Câu chuyện về một phụ nữ làm nghề chăm sóc thú dữ

30/09/2024 - 19:17

PNO - Phần lớn những người làm nghề chăm sóc thú ở vườn thú Night Safari (Singapore) đều là phụ nữ. Và họ làm rất tốt công việc tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới này.

Cô Rajeish Mariappan đang làm việc tại Vườn thú Night Safari (Singapore) - Ảnh: Joyee Koo/CNA
Cô Rajeish Mariappan đang làm việc tại Vườn thú Night Safari (Singapore) - Ảnh: Joyee Koo/CNA

Mỗi khi có người tò mò tìm hiểu về công việc của cô Rajeish Mariappan tại công viên động vật hoang dã Night Safari (Singapore, câu đầu tiên mà họ thốt lên chính là: “Wow, bạn thật dũng cảm!” khi biết người phụ nữ này đang đảm nhận việc chăm sóc sáu con sư tử cái châu Á - được mệnh danh là một trong những kẻ săn mồi trên cạn lớn nhất thế giới.

“Ai cũng nghĩ rằng vì sư tử ăn thịt, nên nếu chúng nhìn thấy một người trông coi sở thú, chúng cũng chỉ muốn ăn thịt mà thôi” - cô Rajeish nói một cách hài hước.

Nữ nhân viên sở thú 27 tuổi này cho biết, khác xa với cách hiểu phổ biến như trên, trong thực tế, sư tử có cách cư xử rất giống những chú mèo nuôi trong nhà, chỉ có điều, chúng có cơ thể lớn gấp 30 lần so với mèo nhà.

"Những con sư tử này không xem chúng tôi là thức ăn. Khi nhìn thấy chúng tôi, chúng luôn chào đón theo cách riêng của mình" - cô Rajeish giải thích.

Làm bạn với thú dữ ăn thịt

Cô Rajeish kể lại cảm giác của ngày đầu tiên khi tiếp nhận công việc là "hoảng sợ đến thót tim" khi những chú mèo to xác này tiến đến làm quen với cô một cách thân thiện. Sau đó, cô nhận ra rằng, một khi hiểu được tính cách của chúng thì những con sư tử này thực sự là những con vật hiền lành và giàu tình cảm.

Sư tử cái châu Á tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Night Safari
Sư tử cái châu Á tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Night Safari

“Sư tử là loài động vật sống và săn mồi theo nhóm. Nhưng giống như con người vẫn thường có mâu thuẫn và tranh cãi, sư tử cũng vậy. Những lúc như thế, chúng trở nên ủ rũ, và đôi khi sẽ gây gổ, đánh nhau”.

Cô Rajeish làm việc trong một nhóm gồm 11 thành viên được giao nhiệm vụ chăm sóc động vật ăn thịt. Ngoài sư tử châu Á, họ còn chăm sóc tất cả các loài động vật ăn thịt khác của Night Safari, bao gồm hổ trắng và sư tử trắng châu Phi.

Ca làm việc buổi sáng của người trông coi vườn thú bắt đầu lúc 9g sáng, và ca chiều bắt đầu lúc 3g chiều. Vào buổi sáng, một trong những điều đầu tiên mà người trông coi vườn thú làm là kiểm tra xem có vết thương nào trên cơ thể của những con thú gây ra do chúng đùa nghịch nhau trong đêm để kịp thời thông báo cho bác sĩ thú y.

Công việc của Rajeish cũng bao gồm việc tạo ra các hoạt động vui cho cho những con vật trong vườn thú.

“Sư tử rất thích những hộp bìa cứng. Vì vậy, chúng tôi thường đặt thức ăn của sư tử trong hộp bìa carton và treo lên phía trên cao. Chỉ một lúc sau, những con sư tử đã nhảy lên, chụp lấy và xé hộp giấy ra thành từng mảnh để lấy thức ăn giấu trong đó" - cô Rajeish mô tả.

Cô và các đồng nghiệp cũng phải thường xuyên tìm cách "mua vui" để duy trì sự linh hoạt và vận động của những con sư tử, bởi chúng là loài động vật rất lười biếng, có thể ngủ suốt 20 tiếng một ngày.

Sư tử cái châu Á nặng từ 115kg đến 135kg. Chúng ăn khoảng 4kg thịt mỗi ngày - thường là thịt bò, thịt gà và thịt kangaroo. Một số con thú còn được bổ sung dầu cá và hỗn hợp vitamin cao cấp tùy theo tình hình sức khỏe cụ thể của chúng.

Một con sư tử tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Joyee Koo/CNA
Một con sư tử tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Joyee Koo/CNA

Nhờ sự gắn bó lâu dài với công việc nên theo thời gian, những người chăm sóc thú như cô Rajeish có thể phát triển được mối quan hệ rất chặt chẽ với các con vật trong vườn thú. Ngoài sư tử châu Á, cô Rajeish còn chăm sóc gấu lười, linh cẩu sọc, cú và lợn đất; trong đó, cô gấu lười Zara là con vật mà Rajeish yêu thích nhất.

Được sinh ra tại Night Safari vào năm 2018, Zara bị mẹ bỏ rơi và được Rajeish cùng các nhân viên vườn thú chăm sóc ngay từ những ngày đầu tiên. Vì vậy, Zara rất gắn bó với họ, cũng như luôn tỏ ra thân thiện với du khách đến tham quan vườn thú.

Một chú gấu tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Joyee Koo/CNA
Một chú gấu tại vườn thú Night Safari - Ảnh: Joyee Koo/CNA

Để đảm bảo an toàn, người trông coi vườn thú và động vật ăn thịt được ngăn cách bằng những tấm lưới hoặc hàng rào. Cá mập mòi là loài động vật duy nhất ở đây Rajeish có thể tương tác một cách gần gũi mà không cần có hàng rào bảo vệ.

"Cá mập mòi rất háu ăn. Và nếu tôi có vẻ chậm chạp trong việc chuẩn bị thức ăn thì cô bé to xác nặng 50kg này sẽ không ngần ngại nhảy bổ vào tôi, thậm chí đẩy tôi ngã xuống sàn" - cô Rajeish cười vui vẻ.

Đến với nghề từ công việc bán thời gian

Cô Rajeish thường được bố mẹ cho đi sở thú chơi khi còn nhỏ - Ảnh: Rajarajeishwary Mariappan
Cô Rajeish thường được bố mẹ cho đi sở thú chơi khi còn nhỏ - Ảnh: Rajarajeishwary Mariappan

Rajeish chưa bao giờ nghĩ rằng, bản thân sẽ trở thành một người chăm sóc vườn thú chuyên nghiệp, mặc dù ba mẹ cô thường xuyên đưa cả nhà đi chơi sở thú mỗi năm khi cô còn nhỏ.

Vào năm 2017, khi đang là sinh viên ngành công nghệ sinh học, cô đã nộp đơn xin làm một người trông coi vườn thú bán thời gian với mong muốn được làm việc với những loài động vật có vú nhỏ.

Thế nhưng, ngay lập tức cô cảm thấy sốc khi được dẫn đến khu vực hang động nơi chú gấu Bắc cực khổng lồ có tên là Inuka đang ăn sáng, và được giao nhiệm vụ chăm sóc những con vật ăn thịt có kích thước lớn trong vườn thú.

Cô Rajeish đang cho những con thú trong Night Safari ăn - Ảnh: Joyee Koo/CNA
Cô Rajeish đang cho những con thú trong Night Safari ăn - Ảnh: Joyee Koo/CNA

Cũng từ đó, cô Rajeish có sự hứng thú tìm hiểu về những loài động vật có vú này, và quyết định ghi danh theo học chuyên ngành động vật học và sinh học bảo tồn tại Đại học Tây Úc.

“Nhiều người tin rằng, việc chăm sóc động vật tại vườn thú là công việc của đàn ông, và một người phụ nữ sẽ không thể làm được vì nó đòi hỏi rất nhiều về thể chất. Chưa kể, công việc trông cũng không có vẻ hấp dẫn cho lắm bởi chúng tôi phải thường xuyên làm việc ngoài trời với điều kiện thời tiết không thuận lợi, phải dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, sửa chữa bảo trì trang thiết bị..." - cô Rajeish chia sẻ.

Thế nhưng, theo cô Rajeish, những định kiến đó hiện nay đã thay đổi khi ngày càng có nhiều nhân viên chăm sóc thú là phụ nữ.

"Phần lớn nhân viên chăm sóc thú tại Night Safari là phụ nữ. Chúng tôi có đủ sức khỏe và khả năng chịu đựng về thể chất để có thể đảm nhận tốt công việc chăm sóc những con vật tại đây".

Theo cô Rajeish, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được những công việc mà trước đây chỉ dành cho nam giới - Ảnh: Joyee Koo/CNA
Theo cô Rajeish, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được những công việc mà trước đây chỉ dành cho nam giới - Ảnh: Joyee Koo/CNA

Nguyễn Thuận (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI