Vì sao chúng tôi chọn Việt Nam?
Con số những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam những năm gần đây ngày càng tăng, dù không thể chứng minh được lực hấp dẫn hay sự phát triển kinh tế của đất nước trên bản đồ thế giới, nhưng ít ra khi quyết định định cư lâu dài tại một đất nước Đông Nam Á nhỏ bé, hẳn họ phải có những lý do riêng của mình.
|
Tháng 5/2017, khi đến du lịch các nước châu Á, tôi để lại Mỹ một tình yêu vừa tan vỡ và một công việc vừa đột ngột chấm dứt ở một tòa soạn để khám phá thế giới, tìm hiểu bản thân. Lúc này, tôi định sẽ du lịch khắp châu Á một vài tháng rồi trở về nhà, tìm một công việc mới, một căn hộ mới rồi bắt đầu cuộc sống. Nhưng có quá nhiều điều để khám phá ở đây. Những vùng đất ở châu Á không giống với bất kỳ nơi nào tôi từng thấy. Người châu Á lại thân thiện, hay giúp đỡ. Tôi quyết định sẽ ở lại cho đến khi tôi thực sự cảm thấy muốn về nhà.
Việt Nam là nơi tôi ghé thăm vào tháng thứ chín của hành trình. Tại đây, kế hoạch của tôi lại thay đổi.
|
Rebecca trong lần đầu đón sinh nhật tại TP.HCM |
Nơi đầu tiên tôi đến là Phú Quốc. Đó là một hòn đảo xanh tươi và quyến rũ một cách kỳ lạ. Cảnh đẹp thiên nhiên và một chút mộc mạc ở một đời sống xã hội chưa quá hiện đại càng làm Phú Quốc trở nên hấp dẫn với tôi.
Tôi gặp khá nhiều khách du lịch và đặc biệt ấn tượng với Julien - một chàng trai người Pháp điển trai, tinh tế, hiểu biết và là chủ nhà hàng Octo ở TP.HCM. Thời điểm đó, anh đã ở Việt Nam 4 năm. Chúng tôi đã cùng trải qua những ngày nghỉ đẹp đẽ và bình yên ở Phú Quốc. Khi ghé thăm TP.HCM, tôi đã quyết định ở lại nơi này trước khi gặp lại và nhận ra mình đã yêu Julien.
TP.HCM có tất cả những gì tôi muốn cho một hành trình trải nghiệm mới. Tiện nghi, hiện đại nhưng vẫn đầy mộc mạc, chân thành và thư thả. Khi còn làm bạn ở Phú Quốc, bạn trai tôi từng nhắc đến phong cách Việt Nam bằng một sự say mê. Anh miêu tả về sự thư thả, ung dung của người Việt bằng tất cả những phép so sánh có thể, để tôi hình dung về đất nước mà tôi vừa bước chân tới. Ở đây, người ta có thể làm việc liên tục cả ngày, nhưng họ không mang dáng vẻ căng thẳng, áp lực. Ở nước Mỹ, dường như có một cuộc đua khiến người ta luôn cảm thấy mình phải làm việc chăm chỉ hơn nữa, hơn nữa… và hầu như không bao giờ họ cảm thấy mình đủ tốt cả.
Tôi sống ở Los Angeles - nơi mà mọi người, mọi vật, mọi chuyển động đều quá nhanh, và người ta luôn bị căng thẳng. Bạn dễ dàng bắt gặp trên đường phố Los Angeles hình ảnh một người vừa nhìn đồng hồ vừa chạy sô đi đâu đó để tránh trễ giờ. Còn ở Việt Nam, dẫu bận rộn, chuyển động của dòng người vẫn thoải mái, nhịp nhàng, con người có vẻ dịu dàng, khoan dung hơn. Ngay cả việc không quá áp lực với vài phút trễ giờ cũng là một chi tiết nhỏ cho thấy người ta rất thông hiểu, dễ chịu với nhau. Môi trường sống phóng khoáng ở đây tác động đến tâm trạng và toàn bộ sức khỏe tinh thần, cảm xúc của tôi một cách tích cực. Đó là điều khiến tôi cảm kích Việt Nam.
Dĩ nhiên, là một đầu bếp, Julien bị chính món ăn Việt Nam chinh phục. Đó chính là động lực thôi thúc anh ở lại và mở nhà hàng Octo ngay tại TP.HCM. Julien thậm chí từng chia sẻ, nếu không còn lý do gì để ở lại Việt Nam nữa, thì riêng ẩm thực Việt cũng đủ níu giữ anh rồi. Tôi đã đi khá nhiều nơi ở Việt Nam, và đặc biệt ở TP.HCM, tôi trải nghiệm khá trọn vẹn những điều thú vị đó.
|
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nơi Rebecca thường giới thiệu khách du lịch ghé thăm khi đến TP.HCM |
Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có 8 tháng trải nghiệm ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Tám tháng đó đủ cho tôi làm quen với những điều vốn có thể gây sốc với một người phương Tây.
Những ngày đầu đặt chân đến Thái Lan, tôi nhớ mình đã rất ngạc nhiên khi nhìn những đứa trẻ lái xe máy không đội nón bảo hiểm, chó mèo đi lại trong nhà hàng, vòi tắm ở ngay trong nhà vệ sinh (ở phương Tây, họ thường ngăn lại bằng tấm rèm hoặc một cánh cửa), những con gà bị làm thịt ngay trên đường phố và những con rệp bò khắp nơi. Bây giờ, những điều đó đã không còn lạ lẫm. Nhưng, chắc chắn rằng, việc chọn sống ở TP.HCM đã cho tôi một bước chuyển dễ dàng. Đây là một trong những thành phố hiện đại bậc nhất châu Á. Chỉ với một chiếc ba-lô làm hành trang, tôi không hề gặp khó khăn khi ở lại đây. Thành phố tiện nghi này có mọi thứ tôi cần để tổ chức một cuộc sống theo ý mình.
Tôi còn nhớ một Việt Nam trong bom đạn qua lời kể của cha tôi. Ông là một cựu binh Mỹ tại Việt Nam. Tôi nhớ, ông nói đó là cuộc bại trận duy nhất của nước Mỹ, là cuộc chiến mà ngay từ lúc bắt đầu đã sai lầm. Đó là tất cả những gì tôi biết về nó, kể cả khi tôi vào đại học. Tôi học chuyên ngành báo chí, và trong một lớp học, tôi viết một bài báo về cách mà truyền thông Mỹ chi phối những quan điểm công khai về chiến tranh. Những nghiên cứu khi thực hiện bài báo đó thực sự khiến tôi mở mắt. Tôi đã sốc và kinh hoàng khi học về những hành vi tàn bạo của đất nước tôi. Tôi nghĩ, chính vì điều đó quá đáng buồn nên họ không dạy chúng tôi trong trường học. Và vì vậy, nhiều người Mỹ sống cả đời mà không biết đến những điều khủng khiếp đó.
Sau này, khi tôi gặp khách du lịch ở đây, tôi luôn giới thiệu họ thăm bảo tàng chiến tranh. Đó là một trong những việc đầu tiên tôi làm khi đến TP.HCM. Tôi nghĩ tất cả khách du lịch đều cần đến đó, để biết về lịch sử của vùng đất này. Và để biết nhân loại đã có những lúc điên rồ thế nào, với hy vọng sẽ cùng nhau ngăn chặn sự tái diễn của nó.
Tôi đã đến Việt Nam trong những ngày khao khát mãnh liệt được hiểu bản thân, và được tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa. Tôi chọn Việt Nam để thực hiện khao khát này, nên có lẽ, đất nước này sẽ mãi mãi đặc biệt trong tôi.
Rebecca - biên tập viên, giáo viên tiếng Anh tự do
(ghi)