Câu chuyện tình yêu: Vợ đã 76, chồng... mãi mãi tuổi 28

03/09/2023 - 06:51

PNO - Tình yêu dành cho ông luôn là ánh sáng dẫn dắt bà đi qua mọi đau khổ, những thử thách và nuôi lớn con gái duy nhất của ông bà.

Năm 1972, khi vừa sinh con gái được 2 tháng, bà Nguyễn Thị Giỏi, tên thường gọi là Liên, đến nhà người đồng đội của chồng chơi. Tình cờ, trong cuộc chuyện trò, mẹ của người đồng đội này tiết lộ: “Hảo viết thư về, có nói Nghĩa hy sinh rồi”. Nghĩa là chồng bà. 

Ảnh cưới của bà Liên ngày lấy chồng. Họ chỉ ở bên nhau vỏn vẹn 17 ngày
Ảnh cưới của bà Liên ngày lấy chồng. Họ chỉ ở bên nhau vỏn vẹn 17 ngày.

Bà Liên chao đảo trở về nhà. Trong ngày buồn đau nhất của người góa phụ ở tuổi 25, bà đi làm về thì thấy có con đom đóm bay theo mình. Bà nói với đốm sáng lập lòe trước mắt: “Nếu là anh thì hãy đậu vào chậu hoa trước nhà”. Con đom đóm bay đến, đậu vào chậu hoa. Ánh sáng của con đom đóm những ngày sau đó đã trở thành niềm tin mãnh liệt để giúp bà vượt qua nỗi đau, một mình nuôi con gái và không nhận lời với ai khác nữa. Bà dành suốt cuộc đời để nhớ về một người chỉ gặp lại trong những bức thư.

Bà gặp ông lần đầu khi bà là cô nữ sinh trung học xinh xắn, thích tết tóc 2 bên. Một buổi đi tập bóng bàn, bà phải lòng chàng trai 18 tuổi làm nghề cơ khí. Quen nhau, bà vẫn còn rất nhút nhát và hay mắc cỡ. Những cái nắm tay run run, trống ngực đánh thùm thụp, rung động xôn xao từng bước chân.

Tình cảm của ông bà ngày càng sâu đậm cho đến 6 năm sau đó, ông phải ra trận. Trước ngày đi chiến đấu, ông có hỏi: “Em có thể tiễn anh được không?”. Điểm hẹn là ga Hà Nội không quá xa, bà cũng mong được tiễn người yêu nên đã đồng ý. Nhưng đến phút cuối, bà lại không đi. Bà sợ người khác phát hiện ra chuyện yêu đương nên tránh né. Sự chần chừ đó khiến bà day dứt đến tận bây giờ. 

Ông bà gặp lại nhau qua những lá thư. Mỗi khi có đồng đội về qua nhà, ông luôn tranh thủ viết thư cho bà. Những bức thư gửi cho "em Liên đáng yêu của anh" được ông viết từ Huế, Trung Lào cho đến Quảng Bình. Những lá thư ngập tràn nỗi nhớ nhung, người đi thì kể chuyện chiến trường khốc liệt, người ở lại kể chuyện cố gắng lao động, tăng gia sản xuất. 

Thêm cả những mơ hồ chẳng biết liệu có ngày đoàn tụ và nên duyên hay không. Trong một bức thư, ông viết:

"Hồi tháng 3/1965, anh có viết về cho em 2 lá thư mà cho đến bây giờ em vẫn còn nhắc lại… Em còn nhớ trong lá thư em gửi cho anh trước đó, em có nói rằng: “Giờ không có anh ở nhà thì không có ai nói được với ba em, ba em không đồng ý (tình cảm) giữa em với anh. Nếu không có anh ở nhà và nếu ba cứ khăng khăng như vậy thì em phải chiều ý ba”.

… Anh rất hiểu và thông cảm với em trong hoàn cảnh bấy giờ. Riêng anh thấy câu nói của em có nhiều ý lắm. Có thể là em đã yêu người khác rồi viện lý do tại ba em. Cũng có thể em mong anh về giải quyết vấn đề ấy cho xong…

… Khi em còn ở quê chưa lên Hà Nội, hình như ba em có hứa với một người cùng làng, khi nào em đến tuổi trưởng thành thì…

… Thôi thì ba em đã tìm được cho em một chỗ dựa để em gửi cả cuộc đời; còn anh thì nhà nghèo, mồ côi cha từ lúc nhỏ. Em đi xây dựng (gia đình) đó là điều anh đáng mong. Tuy anh cũng buồn nhưng nếu anh hy sinh tình cảm ấy để người khác được hưởng thì anh cũng vui lòng. Cũng như anh đi chiến đấu để tìm thấy hạnh phúc chung, đó là nghĩa vụ của anh".

Những dằn vặt, nhớ thương của ông bà rồi cũng được đền đáp. Bà dù chưa từng nói rõ là sẽ đợi chờ ông, nhưng việc duy nhất bà làm là luôn trông ngóng, một lòng một dạ hướng về phía ông. 

Tâm (bìa trái, cạnh cô là bà Liên) - cô cháu gái - luôn tự hào về câu chuyện của ông bà ngoại
Tâm (bìa trái) - cô cháu gái - luôn tự hào về câu chuyện của ông bà ngoại. Bà Liên đeo kính, đứng cạnh Tâm.

Năm 1971, ông cắt phép về nhà. Đám cưới diễn ra. “Em Liên đáng yêu của anh” trở thành vợ của ông. 17 ngày vỏn vẹn bên nhau đó là những ngày hạnh phúc tròn trịa nhất cuộc đời bà, cho đến ngày bà nhận được tin dữ.

Nay bà Liên đã 76 tuổi, còn ông mãi mãi tuổi 28. Bà sống trong căn nhà dành cho thân nhân liệt sĩ, được Nhà nước trao tặng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau 1 tai nạn lao động, bà bị hỏng 1 bên mắt. Bà cũng từng được chẩn đoán bị ung thư nhưng may mắn khối u mới chớm ở giai đoạn đầu. Ở tuổi già, bà thích những hoạt động văn nghệ, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ, cất tiếng hát trong những dịp đặc biệt, sống vui và lạc quan.

Chừng ấy năm trôi qua, tình yêu dành cho ông luôn là ánh sáng dẫn dắt bà đi qua mọi đau khổ, những thử thách và nuôi lớn con gái duy nhất của ông bà. Bà vẫn nhớ rõ từng kỷ niệm về ông, về một thời khói lửa gian truân và tự hào kể lại với thế hệ sau. 

Những bức thư ông bà gửi cho nhau được ông chép vào quyển sổ, là di sản của ông bà để lại cho con cháu
Những bức thư ông bà gửi cho nhau được ông chép vào quyển sổ, là di sản của ông bà để lại cho con cháu

Minh Tâm - cô cháu ngoại của bà, 25 tuổi - là người gần gũi với bà nhất. Tâm lớn lên với yêu thương của bà, cảm nhận rõ nhất về một câu chuyện tình đầy day dứt nhưng cũng rất đỗi tự hào: “Bà tôi chưa bao giờ hứa sẽ lấy ông nhưng bà đã lấy ông và không còn lấy ai khác. Không có lời hứa nào nhưng mọi chuyện vẫn thành hiện thực”.

Những bức thư viết tay ông bà gửi cho nhau từ 50 năm trước - từng được ông chép lại hết vào trong một quyển sổ - trở thành di sản của gia đình. Thương và muốn bù đắp cho bà thêm những điều lãng mạn, Minh Tâm luôn cố gắng làm những điều đặc biệt cho bà của mình.

Cô cháu ngoại cũng đã từng sáng tác tặng bà 1 bài hát với những ca từ vừa xúc động vừa rộn ràng: “Chỉ cần tin vào ngày mai tươi sáng. Bà là nắng mai, cả nhà mình bước qua đêm dài. Và cháu tặng bà một bài ca là lá la, la la la…”. 

Cát Tường 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI