PNO - Phát hiện chồng có người khác, uất ức đến trầm cảm sau sinh, chị quyết định ra khỏi nhà chồng, nhưng lại bị gia đình này giữ đứa bé và cách ly hơn sáu tháng sau mới gặp được con.
Chị ơi, em buồn quá, chiều nay tới thăm con, nó không nhìn em một lần. Dang tay ẵm, nó quay đi, dụi người vào lòng cô giúp việc…
Tuần này, em lại tới thăm con nhưng nhà đóng cửa. Gọi cho anh H. thì anh nói cả nhà đi du lịch rồi.
May quá, hôm nay con chịu chơi với em, vì em đến thăm và mua đồ chơi cho con…
Hai tháng qua, chị P. vẫn hằng tuần đến nhà chồng, xin được gặp con, tập… làm quen lại với con
Tám tuần liền, chúng tôi dõi theo hành trình tìm thăm con của chị T.T.D.P. (quê ở Bến Tre, hiện sống tại Q.Bình Tân, TP.HCM) bị đơn trong hồ sơ khởi kiện ly hôn với anh T.C.H., hiện đang được Tòa án nhân dân Q.Bình Tân thụ lý và giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Theo chị P. kể, năm 2016 chị và anh H. (ngụ Q.5, TP.HCM) kết hôn. Thời gian đầu cuộc sống rất hạnh phúc. Đến tháng 10/2016, chị P. sinh một bé trai.
“Từ khi sinh con, vợ chồng tôi bắt đầu có nhiều mâu thuẫn. Chồng tôi hay đi sớm về khuya. Với linh cảm của một phụ nữ và một số thông tin, tôi biết được chồng ngoại tình khoảng ba tháng rồi. Tôi suy sụp và stress nặng. Mẹ chồng có khuyên nhưng chủ yếu bảo tôi phải chấp nhận vì đàn ông ai cũng thế, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm này”, chị P. nói.
Chị cho biết: “Chồng tôi nóng tính và có xu hướng bạo lực, hay bóp cổ, tát vào mặt tôi. Có lần, tôi và chồng cãi nhau lúc nửa đêm, chồng hăm dọa giết tôi, may có người can thiệp kịp thời.
Ngày 4/9/2017, khi xảy ra mâu thuẫn, tôi đòi ly hôn và đưa con về nhà mẹ thì anh H. không đồng ý, còn đe dọa nếu tôi đưa con đi sẽ giết tôi. Sau cùng, anh yêu cầu tôi nói trước mặt ba chồng lý do là không hợp nhau, tôi tự nguyện ra đi, để con lại cho gia đình chồng nuôi. Trong tâm trạng khủng hoảng và muốn giữ mạng sống của mình nên tôi đã nói như vậy, dù trong lòng không muốn bỏ con lại.
Sau ba tháng rời khỏi nhà chồng, mà chồng tôi vẫn chưa làm đơn ly hôn, còn tôi luôn gặp khó khăn khi thăm con. Chồng tôi bận rộn công việc, ba chồng bệnh nặng nên gia đình không có thời gian dành cho bé, chỉ có người giúp việc chăm sóc bé.
Đến ngày 18/12/2017, tôi quyết định nộp đơn lên Tòa án nhân dân Q.5 đơn phương ly hôn nên đã về nhà chồng lấy bản sao khai sinh của con và bản sao giấy đăng ký kết hôn. Tôi có đề nghị cho tôi rước con ở với tôi đến khi ra tòa nhưng mẹ chồng không đồng ý và từ đó cản trở tôi gặp con”.
Một vụ ly hôn chuyển đến ba tòa
Khi chị P. chưa nộp được đơn ly hôn đến Tòa án nhân dân Q.5 thì vào ngày 20/12/2017 chị nhận được yêu cầu đến Tòa án nhân dân Q.Gò Vấp (địa bàn chị P. từng tạm trú) để hòa giải vụ kiện ly hôn mà anh H. là nguyên đơn.
Tuy nhiên, hai lần làm việc với tòa, chị P. thấy cán bộ tòa hòa giải cứ lấy điều kiện kinh tế của anh H. “áp đảo tinh thần”, mà không hướng dẫn những quy định pháp luật có thể bảo vệ bà mẹ giữ quyền trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi.
Qua sự tư vấn của luật sư tại Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, chị quyết định làm hồ sơ chuyển vụ việc ly hôn sang Tòa án nhân dân Q.Bình Tân, nơi chị cư trú hiện nay.
Ngày 27/3/2018, theo yêu cầu của chị P., vụ án ly hôn được chuyển về Tòa án nhân dân Q.Bình Tân. Tại lần hòa giải đầu tiên, chị P. đưa ra yêu cầu được gặp con. Thẩm phán đã đề nghị anh H. đưa con đến tòa cho chị P. gặp vào lần hòa giải tiếp theo, nhưng anh H. nói rằng con bệnh.
Sau đó, chị P. đề nghị cho đón con về quê thăm ông bà ngoại trong bốn ngày nghỉ lễ 28/4-2/5 nhưng anh H. cũng không đồng ý, mà đề nghị chị P. đến nhà anh thăm con. Chủ nhật 29/4, dù đã thông báo trước một ngày và được anh H. trả lời là “cứ đến” nhưng khi chị P. đến, nhà đóng cửa và anh H. tắt hết điện thoại.
Chúng tôi khuyên chị phải kiên trì xin được gặp con. Kết quả, sau sáu tháng bị cách ly hoàn toàn với con, ngày 16/6/2018, chị P. mới được người giúp việc nhà anh H. mở cửa cho vào thăm con một giờ đồng hồ.
Từ đó đến nay, tuần nào chị cũng tranh thủ “làm quen” với con. Chị nói: “Tôi chỉ mong vụ án được sớm đưa ra xét xử, trao cho tôi quyền được nuôi con”.
Khi xác minh sự việc, chúng tôi nhiều lần liên hệ với anh H. Cuối cùng, ngày 23/7, luật sư Nguyễn Tuấn Lộc, Đoàn Luật sư TP.HCM đã gọi điện thoại cho chúng tôi nói rằng: “Anh H. không muốn làm lớn sự việc hay đưa thông tin lên báo vì con còn quá nhỏ”.
Luật sư Lộc cho biết, có nhiều bằng chứng về tình trạng rối loạn tâm thần của chị P. và việc chị phải chữa bệnh tâm thần khi còn ở nhà chồng. Luật sư khẳng định: “Hiện nay, cháu bé sống với anh H. rất ổn, khỏe mạnh, vui vẻ…
Điều kiện của anh H. tốt hơn hẳn chị P., vì anh có nhà, tiền bạc, sự nghiệp và nhiều người thân trợ giúp nuôi cháu bé. Trong khi chị P. ở nhà thuê, đi làm cả ngày với thu nhập thấp… làm sao đủ điều kiện cho con phát triển?”.
Chị P. xác nhận: “Thực tế, trong nỗi nhớ con thắt ruột gan, chị đến nhà chồng tìm thăm con nhưng bị ngăn cản, ức chế tinh thần nên đã nói những điều không kiểm soát được. Thử hỏi bà mẹ nào bị cách ly khỏi đứa con mới chín tháng tuổi không phản ứng như tôi?
Còn chuyện tôi bị trầm cảm, phải điều trị tâm lý là sự thật. Thử hỏi, sau khi sinh con, bị chồng hắt hủi đến mức trầm cảm, lỗi này tại ai? Thế nhưng, trong thời gian ở nhà chồng, tôi chưa hề được ra ngoài, làm sao có chuyện được điều trị tâm thần hay tâm lý”.
Thực tế, chị P. đã từng được điều trị tâm lý tại Trung tâm Vương Quốc Hạnh Phúc trong sáu tháng (10/2017-3/2018) vì trầm cảm sau sinh. Hiện chị đã hoàn toàn bình phục sức khỏe, tinh thần, tìm được việc làm giờ hành chính ở một công ty với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, với sự hỗ trợ của mẹ ruột, chị đã chuẩn bị điều kiện đầy đủ để yêu cầu quyền nuôi con.
Chị nhớ con vô cùng. Hình minh họa
Về việc chị P. bị bạo lực hay ngăn cản quyền thăm, gặp con, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.5 cho biết, ngoài lá đơn cầu cứu của chị P. nhận cuối tháng 7/2018, Hội chưa hề nhận được thông tin gì về vụ việc, kể cả thông tin từ tòa án quận về vụ ly hôn có yếu tố bạo lực gia đình này. Hội sẵn sàng trợ giúp chị P. khi đến thăm con nếu chị có yêu cầu.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Bùi Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.Bình Tân - cho biết, Hội đã nhận được đơn kêu cứu của chị P. và hiện đang nhờ Hội Luật gia của quận vào cuộc. Cử luật sư bảo vệ quyền nuôi con của chị P. như quy định của pháp luật.
Nghi Anh
Chị P. có nhiều điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Theo đó, nếu giữa chị P. và anh H. không có thỏa thuận gì khác về người nuôi con và chị P. có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con, thì đương nhiên sẽ được tòa án giao con cho chị để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Điều kiện để trực tiếp nuôi con, có thể được hiểu là có việc làm, thu nhập ổn định, có chỗ ở (không nhất thiết phải mua được nhà)... và điều quan trọng là phải trực tiếp nuôi con (không phải trường hợp gửi con cho người thân để đi xuất cảnh, lao động ở nước ngoài, công tác xa dài ngày...).
Con dưới 36 tháng tuổi cần được giao cho mẹ trực tiếp chăm sóc. Hình minh họa.
Ngoài ra, các tình tiết như: người chồng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; có hành vi bạo lực gia đình như dọa đánh, ngược đãi người vợ, hoặc cô lập về kinh tế, không cho thăm con... cũng cần được tòa án xem xét, nhận định để quyết định giao con cho phù hợp.