bạc phong thủy thì bán tới 60.000 sản phẩm trong ngày này. Ngay hệ thống vàng bạc đá quý PNJ, dù đã mở bán online để tránh cảnh kẹt cứng trước các cửa hàng nhưng tình cảnh chầu chực xếp hàng vẫn không giảm so với năm trước.     

Có thể thấy, xưa kia chỉ một lượng nhỏ người đi sắm vàng ngày Thần tài lấy may. Càng ngày, số người tin vào việc trữ vàng đầu năm sẽ cho lộc, cho tiền quanh năm ngày càng đông, lan sang cả giới nhân viên văn phòng, công chức, trí thức... Và đó là lý do thị trường vàng đầu năm được dịp... lên đồng. Để rồi cuối ngày Thần tài, giá vàng thu vào giảm với tốc độ lao dốc, mỗi chỉ vàng thần tài người mua đã lỗ gần triệu đồng. Vậy là may hóa xui tức thì. 

Cau may, hay quang tien ra cua?
Theo tổng kết của Công ty vàng bạc đá quý Doji, ngày vía Thần tài năm nay lượng khách tăng 30% so với năm trước

Trữ vàng để tiết kiệm tiền của, để chuyển tiền biếu, tiền lì xì sang tài sản, ngay từ đầu năm là tập tục tốt, nhưng nếu chỉ vì tin rằng mua được vàng ngày thần tài thì cả năm mới may mắn, thì các khách hàng đã đưa mình vào sự lệ thuộc. Vàng Thần tài theo phong tục là thứ không được bán, không được để mất. Như thế, khi xảy ra hữu sự, không thể sử dụng như món tài chính cứu nguy. Chưa kể, nếu vàng ấy bị thất lạc, trộm cắp, lại rước vào mình cảm giác bất an, suy nghĩ xui xẻo, mất tài lộc, may mắn. 

Đâu chỉ nhìn chuyện mua vàng ngày Thần tài mà xót tiền. Sau tết, nhà nhà quanh chung cư tôi ở lục tục soạn xe, sắm lễ, đổi tiền đi lễ chùa cầu may. Họ đi chùa không như một nét đẹp văn hóa đầu năm, mà nhà nhà xem lễ chùa là thủ tục xin xỏ, để "đổi" lấy tiền tài, danh vọng, của nả... Từ đó nhiều nhà quan niệm "lễ càng to thì Phật chứng giám, độ trì, ban tài lộc, may mắn càng nhiều". 

Dạo một vòng các chùa lớn đầu năm, có thể thấy người đi lễ đặt rất nhiều tiền cúng bái trên các mâm trái cây, mâm gà, mâm heo, xôi oản... Xưa kia, đó là những đồng lẻ, giờ đi chùa tôi thấy chủ yếu là những tờ polymer 10, 20 ngàn, có khi 100 và thậm chí 500 ngàn đồng. Tiền ấy đặt kín hết các bát nhang, ban thờ, thậm chí các kẽ tay Phật, các La hán, các gốc đa gốc đề... 

Cau may, hay quang tien ra cua?
Càng ngày, số người tin vào việc trữ vàng đầu năm sẽ cho lộc, cho tiền quanh năm ngày càng đông

Con số từ một ngân hàng ở nơi có chùa Hương tọa lạc đã làm nhiều người giật mình: mỗi ngày, nhân viên chùa phải gom tới gửi lớp lớp những bao tải tiền lẻ. Nhà chùa thu tiền tỉ mỗi ngày mùa lễ hội là thường.

Tiền của nhà giàu cúng chùa như một kiểu làm từ thiện hay "tán lộc", thì thôi không bàn. Song, số đông người đi chùa cúng tiền cho chùa và dịch vụ đi kèm chính là người lao động bình dân, chẳng hề khá giả. Nói đâu xa, từ người thân và bạn bè xung quanh tôi, cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. 

Cả năm đi làm vất vả, thưởng tết được có 10 triệu đồng, vậy mà chị bạn tôi bay ra miền Bắc, sắm lễ vật đi chùa này chùa kia lên tới ba chục triệu đồng. Tôi cũng biết cô bạn thân người Hà Nội vốn tính tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc và thường xuyên trễ học phí cho con đang dồn tiền cho một show hầu đồng. Chẳng hiểu hầu đồng có những hạng mục gì, mà 5 người chung nhau góp tới 140 triệu đồng. Trong số người chung tiền ấy, có cả cô tiến sĩ là viện phó một viện nghiên cứu. 

Cau may, hay quang tien ra cua?
Hầu hết đều khấn vái cầu may, xin tài lộc

Mấy năm gần đây, theo thống kê, số chùa chiền cả nước mọc lên nhanh hơn trước rất nhiều. Cùng với đó là xu thế cúng kiếng, sắm sửa lễ lạt tràn vào các gia đình, các công sở. Tôi không dám bàn về niềm tin tâm linh của mỗi người. Mẹ tôi đi chùa, tôi cũng thỉnh thoảng đi chùa. Tôi mừng cho những ai đang sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, có một đức tin để mỗi ngày sống và làm việc với tinh thần tích cực, vui vẻ, lạc quan và hướng thiện. Nhưng xu thế trục lợi, buôn thần bán thánh đang nhan nhản. Dịch vụ giữ xe  ăn uống quanh các chùa chiền ngày lễ tết tăng giá chóng mặt, nhiều danh thắng lâu nay miễn phí, bỗng bất ngờ dựng barie chặn lại thu phí như các chốt BOT giao thông... Trên mạng xã hội, người ta "bóc phốt" các chùa chiền với chiêu trò PR để câu kéo khách thập phương. Nhiều chiêu lễ lạt, hội hè kiểu lạ đời, trái thuần phong mỹ tục, trái giáo lý thiện lành của đạo Phật được tái lập để thu lợi. Chẳng mấy ai không nhận ra, lúc này, kinh doanh dịch vụ tâm linh là lãi khủng nhất. 

Mấy hôm nay, trong làn sóng chỉ trích các dự án chùa chiền của một đại gia ở Ninh Bình, tôi có một suy nghĩ giản đơn: có cầu, ắt nảy sinh cung. Chẳng phải bao người vui mừng thăm thú "những cái nhất" của bộ kỷ lục chuông, tượng chùa Bái Đính và tình nguyện nướng tiền cho các dịch vụ đi kèm đó thôi. Trách sao đại gia ấy không tiếp tục cào núi, cào hồ của vùng Ba Sao (Hà Nam) để xây khu chùa Tam Chúc được cho là lớn nhất thế giới. Cái chữ "nhất thế giới" hút hàng lắm, chùa chưa xong đã lũ lượt người đổ về. Và cũng đâu phải lỗi của ông khi các địa phương khác tiếp tục trải thảm để mời ông cải tạo chùa Hương, xây chùa ở Hồ Núi Cốc, dựng khu chùa lớn ở Hải Phòng... 

Tết vừa rồi, tôi cũng ghé thăm chùa Tam Chúc để biết khu chùa mới dựng trên vùng núi quê hương mình nó thế nào. Nhìn dòng người xếp hàng mua vé lên xe điện rồi chen chúc, xì sụp khấn vái trước tượng Phật để xin xỏ tiền tài mà thấy thương. Đa số họ không hiểu gì về tinh thần của Phật giáo. Họ cầu khấn một cách thực dụng và thô thiển, tin rằng thánh thần sẽ giúp họ đạt mọi ước mong, miễn họ chăm chỉ trở lại lễ lạt, nhang đèn, hương khói...

Họ cũng như triệu triệu người lũ lượt đi chùa tháng Giêng, tháng Hai và suốt năm trên dải đất này, với niềm tin sai lệch đạo lý nhà Phật, đơn giản là đã góp tiền làm giàu cho những doanh nhân như đại gia kia mà thôi.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI