Câu chuyện xúc động sau 'tà áo dài biết nói' của cô Liệp

16/03/2017 - 10:00

PNO - Bộ sưu tập áo dài “khủng” với hơn 200 cái của cô Liệp là nơi cất giữ chuyện đời mình. Cô chạm tay vào áo cũng là chạm tay vào ký ức. Có điều, ký ức không luôn mềm mại, thơm mát như tà áo.

"Ở đất Mỹ này, mình có mặc áo dài đi đâu được, lại bị bệnh nữa... Mà thèm, mà nhớ quá, biết làm sao? Thôi, nhờ bạn mặc áo dài rồi chụp hình đưa lên facebook cho bên đây mình ngắm hàng ngày. Coi như bạn mặc áo dài… giùm mình vậy!".

Lời nhắn gửi nghe đứt ruột của người bạn thân bị bệnh nan y, sống tại Mỹ khiến nhà giáo Đoàn Thị Liệp - giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM (đã nghỉ hưu) cầm lòng không đặng. 

Cau chuyen xuc dong sau 'ta ao dai biet noi' cua co Liep
Nhà giáo Đoàn Thị Liệp.

Nhiều người không hiểu, tưởng cô Liệp tuổi đã 65 mà còn “tranh sắc” với các cô gái trẻ. Thật ra, gần đây, cô Liệp thường đưa hình mặc áo dài trên trang facebook cá nhân để gửi chút thướt tha, chút hồn quê cho bạn. Cô đủ yêu áo dài để thấu hiểu nỗi nhớ cồn cào ấy của bạn ở nơi cách xa nửa vòng trái đất.

Tình yêu áo dài nơi cô Liệp hình thành từ thuở lấy dây thun, dây chuối cột hai chiếc khăn rằn thành áo dài khiến lũ con nít chung xóm nhìn ngẩn ngơ và học làm theo.

Trong mắt cô bé quê miệt vườn Cần Thơ ngày ấy, mẹ mình với dáng “thắt đáy lưng ong” là người mẫu mặc áo dài đẹp nhất.

Lén lấy áo mẹ mặc thử, thấy vạt và tay quá dài, cô bé Liệp liền lấy kéo cắt bớt cho vừa với mình, dùng kim băng thắt eo. Thiết kế mới này nhanh chóng đón nhận… một trận đòn từ mẹ, bởi chiếc áo dài màu vàng úa, chi chít hoa ấy là của ba tặng mẹ, được mẹ cưng nhất tủ áo. 

Cau chuyen xuc dong sau 'ta ao dai biet noi' cua co Liep
 

Vì quá mong được mặc chiếc áo dài của riêng mình nên cô Liệp cố gắng học để được vào trường trung học. Ba cô tuyên bố: “Đứa nào học giỏi, thi đậu vô trường công thì ba lo cho, còn rớt xuống trường tư thì nghỉ học, ở nhà”.

Nghỉ học đồng nghĩa với việc không được mặc áo dài, mà với cô Liệp, đây là một hình phạt quá nặng.

Nỗ lực thi đậu hạng cao vào trường trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên, An Giang), cô Liệp vui sướng ngất ngây khi ba mẹ may cho đến ba bộ áo dài trắng mà giờ đây cô còn nhớ như in từng gân vải.

Niềm vui chưa trọn, một trưa chở em trai đi học, cậu em sơ ý để tà áo quấn vào sên xe đạp. Ôm cái áo dài nham nhở, cô Liệp khóc. Làm sao để cứu áo? “Cái khó ló cái khôn”, cô tìm cách lót vải để thêu mạng lại những chỗ rách bằng chỉ trắng. Bạn bè thấy áo có hoa văn đẹp thì khen, đâu biết chỗ con bọ, bông hồng là lỗ thủng nhỏ, còn chỗ thêu hình hoa cúc là lỗ tổ bố vì bị dây sên… “gặm”. 

Bộ sưu tập áo dài “khủng” với hơn 200 cái của cô Liệp là nơi cất giữ chuyện đời mình. Cô chạm tay vào áo cũng là chạm tay vào ký ức. Có điều, ký ức không luôn mềm mại, thơm mát như tà áo.

Cau chuyen xuc dong sau 'ta ao dai biet noi' cua co Liep
 

Áo dài kể vui buồn thay cho chủ. Có những chiếc áo mang niềm tự hào rất “con gái” vì cô được chủ tiệm may miễn phí với hy vọng tiệm sẽ được nhiều khách hàng biết đến thông qua tà áo “người mẫu” Đoàn Liệp mặc.

Có chiếc áo màu nâu họa tiết thật đẹp nhưng mang cái tên thật ngang trái - “áo dài bồ đá” hay “áo em chưa mặc một lần”.

Cô tủm tỉm giải thích, đó là chiếc áo cô may cho cuộc hẹn với một chàng trai vào đêm Noel năm 1973, nhưng chàng không đến để cô chờ dài cổ (sau này cô mới biết anh là một “Việt cộng” nằm vùng, vì bận công vụ nên không thể đến như đã hẹn).

Vào đại học, chiếc áo dài đầu đời sinh viên nhanh chóng được cô tự tay thêu tên mình bằng chữ Hán, thêu cả vạt trước và vạt sau. Thêu lên áo không chỉ để làm điệu, làm nổi mà là cách cô nhắc mình luôn tự hào về cái tên do ba mẹ đặt cho: Liệp là biểu tượng của sự can đảm, dũng mãnh, khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

Ngờ đâu, chữ “Liệp” vận vào người cô một cuộc đời gian truân, sóng gió, để mỗi ngày sống là một cuộc vượt lên. Chiếc áo dài cưới màu hồng do mẹ chồng tặng cho con dâu treo trong tủ vẫn tháng ngày rầm rì kể về chuyện vợ chồng nồng ấm, ngọt ngào nhưng ngắn ngủi của cô Liệp (chồng cô hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1977, một năm sau ngày cưới). 

Cau chuyen xuc dong sau 'ta ao dai biet noi' cua co Liep
 

Phong cách rất Tây nhưng người con trai ấy lại sớm bị đánh đổ bởi tà áo dài thuần Việt của cô nữ sinh khoa văn, để mỗi chiều tan học, chàng và nàng hẹn hò ở đoạn xa xa, tránh để lộ cho chúng bạn biết.

“Em mặc gì cũng đẹp, mặc áo dài là đẹp nhất. Em cứ mặc áo dài cho anh…” - lời thủ thỉ của chồng 40 năm ròng vẫn văng vẳng bên tai cô, cho cô tự tin, cho cô sức mạnh để vừa bám trụ bục giảng, vừa bươn bả làm thêm chả giò, bán bánh mì, xôi mặn nuôi con.

Có những đoạn tăm tối tưởng đã chia tay nghiệp “đưa đò”, cô quăng mình ra xã hội, lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, kể cả nấu cơm mướn, giúp việc nhà. Cậu chủ nhìn cô xót xa, bảo: “Hay cô tìm việc khác để làm? Thấy cô mặc áo dài, đi trong sân trường quen rồi, giờ phải thấy cô bận tạp dề, lui cui dưới bếp, thật tình tui ăn không được”. 

Rồi những chặng khó khăn, tủi nhục đến nỗi phải mượn cái quần lành của hàng xóm để mặc, đứng bán xôi, hột vịt lộn; hay phải ôm con đi ở nhờ nhà người bạn và bị người đàn ông chung nhà “giở mùng” ngay đêm đầu dọn đến.

Trong những chặng đường khốn khó, cô Liệp vẫn không bán những chiếc áo dài quý giá của mình để đổi gạo, vì đó là kho kỷ niệm, là niềm tự hào, là động lực sống của cô. 

Về hưu đã nhiều năm, cô vẫn được các trường phổ thông, cao đẳng, đại học mời dạy, chiếc áo dài luôn đồng hành với cô trong những tiết học đong đầy cảm xúc với Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên...

Với óc sáng tạo và nhiệt tâm truyền cảm hứng yêu văn chương cho học trò, cô khắc họa ý tưởng rồi nhờ người bạn thân vẽ lên áo dài những hình tượng nghệ thuật gắn với nội dung tác phẩm.

Thế là lần lượt Chí Phèo ôm chai rượu bên bụi chuối dưới trăng của nhà văn Nam Cao cũng được vẽ lên tà áo dài của cô Liệp; chiếc áo “rách như tổ đỉa” của người vợ nhặt trong tác phẩm để đời của nhà văn Kim Lân cũng được cô Liệp mô phỏng trên tà áo dài một cách “te tua”; áo trắng vẽ đôi chim xa cách chính là “lời tỏ tình” bị ngăn bởi dây kẽm gai trong tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp… 

Nhìn áo dài của cô, nghe cô giải thích, học trò tưởng có thể sờ chạm, có thể khóc cười theo cái khóc cười của nhân vật. Vậy là “cảm” lúc nào không hay. Để rồi, dù có bay xa đến tận chân trời nào, các thế hệ học trò cũng nhớ bài học cũ cô dạy qua tà áo dài “biết nói”... 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI