Câu chuyện tình yêu: Yêu gia đình không áp lực

12/07/2022 - 05:38

PNO - Họ yêu mái nhà an lành và ấm áp của mình. Ấy là cuộc sống có ông có bà vào tuổi xế chiều, ung dung, hòa hợp.

Ông Lê Văn Hóa và bà Hoàng Thị Tý kết hôn năm 1982, sau 40 năm chung sống họ có với nhau hai người con trai và năm cháu nội. Hiện nay, các con cháu đều đang sinh sống tại TPHCM, ông bà sống cùng nhau tại Huế.

Ở ngưỡng 70, mỗi ngày, ông bà luôn sống vui sống khỏe, không đặt kỳ vọng, áp lực gì cho các con của mình.

Trong túi chồng không bao giờ có tiền

Trong ký ức của bà Tý, ông Hóa là một thanh niên mẫu mực. Năm 1980, ông Hóa là giáo viên của Trường cao đẳng Lâm nghiệp thuộc H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, còn bà Tý làm việc gần đó. Do có bạn chung nên hai người thường xuyên trò chuyện, trao đổi. Dần dần họ kết “model” nên tiến tới hẹn hò rồi yêu nhau.

Sau khi về chung nhà, bà Tý chuyển về làm cùng chồng tại Trung tâm Thực nghiệm Đông Nam Bộ. Tổ ấm của họ là một căn phòng nhỏ, lợp mái tôn trong khu tập thể. Ông vừa đi làm vừa đi học để nâng cao nghiệp vụ. Sau giờ làm việc, bà nhận thêm nhiều việc thủ công làm ở nhà. Ở khoảng sân sát vách, bà nuôi thêm gà vịt, lên đồi trồng ngô, khoai…

Ông bà luôn đi du lịch cùng nhau
Ông bà luôn đi du lịch cùng nhau

 

“Giai đoạn khó khăn đó, ông Hóa có bao nhiêu tiền lương đều đưa về phụ vợ nuôi con. Ông vừa đi làm vừa học thêm gần bốn năm. Trong túi ông không bao giờ có một đồng, một điếu thuốc cũng không hề có”, bà Tý kể.

Năm 1987, cơ quan có một đợt tinh giản biên chế, bà Tý phải nghỉ việc ở nhà. Gia đình lúc đó càng trở nên túng bấn. Ông vẫn tiếp tục học hành. Hai con trai lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Từ một nữ công nhân, bà Tý quay ra trồng trọt, chăn nuôi như một người nông dân. Bà bán nước mía, nước dừa, làm cà rem, đi bóc đậu phộng, đi chở nước đá, đi làm thuê…

Bà kể: “Ông Hóa sinh trưởng trong gia đình khá giả. Thế nhưng ông không bao giờ ỷ lại hay lười biếng. Từ nhỏ, ông ham học, thích tự lập. Lập gia đình, ông cùng tôi nuôi dạy con, không bao giờ để tôi phải thiệt thòi”.

Ông tiếp lời: “Một người khách lạ vào nhà, được mời cơm họ sẽ khen người phụ nữ khéo léo, biết nấu cơm ngon canh ngọt. Nhưng nếu cửa nẻo tuềnh toàng, kèo cột xiêu vẹo, trần nhà bị thủng, họ sẽ trách người chồng. Có đàn ông trong nhà, vợ con phải được nhờ”.

Dạy con trai biết thương mẹ, yêu vợ

Năm 2000, gia đình ông bà từ Đồng Nai chuyển về Huế sinh sống. Bà Tý cho biết lý do: “Khoảng thời gian chúng tôi sống ở Đồng Nai, mỗi năm bố chồng tôi từ Huế khăn gói vào thăm con cháu. Khi tuổi đã cao, có mấy lần vì di chuyển đường xa nên bố chồng bị ốm. Thương cha, ông Hóa đã bàn với tôi thay đổi công việc, chỗ ở khi cả hai tuổi ngoài 40”. Về Huế, chúng tôi tích cóp tiền bạc mua một căn nhà riêng sống gần nhà nội để tiện chăm sóc bố mẹ. 

Cuộc sống mới ở đất cố đô cũng dần ổn định, các con trai trưởng thành, kết hôn, lần lượt vào Nam sinh sống. Mỗi năm, trong dịp hè và tết, con cháu sẽ sắp xếp để về Huế thăm ông bà. 

Hai anh con trai đều giống cha ở tính tự lập, năng động, xoay xở lo cho gia đình. Thế nhưng vì còn trẻ nên thỉnh thoảng các anh vẫn nóng tính, nạt vợ mắng con. Ông Hóa biết chuyện luôn phân tích, bênh các con dâu. Ông tâm sự với vợ: “Nhìn con trai nạt vợ mắng con mà đau lòng. Bởi như vậy là mình dạy con chưa đạt. Tại sao người đàn ông lúc nào cũng có thể nhẹ nhàng, quảng giao với các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè nhưng hễ về nhà lại thể hiện sự cáu kỉnh, lấn át vợ con”. Mỗi khi gặp gỡ, ông Hóa còn thủ thỉ với các con cách đối xử hiếu thảo, lễ nghĩa với mẹ.

Ông bảo: “Khi con ra đời, để có đủ sữa cho các con bú, mẹ phải ăn những tô cơm nguội với nước tương. Đến khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, những gì tốt đẹp nhất mẹ cũng dành cho các con, khó khăn, thiệt thòi mẹ con gánh”.

Khỏe để chăm sóc nhau và tận hưởng cuộc sống

Hiện tại, ông bà đều nghỉ làm, nên có nhiều thời gian dành cho con cháu. Khi các con ở xa cần gì gọi điện. Ông bà bay vào TPHCM ngay. Đợt dịch vừa rồi, anh con út sinh cháu thứ ba, khó thuê người trông trẻ. Bà Tý đã vào TPHCM ở gần hai tháng để chăm con dâu và cháu nhỏ.

Bà Tý có tài nấu ăn và thích dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa. Bà có thể ở nhà cả tháng không cần ra ngoài vẫn luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Bà làm được rất nhiều món ăn ngon, trình bày bắt mắt, hương vị phong phú.

Đó là các loại bánh ngọt bánh mặn, các thức uống lành tính, thiên nhiên có lợi cho sức khỏe người già. Mùa đông bà làm món nướng, món hầm, mùa hè bà nấu canh mát, muối dưa…

Những vun vén nhỏ nhặt hằng ngày không những giúp bà lấp đầy khoảng thời gian rỗi rãi tuổi già, để cho tay chân và trí óc vận động, mà còn giúp chồng luôn có cảm giác đủ đầy, cơm ngon canh ngọt, được tận hưởng và sống lại với từng món ăn quen thuộc, từng khoảnh khắc từ những năm tháng tuổi trẻ…

Mâm cơm mỗi ngày đều được bà Tý bày biện ngon và đẹp
Mâm cơm mỗi ngày đều được bà Tý bày biện ngon và đẹp

 

Hằng năm, ông bà sắp xếp những chuyến du lịch xa gần. Ông Hóa để bà chọn điểm đến, hành trình tham quan và nơi ăn ở. Ông chia sẻ: “Cơ quan cũ, những người bạn cũ vẫn mời hai vợ chồng đi du lịch, nhưng tôi luôn từ chối. Đi địa hình núi rừng, bà xã không chịu nổi. Bà ấy bây giờ chỉ thích những điểm đến nhẹ nhàng, có biển hồ, sông suối”. 

“Sau này, khi tuổi lớn hơn, sức khỏe yếu hơn, ông bà có gọi các con trai về ở cùng không?”, tôi hỏi.

Ông bà chia sẻ: “Các con đã có gia đình, sự nghiệp. Các cháu và con dâu đã quen với nhịp sống hiện đại ở thành phố lớn. Chúng tôi hay nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, hai vợ chồng mình gắng sống thật vui vẻ, tự rèn luyện sức khỏe, được ngày nào hay ngày đó. Con cái đứa nào thích thì về, chứ mình không bao giờ chờ đợi, tạo áp lực làm phiền con cái”.

Mỗi ngày trôi qua, hai ông bà duy trì nhịp sống hài hòa, vui vẻ, tự do và chủ động. Họ yêu ngôi nhà của mình bởi đó là nơi ở lại, trở về đầy an lành và ấm áp sau mấy chục năm cuộc đời với những chuyến thiên di. Ấy là cuộc sống có ông có bà vào tuổi xế chiều ung dung, hòa hợp. Ông bà, ai cũng có cách yêu gia đình thật thoải mái, tự tại và tự do.

Minh Thi 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI