Câu chuyện tình yêu: Từ bài thơ "chọc vui" nên duyên vợ chồng

21/02/2023 - 10:30

PNO - Gặp nhau ở bến xe, tỏ tình bằng mấy câu thơ ngẫu hứng mà nên duyên vợ chồng, họ đã nắm tay nhau đi qua 55 năm thăng trầm.

Đó là chuyện tình đẹp hơn nửa thế kỷ của bác Nguyễn Đình Trình (81 tuổi) và vợ là Phan Thị An Hà ( 72 tuổi) - Việt kiều Mỹ gốc Huế.

55 năm đánh dấu một hành trình hạnh phúc của ông bà (Ảnh nhân vật cung cấp)
55 năm đánh dấu hành trình hạnh phúc của ông bà (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bài thơ vui nên duyên vợ chồng

“Em ơi, nếu em có yêu anh thì anh sẽ giao cho em. Nào là xe hơi áo tơi mũ nhựa. Cát-set, cà mèn, phèn la, trống bể. Cà rá hột xoàn khoai lang đậu phụng… Anh giao cho em hết”.

Bài thơ chọc vui nào ngờ thành lời tỏ tình của chàng trai quê trên đường lên phố gặp cô gái phố về làng. Ngày ấy, bác Trình là chàng trai từ làng lên tỉnh học việc để thoát nghèo, bác Hà phụ ba mẹ lấy trái cây từ chợ huyện về thành phố bán. Không hẹn mà gặp, họ gặp nhau ở bến xe Nguyễn Hoàng (thành phố Huế).

Chẳng biết bác gái nhận thơ nghĩ gì, nhưng cứ cuối tuần, bác trai lại hồi hộp tới bến xe đợi. Tình yêu đầu đời họ dành cho nhau nhẹ nhàng như 1 tiếng “dạ”, 2 tiếng “dạ” của o gái Huế. Họ cưới nhau và lần lượt 7 người con ra đời.

Gia tài của ông bà là những người con thành đạt và biết nghe lời (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Gia tài" của ông bà là những người con thành đạt, biết nghe lời (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cuộc sống gia đình 2 bác xáo trộn khi mô hình hợp tác xã không còn. Từ ông chủ nhiệm hợp tác xã, bác Trình thất nghiệp, họ phải làm mọi thứ lại từ đầu để chăm lo cho 9 miệng ăn. Gánh nặng cơm gạo đặt lên vai bác Trình, còn phần việc nuôi dạy con cái, chăm mẹ chồng già bác Hà gánh hết.

Thấy vợ vất vả, lâu lâu bị mẹ chồng hờn dỗi bỏ cơm, bác Trình thương lắm, nhưng phận làm con đâu thể làm phật ý mẹ già. Thanh xuân của bác gái trôi đi gắn với một gian bếp nhỏ, hễ rảnh rỗi lại tranh thủ làm mứt bánh bán để trang trải chi tiêu.

Trong kí ức của những người con, đó là thời kỳ khó khăn chất chứa kỷ niệm. Lâu lâu họ bị cha cho ăn đòn vì ham chơi, lười học. Còn mẹ cứ chiều chiều lại chiêu đãi cả nhà món bánh khoai bánh sắn. Điều đặc biệt là, dù lâu lâu bị mẹ chồng rầy la, nhưng ngày nào bác Hà cũng kho cho bà nồi cá thệ thơm ngon tươm tất - bởi đó là món giúp mẹ chồng ăn được nhiều cơm.

Lặng thầm làm, lặng thầm chịu đựng, tính nhẫn nhịn, sự tảo tần và đức hy sinh của bác Hà đã gieo vào lòng những đứa con tình yêu thương mẹ xen nỗi cảm phục.

Xa quê nhưng nét Huế và hương vị Việt luôn được ông bà nhắc nhở cháu con phải nhớ về (Ảnh nhân vật cung cấp)
Xa quê nhưng nét Huế và hương vị Việt luôn được ông bà nhắc nhở cháu con (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lên mạng học nấu ăn để chăm vợ

Khi con cái đến tuổi trưởng thành, vợ chồng bác Trình mỏi mắt dõi theo con. Con gái thứ nhì qua Mỹ, con gái út sang Đan Mạch, chị cả và con trai áp út lập nghiệp tại Sài Gòn… Con nào cũng là con, cháu nội cũng như cháu ngoại, muốn đỡ đần chút cho con cháu ở xa, vợ chồng bác Hà cùng nhau đặt chân đến những vùng đất mới.

Bác Hà không thể ngờ chuyến về thăm quê cách đây 15 năm lại là một dấu mốc về tuổi tác và sức khỏe. Đang đi lại bình thường, bác tự nhiên đau xương khớp và liệt dần, rồi nằm một chỗ.

Các con ở xa không về được, con ở gần lại tay bế tay bồng con nhỏ. Theo lời kể của anh Quý (con trai thứ sáu của bác Trình): “Đây là giai đoạn khó khăn và nhiều âu lo nhất của gia đình chúng tôi”.

Trong khi các con thay phiên nhau trông mẹ, bác Trình ở nhà lên mạng mở YouTube học nấu ăn. Sự thay đổi của bác trai khiến ai nấy bất ngờ. Bởi người đàn ông ấy chỉ quen được vợ chăm và mặc định “đàn ông lo đại sự, bếp núc của đàn bà”. Nhìn tô cháo do chồng nấu dẫu chưa nhuyễn, chưa đậm, nhưng đẫm vị tình thân, bác Hà vừa ăn vừa rơi nước mắt.

Vào bếp bây giờ đã thành niềm vui của ông (Ảnh nhân vật cung cấp)
Vào bếp bây giờ đã thành niềm vui của ông (Ảnh nhân vật cung cấp)

Mổ xong lần 1, bệnh tái phát, bác Hà phải mổ lần 2. Đại gia đình lại tiếp tục trải qua những thời khắc sợ hãi, vì các chỉ số sức khỏe của bác gái đều ở ngưỡng nguy hiểm. Nhớ lại, anh Quý không sao quên được hình ảnh mẹ nằm trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền, cơ thể gầy gò, mong manh… Nhìn mẹ qua cánh cửa sổ phòng bệnh ở Bệnh viện Trung ương Huế, anh chỉ biết thấp thỏm nguyện cầu.

May mắn là sức khỏe bác Hà dần ổn định, bác lại có thể đi lại bình thường. Điều ngạc nhiên với gia đình là thấy ba mẹ dạo này ít giận hờn nhau, ông vào bếp nhiều hơn và nhường nhịn bà thấy rõ. Họ chăm sóc cho nhau và phụ giúp con cháu những việc lặt vặt trong nhà. Mỗi sáng họ cùng nhau đi bộ, cùng nhau ăn sáng. Những lúc rảnh rỗi, ông bà gọi điện thăm hỏi con cháu rồi lại chơi đổ xăm, hát karaoke …

Hạnh phúc của họ là đi cùng nhau mọi nơi, mọi lúc (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hạnh phúc của ông bà là đi cùng nhau mọi nơi, mọi lúc (Ảnh nhân vật cung cấp)

55 năm hôn nhân trôi qua, những người con bé nhỏ năm xưa của 2 bác giờ đã trưởng thành, thành đạt. Hành trang họ mang theo là sự nghiêm nghị nhưng bao dung của cha, là vị mặn của dưa cà mắm muối từ đôi tay tảo tần của mẹ. Dù ai nấy tóc đã hoa râm, dù cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng hễ có dịp ba mẹ về quê, họ lại í ới gọi nhau sum họp. Về để được nghe “Sơn - Đà - Đỏ - Đen - Bé - Xí - Na ơi, cơm mạ nấu rồi, tụi bay mau về ăn nhé!”.

Lâm Hoàng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI