Câu chuyện tình yêu: Yêu chồng con nên yêu luôn cái bếp

03/04/2023 - 13:58

PNO - Cô gái cứ ngỡ mình vô sinh nên yêu anh suốt 14 năm mà cô không dám nghĩ đến đám cưới. Đến khi cưới nhau, cô vẫn thấp thỏm “nếu không có con, liệu có hạnh phúc không”. Và bé Gấu đã ra đời…

 

Bé Gấu ra đời, ngôi nhà nhỏ tràn ngập hạnh phúc
Bé Gấu ra đời, ngôi nhà nhỏ tràn ngập hạnh phúc

Em như thế nào anh cũng chấp nhận

Dù đang ở nhà thuê, căn bếp chỉ trang bị những thứ tối thiểu nhưng đó lại là niềm vui của chị Võ Thị Trinh Nhung (34 tuổi, ở quận Hóc Môn, TPHCM). Với chị Nhung, ngày ngày vào bếp không chỉ là nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ mà đó là cách chị thể hiện tình cảm với chồng con và cảm ơn cuộc đời.

Tổng thời gian quen và yêu nhau tới 14 năm, nhưng đến năm 2019 họ mới tổ chức đám cưới. Chuyện tình chị Nhung - anh Danh nhiều niềm vui nhưng cũng đẫm nước mắt. Họ quen nhau khi Nhung là sinh viên còn Thạch Hoàng Danh là chàng trai từ Trà Vinh lên phố bôn ba làm đủ thứ việc. Cảnh ở trọ và sớm phải tự lập đưa họ xích lại gần nhau hơn. Muốn tính chuyện ổn định tương lai cho 2 đứa, Danh chọn học nghề sửa chữa ô tô.

Quá khứ nghèo khó chứa nhiều kỷ niệm. Có những ngày 2 người vét túi không có nổi 10.000 đồng, con cá rô bé hơn lòng bàn tay cũng chia ra ăn 2 bữa. Khi chở nhau đi qua xe hủ tíu gõ, gánh ốc vỉa hè, họ chỉ biết kìm nén cơn thèm.

Nhưng thiếu thốn về tiền ăn, tiền trọ… chẳng thấm gì khi Nhung biết mình bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Chạy chữa khắp nơi nhưng bụng cô cứ ngày một đau. Quyết định mổ hay không mổ như một bài toán cân não với Nhung “nếu không may…”.

2 lần phẫu thuật là 2 lần Nhung nói lời chia tay, nhưng Danh lắc đầu: “Em có như thế nào, anh cũng sẽ chấp nhận”. Những ngày bạn gái nằm viện, Danh bỏ việc để chăm cô. Nhưng Danh đâu được thoải mái chăm người yêu khi Nhung không muốn công khai chuyện tình cảm của 2 người. Mơ hồ về tương lai nên cô không muốn ràng buộc anh. Bởi thế, mỗi khi có ba mẹ vào chăm, Nhung hối Danh ba chân bốn cẳng chạy đi lánh mặt hoặc tá túc tạm ở phòng bệnh kế bên.

Cho đến ngày Nhung mổ lần thứ hai, ba mẹ cô bất ngờ gặp Danh khi anh chưa kịp trốn. Hôm đó đánh dấu màn ra mắt bất ngờ của “chú rể” với gia đình nhà vợ tương lai.

Ngày cô xuất viện cũng là thời điểm 2 gia đình đặt vấn đề. Như hiểu được nỗi lòng Nhung và phía nhà gái, ba mẹ Danh đã cởi mở: “Thằng Danh nhà tôi không lấy ai khác ngoài cháu Nhung. 2 đứa có quá nhiều tình nghĩa với nhau, mong anh chị tôn trọng quyết định của 2 cháu”.

Đám hỏi và đám cưới gói gọn trong vòng 1 tháng, đi gửi thiệp mời mà mọi người nghĩ Nhung mang bầu. Đến cả Nhung vẫn còn ngờ ngợ hỏi Danh “mình đã là vợ chồng à”, bởi lòng cô vẫn thấp thỏm “liệu có hạnh phúc không, nếu mình không thể sinh con?”.

Và rồi thần may mắn đã mỉm cười, sau 1 năm chờ đợi, bé Gấu đã ra đời trong niềm sung sướng vô biên.

Với những nguyên liệu bình thường,  chị Nhung biến mâm cơm nhà thành “tác phẩm” nghệ thuật
Với những nguyên liệu bình thường, chị Nhung biến mâm cơm nhà thành “tác phẩm” nghệ thuật

Mê nấu ăn vì yêu gia đình

Từ ngày cưới vợ, cân nặng của ông chồng Danh từ 63 lên 93kg. Gặp ai, anh cũng tự hào khoe được “vợ khéo chăm”. Để toàn tâm cho gia đình, Nhung nghỉ công việc viên chức nhà nước để phụ giúp chồng mở cửa hàng. Công việc trông coi thợ thầy sổ sách, nuôi con nhỏ chiếm khá nhiều thời gian, nhưng không vì vậy mà Nhung bê trễ bữa cơm gia đình.

Nấu ăn với cô không chỉ để chồng con đảm bảo sức khỏe mà còn vì đam mê. Cô cho rằng, bữa ăn phải đảm bảo dinh dưỡng và đẹp mắt. Tự học cách tỉa rau củ trên mạng rồi mua dụng cụ về mày mò, ngày đầu còn hơi xấu nhưng về sau tay nghề đã được chồng con, bạn bè cho “thăng hạng”.

Vốn tháo vát, việc sắp xếp thời gian nội trợ của Nhung không quá khó. Buổi sáng, cô tranh thủ đi chợ lúc 5 - 6g, về nhà sơ chế qua rồi cất vào ngăn mát trước khi con dậy. Trưa đến, cô chỉ cần bỏ lên bếp kho hoặc xào…

Chồng làm công việc sửa máy vất vả, con trong độ tuổi lên 3, Nhung không chủ trương tiết kiệm nhưng không cho phép mình phung phí. Chi phí cho mỗi bữa ăn của gia đình cô dao động từ 120.000-150.000 đồng. Cô “bật mí”: “Quan trọng không phải cứ mua đồ đắt tiền mà cần phải tươi và chịu khó chế biến rồi biến tấu”.

Vẫn là những nguyên liệu quen thuộc như trứng, cá, tôm, thịt, cà chua, dưa leo… nhưng 1 tuần, cô biến tấu thành các món ăn không lặp lại. Nào là canh chua trứng cá, cá bống kho tiêu, cá he kho nước mía, tép xào bông điên điển, ba khía trộn, trứng dầm nước tương, trứng bắc thảo ăn cùng củ kiệu tôm khô…

Có vợ nấu ăn ngon, lại hiếu khách nên anh Danh hãnh diện mời bạn bè về nhà chơi. Chỉ cần báo số lượng người, tên món nhậu, anh có thể thoải mái vui cùng bạn mấy giờ cũng được mà không bị vợ càm ràm. Tài nội trợ của cô dâu phố lan về tới làng quê chồng. Nhung có thể một mình “cân” hết 8 mâm cỗ đẹp trong nụ cười mãn nguyện của mẹ chồng. Đặc biệt, sự hiếu thảo với họ hàng 2 bên khiến cô được mọi người yêu mến.

Cuộc sống dẫu còn vất vả, có khi Nhung phải ra chợ với bộ quần áo lấm lem dầu mỡ (những lúc việc nhiều mà thiếu thợ), người phụ nữ từng đối đầu với bệnh tật này luôn cười. Chị hạnh phúc khi có 2 người đàn ông đến bên cuộc đời: một người vừa là tri kỷ, vừa là chồng; người còn lại gọi cô là mẹ. Vì thế, việc được tỉ mẩn trong từng bữa cơm với mẹ Trinh Nhung chính là hạnh phúc. 

Lâm Hoàng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI