Thời của kinh tế chia sẻ
Từ ngày về hưu, vì sức khỏe đi xuống, bà Phạm Thị Minh (Q. Tân Phú, TP.HCM) không sử dụng xe máy nữa. Bà thường đón xe ôm để đi thu tiền nhà cho thuê ở Q.12, TP.HCM. Nhưng xe ôm truyền thống dần biến mất. Việc đi bộ ra đầu ngõ tìm xe để vẫy có khi mất của bà nửa tiếng đồng hồ chờ đợi.
Cách nay chừng một năm, con bà cài đặt một ứng dụng đặt xe trên điện thoại. Khi cần, con bà ở văn phòng có thể đặt xe cho tài xế đến tận nhà rước mẹ. Bằng cách đặt xe này, bà Minh đỡ vất vả tìm kiếm. Tài xế chủ động liên hệ vào số điện thoại di động của bà do con bà cung cấp. Con bà cũng yên tâm khi nắm rõ lộ trình mẹ đi, định vị chính xác nơi tài xế đang chở mẹ. Giá cả cũng được công khai từ đầu, bà không phải trả giá.
Một lái xe Grabbike (xe ôm công nghệ) cho hay, trước anh cũng hay đứng đầu ngõ chờ khách đến hỏi. Nay có cài đặt ứng dụng và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ kết nối nên thời gian chủ động hơn, nhiều khách hơn. Dù trị giá một cuốc xe có giảm so với trước đây nhưng vẫn hơn đợi cả ngày có khi chỉ được một chuyến xe.
Mặc dù thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” mới du nhập vào Việt Nam trong vòng hai năm trở lại đây, song nền văn hóa chia sẻ trong tiêu dùng thì đã quen thuộc với người dân Việt.
Sự xuất hiện và phát triển của hai hãng dịch vụ Uber và Grab đã khiến các hãng vận tải hành khách lớn như Mai Linh hay Vinasun, Taxi Group phải lập tức thay đổi cung cách vận hành.
Tháng 8/2015, Mai Linh giới thiệu ứng dụng di động cho phép gọi xe taxi không cần thông qua tổng đài. Cuối năm 2015, Vinasun cũng tung ra ứng dụng gọi xe Vinasun. Trong dịp tết Nguyên đán 2016, Taxi Group cũng tung ra gói dịch vụ đi ghép xe cho những hành khách đi đường dài nhằm tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Tuy nhiên, sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình này cũng cho thấy mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 13, thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất việc tổ chức một số hội nghị chuyên đề toàn quốc để bàn giải pháp đối với những vấn đề trọng tâm, then chốt trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước như: năng suất lao động, công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế chia sẻ là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây, gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số.
Đến nay có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau, nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.
Cuộc chiến kéo dài của Vinasun và Grab
Tuần qua, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun - và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Tòa cho biết, đình chỉ là để đợi kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ tại Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, ngày 7/2, sau hai ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để Grab bổ sung chứng cứ. Vụ kiện chưa từng có tiền lệ này đã thể hiện những nét thú vị trong bước phát triển của nền kinh tế thị trường.
Vinasun cho rằng, năm 2016 và nửa đầu 2017 công ty bị thiệt hại 76 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do Grab gây ra là 42 tỷ đồng. Lý lẽ Vinasun đưa ra là Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ nhưng lại cung cấp cả dịch vụ vận tải và hoạt động cùng ngành nghề với mình.
Như vậy, Grab đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo. Suốt thời gian qua, Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun. Theo Vinasun, việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại khuyến mãi quanh năm…
Grab thì cho rằng, Vinasun chưa chứng minh được hoạt động của họ gây thiệt hại. Một số biểu hiện mà Vinasun cho là hành vi khuyến mãi hay quản lý tài xế thì Grab cho rằng, đó là sự chăm sóc, động viên đối tác…
Sau đó, tại cuộc họp sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sáng 8/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu, quản lý chặt chẽ loại hình xe Uber và Grab như taxi.
Theo ông Thể, chỉ trong 2-3 năm nay, Uber, Grab đã có 38.000-40.000 xe, gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến khách hàng mà không ai chịu trách nhiệm.
Theo ông, hoạt động Uber, Grab bản chất là taxi áp dụng công nghệ trong kết nối với lái xe, chủ hãng. Vì vậy các hãng này phải đăng ký hoạt động vận tải tại Việt Nam, phải minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ. Bộ trưởng yêu cầu nghị định phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của các hãng Uber, Grab trong quản lý lái xe.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chiều 9/3, Grab Việt Nam đã phát đi thông cáo cho rằng, việc định danh họ như một công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.
Trong kinh doanh, trước sự thay đổi tiến bộ của thời cuộc, doanh nghiệp nên vận động theo, tích cực cải tiến mình.
Sự đa dạng lựa chọn của người tiêu dùng nên để thị trường và người tiêu dùng tự quyết định.
|
Theo lãnh đạo Grab Việt Nam, hãng đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm đối tác là công ty vận tải và hợp tác xã, những người đang tận hưởng lợi ích từ việc kết nối, hợp tác với nền tảng công nghệ mở của Grab. Việc sở hữu và quản lý đội xe chính là thế mạnh của các đối tác này và họ sẽ phải chịu cảnh sụt giảm doanh thu nếu bị quản như taxi.
"Là một công ty công nghệ, chúng tôi hỗ trợ kết nối xe taxi, xe máy và ô tô gần nhất với khách hàng một cách hiệu quả. Chúng tôi không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào. Hãng đang xây dựng cả một hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, logistics cho đến ví điện tử giúp khách hàng có thể thanh toán các nhu cầu hằng ngày, ngoài di chuyển. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số” - lãnh đạo Grab nói.
Đừng để người dân đứng ngoài cuộc
Tháng 1/2016, Bộ Giao thông Vận tải căn cứ Quyết định 24/2016, ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử.
Công nghệ 4.0 cho phép kinh tế chia sẻ đi vào vận hành, biến sự chia sẻ không chỉ giúp đùm bọc, san sẻ khó khăn, san sẻ sự khan hiếm nguồn lực, mà còn giúp cộng đồng tham gia kinh tế chia sẻ cùng tiến đến sự thịnh vượng.
Sau hai năm thí điểm, thực tế cho thấy, mô hình xe hợp đồng điện tử được nhiều người dân hưởng ứng và sử dụng do sự tiện lợi, chi phí hợp lý. Khách hàng chọn thương hiệu là do có sự so sánh về chất lượng dịch vụ, quyền lợi.
Trong kinh doanh, trước sự thay đổi tiến bộ của thời cuộc, doanh nghiệp nên vận động theo, tích cực cải tiến mình. Sự đa dạng lựa chọn của người tiêu dùng nên để thị trường và người tiêu dùng tự quyết định.
“Về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, theo tôi không nên cấm vì không quản lý được mà thay vào đó cần hoàn thiện chính sách tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi.
Đó là trách nhiệm của nhà quản lý, hoạch định chính sách, cần xác định rõ đó là hình thức kinh doanh gì, dịch vụ điện tử hay taxi vận tải.
Quan trọng nhất là phải tạo sân chơi để các hãng taxi hưởng công bằng, bình đẳng như Grab và Uber, chứ không phải thêm điều kiện cho Uber, Grab để hạn chế họ”.
Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM
|