Cầu khỉ ngoại thành

13/04/2023 - 10:48

PNO - Khi tôi kể về cầu khỉ ngoại thành, rất nhiều người không thể hình dung. Họ không tin tôi đã từng được “huấn luyện” một cách tự nhiên, có thể chạy băng băng qua cây cầu.

Năm đó, tôi tham gia chiến dịch tình nguyện về vùng nông thôn dạy học cho trẻ em và giúp đỡ người dân. Nhóm của tôi gồm 16 sinh viên, quê từ Bắc vào Nam, chỉ có tôi là “dân thành phố”. 

“Địa bàn hoạt động” của chúng tôi là ấp vùng sâu của tỉnh Bến Tre. Đường đi qua nhiều cầu khỉ, ngày nắng bụi mù, ngày mưa đầy bùn nhão. Phương tiện giao thông chính ở đây là... đôi chân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Suốt 2 tuần đầu chiến dịch, ngày nào trời cũng mưa, các bạn trong đội đi đường “chụp ếch”, qua cầu té kênh, đứa nào đứa nấy bùn nước lấm lem thấy thương, chỉ có tôi không bị sao cả. Tôi bước vững vàng trên đê đầy bùn nhão, dễ dàng vượt qua những cây cầu cheo leo trơn tuột kể cả khi chúng không có “cây gượng”, tức là chỗ tay vịn để giữ thăng bằng.

Không chỉ đồng đội, cả những người địa phương cũng thắc mắc tại sao tôi có thể qua cầu giỏi như vậy. Một bạn trong đội còn đề nghị tôi ngồi xuống, lật bàn chân cho xem có điểm gì đặc biệt không. 

Mỗi lần nhận được sự tò mò, tôi chỉ cười bí hiểm. Không ai biết tôi đã được luyện “bí kíp” vượt cầu khỉ ngày qua ngày từ khi còn chưa đến trường mầm non. “Dân thành phố” nhưng tôi sống ở ngoại thành, một xã vùng sâu bốn bề sông nước. Phương tiện giao thông chính trong xã là xuồng ba lá hoặc ghe bầu, mỗi nhà đều có ít nhất 1 chiếc. Để ghe xuồng không bị hư hỏng và tránh mất trộm, mỗi gia đình đều đào bến đậu.

Bến là một con mương dẫn nước từ sông vào đến tận hiên nhà. Xuồng nhỏ chỉ cần bến cạn hẹp, ghe tàu lớn thì phải đào bến đậu rộng sâu. Người ta dựng mái chòi, lợp lá dừa nước để che nắng mưa, bảo vệ cho phương tiện quý giá đó. Nó không chỉ dùng để đi lại mà còn chuyên chở hàng hóa. Con đường đất ven sông bị cắt ngang bởi vô số bến đào như thế. Mỗi bến mọc lên một cây cầu khỉ. 

Những trưa nắng gắt, lũ con nít thích trốn ngủ, bí mật rủ nhau tụ tập ở các bến. Chúng tôi chơi bán hàng trên xuồng ghe. Chơi chán, cả đám kéo ra bờ sông, chọn cây cầu khỉ nào cao nhất, lớn nhất rồi trèo lên thi nhảy cầu tắm nước. Cả đám cười giỡn hò hét cho đến khi có bóng người lớn xách roi ra đét vào mông mới chịu giải tán. “Ăn” roi khóc bù lu bù loa hôm trước, hôm sau đã quên, lại lén ra sông.

Ảnh mang tính minh họa - Tannobi
Ảnh mang tính minh họa - Tannobi

Vì cha mẹ luôn bận rộn công việc nên lũ trẻ trong xóm được dặn phải đi học chung giờ, đứa này trông chừng đứa kia. Người lớn sợ bọn tôi té sông đuối nước. Đã quen chinh phục những cây cầu gỗ lắt lẻo tạm bợ nên chẳng đứa nào rụt rè, có khi còn hí hửng nhắm mắt chạy băng qua thử xem có bị té không. Con nít hiếu động, thỉnh thoảng lại có đứa sẩy chân, cả bọn phải hợp lực kéo lên. Giữa trưa nắng cháy khô bỗng 1 học sinh bước vào lớp với quần áo đầu tóc và cả tập vở đều ướt sũng khiến cô giáo giật mình.

Ngày mưa thì khỏi phải nói, chúng tôi té lạch bạch. Những đứa không té cũng cố tình trượt ngã cho vui. Có những cây cầu sắp gãy, chỉ một cơn gió thổi qua cũng khiến nhịp cầu đong đưa. Đứa nào đứa nấy khom rạp lưng, bò trên cầu, khi qua được thì nhảy tưng, vung tay hét vang ăn mừng chiến thắng.

Một con đường nhựa rộng thoáng chạy ngang qua, nhanh chóng xóa tất cả dấu vết. Vậy nên khi tôi kể về cầu khỉ ngoại thành, rất nhiều người không thể hình dung. Họ không tin tôi đã từng được “huấn luyện” một cách tự nhiên, có thể chạy băng băng qua cây cầu mà họ phải nhích từng bước rụt rè. 

Việt Quỳnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI