Câu chuyện tình yêu: U.100 vẫn như đôi chim sẻ

26/08/2024 - 17:42

PNO - Tôi từng thắc mắc, một tình yêu đến ngày đầu bạc răng long có dáng vẻ thế nào. Và nhìn vào mối tình 70 năm son sắt của ông bà mình, tôi luôn thấy câu trả lời.

Ông nội tôi năm nay 93 tuổi, bà nội tôi đã 92 tuổi. Tóc ông bà đều bạc trắng, da nhăn nheo, lưng đã còng, nhưng ở cạnh nhau, ông bà vẫn tình cảm như một cặp đôi trẻ.

Có 5 người con trai và đến 3 người sống cùng thôn (ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) song ông bà không ở chung với ai. Các chú các bác thấy ông bà vẫn tình cảm, muốn có không gian riêng tư và nghĩ “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” nên chiều lòng ông bà. Hễ ông bà có việc gì thì con cái chạy sang. Các bác và chú thường đùa: "Ở gần đến mức ông bà hắt hơi cũng biết".

Ông bà tôi chụp cùng gia đình nhỏ của tôi (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Ông bà tôi chụp cùng gia đình nhỏ của tôi (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngày 3 bữa, bà vẫn nấu cơm và ăn cùng ông. Nếu bà không nấu ông sẽ vào bếp. Không bao giờ ông hoặc bà ăn cơm một mình, con cháu cho ông bà thức ăn gì đều mang qua nhà ông bà. Mọi việc trong nhà, ông bà không đợi ai giúp.

Ông luôn đưa hết tiền cho bà, dù lương hưu, tiền lì xì hay tiền ai tặng biếu. Hơn 90 tuổi, ông bà vẫn ngủ chung, thiếu hơi nhau là… thao thức. Nửa đêm, bà thường thức giấc 3-4 lần, sờ người ông rồi mới yên tâm ngủ tiếp.

Đặc biệt, khi ông bà cãi nhau, luôn có 1 người nói 1 người nghe, và dù giận thì cũng không ngủ riêng; đi đâu cũng nhớ về người ở nhà, đến bữa sẽ về, nếu bị bệnh thì thấp thỏm chăm nhau chứ không phó mặc cho con cái.

Tôi thấy rõ, tình cảm vợ chồng của ông bà là tình yêu thương, chứ không như người ta hay nói: già rồi thì sống với nhau bằng trách nhiệm hay thói quen.

Ở với nhau, ông bà như đôi chim sẻ. Bà nói chuyện, ông ngồi nghe. Bà mắng hay càu nhàu, ông... không thèm chấp, đôi khi ông viện cớ lãng tai để không phải tiếp chuyện bà. Nhưng lạ là bà bảo ông làm gì là ông làm ngay, không cần nhắc lại.

Bà tôi ngồi têm trầu và kể chuyện cho tôi nghe (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Bà tôi ngồi têm trầu và kể chuyện cho tôi nghe (Ảnh: Tác giả cung cấp)

U.100, bà vẫn kể chuyện tình yêu, mắt long lanh khi nhắc về kỷ niệm. Bà kể, 70 năm trước ông bà ở khác làng. Thanh niên trai tráng trong làng thường "giữ chặt" gái làng mình nên ông đã vượt ranh giới rất vất vả để “tán” bà.

“Ông bà phải lòng nhau, nhưng ông nghèo nên mãi mới kiếm đủ tiền làm đám cưới”, bà nói. Mỗi hôm bà kể một ít, tôi cứ xâu chuỗi lại thành câu chuyện tình yêu ngọt ngào, thi thoảng lại tủm tỉm cười vì sự đáng yêu của ông bà.

Sau khi làm đám cưới, ông đi bộ đội. Ông tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà ở nhà chăm lo kinh tế, nuôi lớn 5 con trai. Ông có nhiều huy chương, nhưng không còn giữ được qua những lần dọn nhà.

Bà đang nói với ông là có người đến mừng thọ (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Bà đang nói với ông là có người đến mừng thọ (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ông bà sống hòa thuận với xóm làng. Mấy chục năm trôi qua, chưa bao giờ ông bà để con cháu nghe điều tiếng gì. Lớn tuổi nhưng không muốn phiền con cái, ông bà đều có lương hưu và tiền hỗ trợ, nên con cái biếu thì cầm, chứ chưa bao giờ đòi hỏi.

Với con cái, ông bà chỉ khuyên nhẹ nhàng, không chì chiết hay bóng gió, cần mới nói, nói xong, con có thể nghe hoặc không, ông bà cũng không cằn nhằn. Sinh nhật, tết nhất, bà đều luôn nhớ mừng tuổi cho các cháu. Ngày các cháu cưới vợ cưới chồng, ông bà đều dành phần quà quan trọng.

Ông tôi không bao giờ chê bai, tốt xấu gì cũng im lặng hoặc chỉ nói “được”. Tính bà xởi lởi hơn, bà hay ra đền làng ngồi chơi, giao tiếp thân thiện với mọi người. Nhưng nghe xong bà ít khi "đưa chuyện" sang người khác.

Tuổi cao nhưng sức khỏe ông bà tôi vẫn tốt. Ngoài mấy bệnh người già như lãng tai, mắt mờ, đau khớp thì ông bà không có bệnh gì nghiêm trọng cả. Có 2 lần ông nhập viện. 1 lần đau gan, 1 lần lủng bao tử tưởng không qua khỏi, nhưng đến giờ thì ông vẫn… uống rượu tốt.

Mỗi sáng, ông dậy từ 4 giờ, rón rén bước để bà không thức giấc. Ông đi bộ khắp làng rồi về uống nước trà, ăn sáng. Hè cũng như đông, ông không bỏ buổi đi bộ nào. Còn bà tôi, cách đây mấy năm còn đi du lịch khắp Việt Nam, ngồi máy bay nhiều hơn tôi. Đến bây giờ, bà vẫn thích đi chơi quanh làng.

Ông bà đều ăn được, ngủ ngon, không phải thuốc men gì. Tôi nghĩ, ông bà tuổi cao mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn là nhờ tinh thần thoải mái, sống yên bình nơi làng quê, gần con cái. Các chú các bác, cháu chắt đều ổn định và tôn trọng quyết định của ông bà. Thế nên ông bà chẳng nghĩ gì nhiều, "tiền mình mình tiêu, cơm mình mình ăn", vậy thôi.

Đinh Bảo Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI