Câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội: cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn

05/09/2022 - 10:30

PNO - Bà Lương Thị Hoa Ảnh, đại diện câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội P.15, Q.4, thừa nhận việc tiếp cận các thành viên trong những gia đình có nguy cơ mắc bẫy lừa đảo hoặc phạm tội rất khó khăn, các thành viên câu lạc bộ vẫn còn e dè trong việc tiếp cận, dẫn đến việc “phòng” chưa hiệu quả, “chống” chưa kịp thời.

Cuối tháng Tám vừa qua, Hội LHPN Q.4 đã tổ chức tọa đàm “Phát huy hiệu quả câu lạc bộ (CLB) Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội” trong phòng chống tội phạm và bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Nhiều vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền, công tác vãng gia và đặc biệt là công tác hỗ trợ nguồn vốn cho đối tượng phụ nữ có nguy cơ phạm tội được nhận định chưa mang lại hiệu quả.

Đại diện các câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu ý kiến tại tọa đàm
Đại diện các câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Theo báo cáo của Hội LHPN Q.4, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN và Công an Q.4, CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội được thí điểm thực hiện năm 2013 và triển khai nhân rộng từ năm 2014, đến nay có 37 CLB duy trì hoạt động, thu hút 1.195 gia đình thành viên tham gia. Hoạt động của các CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội chủ yếu tập trung vào vận động người dân trên địa bàn thực hiện đăng ký “Gia đình không có người mắc các tệ nạn xã hội” gắn với nội dung thực hiện “Chi, tổ Hội an toàn” và “Khu phố không có tội phạm ẩn nấp”. Trong tám tháng đầu năm 2022, 37/37 CLB đã tổ chức 42 buổi sinh hoạt lồng ghép tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tín dụng đen cho 783 lượt người tham dự.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tuấn - đại diện cảnh sát khu vực, công an P.13 - cho biết trên địa bàn phường hiện có 17.190 nhân khẩu, trong đó có hơn 9.000 nhân khẩu là nữ. Thực hiện mô hình CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, phía công an đã phối hợp với 3.000 hội viên phụ nữ, chia thành 315 nhóm nhỏ (mỗi nhóm từ 5-7 thành viên) để quan tâm, giám sát nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh. Theo ông Tuấn, mặc dù mạng lưới hội viên tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội có thể coi là dày đặc, thế nhưng công tác tuyên truyền đến nay vẫn chưa thật sự hiệu quả khi chưa đến được từng gia đình. “Còn nhiều chị em, đặc biệt là đối tượng phụ nữ nhàn rỗi vẫn “lầm tưởng cuộc đời như mơ” khi mắc bẫy của tội phạm công nghệ cao thông qua Zalo, Facebook với những lời hứa tặng quà, hỗ trợ vay qua app…” - ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cho rằng, CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội là một mô hình hay, nếu triển khai thiết thực sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, ngăn ngừa phạm tội xảy ra ở địa bàn dân cư. “Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện ở khu phố, mô hình vẫn chạy theo chỉ tiêu, thấy khó thì buông mà không có giải pháp” - theo ông Tuấn. 

Bà Lương Thị Hoa Ảnh thừa nhận việc tiếp cận các thành viên trong gia đình có nguy cơ phạm tội rất khó khăn, các thành viên CLB vẫn còn e dè trong việc tiếp cận, dẫn đến việc “phòng” chưa hiệu quả, “chống” chưa kịp thời.

Thượng tá Vũ Văn Long - Phó trưởng Công an Q.4 - thẳng thắn: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thanh thiếu niên chưa đúng mức cả bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt trên không gian mạng. Công tác nắm bắt tình hình, mâu thuẫn trong nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để, chưa kịp thời, do một số địa bàn còn nặng tính hình thức. “Có những vụ án xảy ra do những mâu thuẫn rất đơn giản trong cuộc sống nhưng vì tổ hòa giải ở địa phương còn thiếu kiến thức, kỹ năng, nên chưa ngăn chặn được những hành vi phạm tội” - thượng tá Long nói.

Từ thực tế trên, ông Long đề ra một số giải pháp cho thời gian tới nhằm phát huy công tác phòng chống tệ nạn xã hội tốt hơn nữa ngay tại địa bàn dân cư, đó là việc phải nắm bắt và giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở để ngăn chặn án phát sinh song song với vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm. Và theo ông Long, căn cơ nhất vẫn là phải hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất và giám sát việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả. “Hiện nay, mặc dù phía Hội Phụ nữ có rất nhiều nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ CWED, Quỹ xóa đói giảm nghèo, mô hình nuôi heo đất… Nhưng thực tế thì chị em rất khó tiếp cận. Khi người ta không vay được nguồn vốn từ Hội thì tín dụng đen sẽ nhảy vào. Tôi mong các mô hình hoạt động cần phải có hiệu quả, có đánh giá thực chất chứ đừng chạy theo chỉ tiêu” - ông Long nêu ý kiến. 

Nguyệt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI