Câu Dạ cổ níu chân du khách

30/04/2014 - 20:24

PNO - PN - Trước ngày diễn ra Festival, một số ý kiến bày tỏ nỗi lo về khả năng đảm trách một lễ hội mang tính quốc gia của Bạc Liêu, nơi vẫn được xem là còn nhiều khó khăn, những công trình văn hóa, kinh tế - xã hội còn kém xa so với...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hơn nữa đây là lễ hội đầu tiên về văn hóa phi vật thể nên hoàn toàn không có “hình mẫu” nào để học hỏi. Nhưng, trong suốt sáu ngày diễn ra Festival với 21 sự kiện chính, cái nhìn về Bạc Liêu đã khác. Ấn tượng đầu tiên là những con đường thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Khối công trình kiến trúc gồm quảng trường Hùng Vương với cây đờn kìm cách điệu - biểu tượng văn hóa của tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm triển lãm Văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu ở khu vực trung tâm góp phần tạo nên diện mạo vừa hiện đại, vừa gần gũi cho TP. Bạc Liêu. Từ sau ngày khánh thành (19/4), ngoài những sự kiện chính của Festival được tổ chức tại đây, quảng trường Hùng Vương còn trở thành điểm hẹn của hàng ngàn người dân Bạc Liêu đến tham quan, vui chơi…

Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được mở rộng hơn 10.000m2 cũng là một điểm nhấn đặc biệt của Festival. Sau lễ khánh thành, cùng với buổi hội thảo khoa học về Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, tại đây còn liên tục diễn ra các buổi giao lưu ĐCTT. Cách làm này đã góp phần đưa một công trình nghệ thuật mới đến gần hơn với công chúng.

Dù là lần tổ chức Festival ĐCTT đầu tiên nhưng kịch bản tổng thể của Festival đã có thể làm hài lòng những người quan tâm với chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Liên hoan ĐCTT toàn quốc; Không gian ĐCTT Nam bộ; Triển lãm tranh ảnh, nhạc cụ; Chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang; Giải thưởng Trần Hữu Trang 2014; Hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ; biểu diễn giao lưu ĐCTT của CLB ĐCTT các tỉnh với người dân tại xã, ấp của tỉnh Bạc Liêu…

Cau Da co niu chan du khach

Biển người trong đêm khai mạc

Một trong những thành công của Festival là sự hưởng ứng của người dân. TP. Bạc Liêu những ngày diễn ra Festival luôn náo nức trong không khí trẩy hội. Tất cả những hoạt động liên quan đến ĐCTT đều thu hút đông đảo công chúng. Đêm thi giải Trần Hữu Trang, hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh không còn một chỗ trống. Không gian ĐCTT không chỉ là nét văn hóa đẹp, là nơi giao lưu, gặp gỡ của các tài tử 21 tỉnh thành mà còn góp phần khơi gợi tình yêu ĐCTT cho công chúng, đặc biệt là lớp trẻ. Ông Nguyễn Bắc Sơn (đường Nguyễn Hữu Nghĩa, P.7, TP. Bạc Liêu) nói: “ĐCTT như hơi thở của người dân Bạc Liêu nhưng có lúc mọi người chỉ nghêu ngao cho vui, ít học hỏi để hiểu hơn về các bài bản. Từ lúc có thông tin Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival ĐCTT, dường như ý thức phải giữ gìn vốn văn hóa quý của quê hương mình cũng được khơi dậy nên phong trào ĐCTT sôi nổi hơn, những người mê ĐCTT, nhất là lớp trẻ, đã chịu khó học hỏi, luyện tập nhiều hơn”.

Sau Festival, Trung tâm triển lãm Văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo tiến độ. Ông Lê Minh Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh đang lên kế hoạch phối hợp với một đơn vị có kinh nghiệm trong đào tạo và tổ chức các chương trình nghệ thuật để khai thác hết công năng của trung tâm. Dự kiến sẽ có những lớp đào tạo về ĐCTT và những bộ môn nghệ thuật khác để hình thành đội ngũ diễn viên tại chỗ, đáp ứng cho kế hoạch biểu diễn thường xuyên tại Trung tâm. Ngoài những chương trình phục vụ người dân địa phương, sẽ có chương trình ĐCTT nhắm đến khách du lịch”.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 28/4, chỉ trong năm ngày diễn ra Festival, Bạc Liêu đã đón 15.000 lượt du khách. Nỗ lực giữ gìn an ninh trật tự của địa phương trong suốt thời gian này rất đáng ghi nhận. An ninh trật tự đảm bảo, các con đường dù rất đông vào buổi chiều tối nhưng được lực lượng công an, dân phòng… trực phân luồng giao thông nên không bị ách tắc, người dân và du khách yên tâm tham gia lễ hội.

Vẫn còn một vài yếu tố chưa trọn vẹn như công tác quảng bá nhằm thu hút khách du lịch trong thời gian diễn ra Festival; hệ thống phòng lưu trú, khách sạn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; những ý kiến trái chiều về kịch bản của đêm khai mạc Festival… Nhưng, với những ai từng đến với Bạc Liêu cách đây ba-bốn năm và hiểu Bạc Liêu là địa phương còn nhiều khó khăn, sẽ thấy sự đổi thay của Bạc Liêu trong những ngày Festival và trân trọng những nỗ lực của một tỉnh nghèo khi mang trọng trách thực hiện một lễ hội tầm quốc gia.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI