Câu chuyện vỉa hè và người bộ hành vắng mặt

15/03/2017 - 09:04

PNO - Sau hơn hai tháng ráo riết ra quân dọn dẹp, hiện nhiều con đường ở TP.HCM đã “lấy lại” được vỉa hè thông thoáng. Nhưng cũng từ lúc này, bài toán lại trở nên nan giải hơn.

Sau hơn hai tháng ráo riết ra quân dọn dẹp, hiện nhiều con đường ở TP.HCM đã “lấy lại” được vỉa hè thông thoáng. Nhưng cũng từ lúc này, bài toán lại trở nên nan giải hơn: làm sao để tận dụng hợp lý không gian vỉa hè mà không lấy mất công việc của những người vốn mưu sinh tại không gian này?

Giáo sư Phan Văn Trường từng giảng dạy về kinh tế đô thị và quy hoạch vùng tại nhiều trường ĐH Pháp và Việt Nam. Ông đã chia sẻ với bạn đọc báo Phụ Nữ một số thông tin quanh việc dọn dẹp vỉa hè và sắp xếp “phố hàng rong”…

Cau chuyen via he va nguoi bo hanh vang mat
Giáo sư Phan Văn Trường

Về “kinh tế vỉa hè”, theo tôi, có nhiều vấn đề tồn tại. Không một đô thị nào chấp nhận để người dân lấn chiếm vỉa hè, buôn bán lén, trốn thuế, không giữ vệ sinh tối thiểu. Nhiều du khách nước ngoài đã nói với tôi, đôi khi họ thấy TP.Hà Nội và Sài Gòn cứ như một khu vực chứa chấp người tỵ nạn hay chạy loạn.

Đó là một hình ảnh so sánh hơi quá nhưng cũng phải công nhận, liên tưởng đó chứng tỏ chúng ta rất mất ổn định trong quản lý đô thị. Có lẽ, người dân đô thị của ta đã quen nhìn những hiện tượng bất thường nên xem như là chuyện bình thường. Không phải chỉ là không gian có thể tận dụng để buôn bán, vỉa hè có vai trò, chức năng của nó.

Thử tưởng tượng một đô thị không đường phố nào có vỉa hè thì người dân có sống nổi? Rõ ràng là không vì đô thị đó sẽ không có người bộ hành, không có ai ra đường mà không cưỡi “ngựa sắt”. Trẻ em và người cao tuổi sẽ làm thế nào? Vậy mà trước mắt chúng ta, vào giờ cao điểm là vô số xe máy chạy trên vỉa hè, cả ngược cả xuôi.

Nhiều sự cố đã xảy ra, với các em nhỏ và người cao tuổi. Theo tôi, phải có biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng đó. Nhiều người nghĩ, vỉa hè quá rộng so với quá ít người bộ hành, nhưng đúng là vỉa hè phải rộng rãi, có cây xanh, dân chúng đô thị mới cảm nhận được là họ đang sống trong đô thị, mới đổ ra đường phố. 

Tôi còn nhớ xưa kia, hè phố Sài Gòn rất đông người bộ hành. Nếu có nơi nào vỉa hè thực sự quá rộng thì cũng có thể dành một phần để làm việc khác, nhưng muốn vậy thì phải xây hẳn một khu vực mới, không gọi là vỉa hè nữa, mà gọi là bãi đậu xe (chẳng hạn), có lối ra lối vào, chứ không đơn thuần gọi là vỉa hè “phải xài chung” rồi hỗn độn một cách… quy củ!

Đã nói kinh tế thì phải nói đến mực chuẩn và thuế vụ. Mực chuẩn là vệ sinh, là chất lượng sản phẩm, là tổ chức bãi rác, là quét dọn, là kiểm soát. Còn thuế vụ, theo tôi thì nên miễn thuế. Nhưng phải làm cho người bán hàng rong hiểu, họ “chính thức được miễn thuế” chứ không để họ nghĩ là họ có thể trốn thuế. Khi họ được trao tặng ân huệ thì chính họ sẽ phải tôn trọng luật chung.

Họ sẽ được chỉ định một chỗ ổn định để buôn bán, không phải “nay đây mai đó” nữa. Nói chung, cung phải gặp cầu. Người dân cần có hàng rong. Hàng rong cần có người dân. Kinh tế vỉa hè không ảo, mà ngược lại, còn là một nền kinh tế hùng mạnh.

Việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đã có từ lâu. Do đâu người bán hàng rong lại thấy bất công trong khi chính họ là người vi phạm luật? Bài toán này, chính quyền phải giải quyết triệt để, tránh tình trạng “chỗ này dẹp chỗ kia không”. Những chuẩn mực cần phải được áp dụng.

Ổn định “kinh tế vỉa hè” là tốt, nhưng “kinh tế vỉa hè” cần được quy hoạch về nhiều mặt. Nếu làm bãi đậu xe, thì phải quy hoạch và thiết kế hẳn hoi cho bãi đậu xe. Nếu cho phép bán hàng rong chính thức thì phải quy hoạch vòi nước, hệ thống rác, đội quét dọn… Phải làm đâu ra đó, không thể qua loa.

Tôi thông cảm với người dân bị dẹp hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Có thể họ đã đầu tư khá nhiều, đời sống gia đình hoàn toàn phụ thuộc việc buôn bán này, khi bị dẹp sẽ mất mát, thiệt hại. Tuy biết mình làm trái phép nhưng có lẽ nhiều người không thực sự hiểu tại sao mọi chuyện lại xảy ra bất thình lình như thế.

Cũng cần chia sẻ với anh em làm cái việc giải tỏa, các nhân viên công an. Có thể họ cũng bị lương tâm cắn rứt khi phải đập phá những tài sản đang là sinh kế của người dân. Đồng thời, cần thông cảm với các cấp chỉ huy, đã nhận lệnh phải mạnh tay. Chắc họ cũng cảm nhận được tình huống vô lý khi phải vội như thế.

Có thực sự khẩn cấp không, khi từ nửa thế kỷ qua chưa hề có biện pháp điều chỉnh? Làm thế nào để giảm sự mất mát cho dân? Tôi thương cái vỉa hè đã trở thành nơi xung đột giữa những người không liên quan gì đến người bộ hành. Vỉa hè là của người bộ hành, nhưng trong chuyện quái dị này, người bộ hành lại vắng mặt. Ai cũng mong có những chính sách dài hạn để được sống trong trật tự và ổn định.

Giáo sư Phan Văn Trường
 Bạch Lê (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI