Chàng đọc thơ nàng bằng từ điển
Cách đây hơn 10 năm, Quỳnh tuổi 30, theo bạn bè nhận xét, tâm hồn Quỳnh khá bay bổng nhưng cô lại rất tỉnh táo trong chuyện yêu đương. Bertrand là người nước ngoài đầu tiên Quỳnh nói chuyện. Cô biết khá nhiều bạn Tây và Việt kiều, nhưng chưa bao giờ cảm thấy những người bạn đó hợp với mình. Quỳnh có mẫu đàn ông cô chọn làm chồng sẽ giống ba cô - người đàn ông tuyệt vời, luôn yêu thương các con, gieo cho các con tình yêu sách, yêu thơ ca. Ba cô có nhiều ý tưởng trong cuộc sống ảnh hưởng đến việc lựa chọn một người đàn ông để đi đến hôn nhân của Quỳnh.
|
Quỳnh Iris, Bertrand de Prelle và 2 con trong trang phục áo dài Việt Nam |
Quỳnh và Bertrand có 1 người bạn chung trên Facebook. Trong một dịp sinh nhật, người bạn ấy đăng hình chụp chung với Quỳnh và các bạn. Bertrand nhìn hình, như bị trúng tiếng sét ái tình khi thấy một phụ nữ có đôi mắt rất sáng. Anh lập tức vào xem profile của cô, thấy cô là nhà sản xuất phim độc lập, nhà thơ, anh lại càng thấy thú vị.
Đợt đó, Facebook của Quỳnh đã chạm mốc 5.000 bạn nên không thể kết bạn thêm. Bertrand viết vài dòng tự giới thiệu bản thân và gửi cho Quỳnh qua tin nhắn. Quỳnh cũng trả lời hết sức chừng mực. Họ trò chuyện về phim ảnh, thơ ca, nghệ thuật như bạn bè.
Anh ngày ngày vào Facebook để đọc thơ của Quỳnh, rồi anh email cho Quỳnh kể chuyện bản thân, về công việc… Lúc đó, Quỳnh phải bay ra bay vào giữa TP Hà Nội, TPHCM và các nơi nên cô luôn trả lời email rất chậm và rất ngắn. Một hôm Quỳnh nhận được email của Bertrand, nói rằng anh đã đọc thơ Quỳnh rất nhiều và anh đã dịch chúng sang tiếng Pháp. Điều làm cô ấn tượng là anh không biết tiếng Việt nên anh đọc thơ của Quỳnh bằng từ điển.
2 người trò chuyện qua tin nhắn và email tầm vài tháng thì bất ngờ Bertrand nói anh có ý định sang Việt Nam thăm Quỳnh. Thế là cô thu xếp thời gian và báo sẽ đón anh. Lúc đó, Quỳnh cũng không biết rằng chỉ sau đó 1 tháng, cô sẽ sống ở một đất nước khác.
Một sự lựa chọn đúng
Ngày Quỳnh đi đón Bertrand ở sân bay, cô thấy anh hết sức chỉn chu và tươi tỉnh, không giống bộ dạng của một người vừa trải qua chuyến bay dài từ Bỉ đến Việt Nam. Thì ra anh chàng vào nhà vệ sinh để chuẩn bị hình ảnh thật tốt để “ra mắt” Quỳnh. Quỳnh nhớ lại: “Lần đầu nhìn thấy bạn ấy, tôi biết ngay đấy là chồng mình”.
2 người có thời gian ngắn ở TPHCM, rồi đi du lịch Hội An, Sa Pa và các nơi khác. Trên đường đi, mọi thứ rất dễ chịu và họ rất hợp nhau trong ăn uống, thưởng thức văn hóa bản địa cũng như giải trí… Bất ngờ hơn, khi đến Việt Nam lần này, Bertrand mang theo đầy đủ giấy tờ mà thủ tục của đại sứ quán yêu cầu để mời Quỳnh sang Bỉ.
2 người vừa đi chơi xuyên Việt vừa hoàn thành các thủ tục để đưa Quỳnh đi cùng anh. Trong chuyến đi, họ ghé về quê Quỳnh ở Thanh Hóa để ra mắt ba mẹ Quỳnh và Bertrand ngỏ lời cầu hôn Quỳnh trước mặt ba mẹ, nên cả nhà vô cùng ngạc nhiên.
Ba mẹ Quỳnh hết sức bất ngờ vì “đùng một cái” Quỳnh báo tin chuẩn bị đi nước ngoài, sẽ lấy chồng. Tuy ba mẹ cô lo lắng, nhưng thấy con gái hạnh phúc ngập tràn, ông bà cũng yên lòng.
Khi được hỏi quyết định kết hôn quá chóng vánh, Quỳnh phải tạm gác công việc, rời quê hương, đến một đất nước lạ và bắt đầu cuộc sống mới, liệu có giống như Quỳnh đang đánh cược với số phận không, Quỳnh khẳng định: “Không phải là đánh cược mà đó là một sự lựa chọn đúng. Đúng người. Anh ấy tìm thấy tôi và tôi thấy anh ấy phù hợp. Anh ấy ở châu Âu, tôi ở châu Á, khác nhau và xa nhau về địa lý, nhưng nói chuyện với nhau cực kỳ hợp. Cái đúng nữa là đúng thời điểm. Khi đó, tôi đã ngoài 30 tuổi, xác định kết hôn thì cũng sẽ chấp nhận được những trục trặc nếu có. Cho nên sự lựa chọn này là một sự tương hợp”.
Tập trung vào mục tiêu gia đình
Việc đầu tiên vợ chồng Quỳnh sang Bỉ là kết hôn và tổ chức đám cưới. Bạn bè của Quỳnh rất ấn tượng với hình ảnh hôn lễ được tổ chức trong vườn đầy thân tình và ấm áp. Cô dâu sánh bước bên chú rể trong chiếc áo dài cách điệu giản dị và dễ chịu.
Sau đám cưới, Quỳnh không cuống cuồng đi tìm việc làm. 2 vợ chồng xác định tập trung vào mục tiêu sinh con. 5 năm sau, khi 2 bạn nhỏ đã cứng cáp, Quỳnh bắt đầu chuyên tâm sáng tác và tham gia các chương trình đọc thơ. Ông xã hết sức hỗ trợ để vợ có nhiều thời gian học và sáng tác.
Đến nay, Quỳnh đã có 5 tập thơ và 1 tiểu thuyết được xuất bản. Những tác phẩm ấy có mặt tại Thư viện Quốc gia Pháp, các thư viện trường đại học danh tiếng của Mỹ, Úc, châu Âu và giành các giải thưởng nho nhỏ. Quỳnh nói: “Để có được thành quả như hôm nay, anh bạn chung nhà đóng vai trò rất quan trọng”.
Quỳnh chia sẻ: “Gia đình mình là một “team”, một “ê kíp” rất hiểu nhau. Tất cả việc của gia đình, việc của chồng, việc của vợ, việc học và vui chơi của con… chúng tôi đã lên lịch cơ bản cho cả năm, thời gian nào làm việc gì. Dựa trên đó, khi có lịch học của con thì ba mẹ sẽ có lịch chi tiết, thu xếp làm sao để vừa làm tốt những việc riêng và có thể đón con, vui chơi cùng nhau. Vợ chồng chúng tôi phối hợp ăn ý, cùng nhau đi đến mục tiêu. Tính tôi rất cởi mở và thoải mái nên rất hợp với ba mẹ chồng. Cứ cuối tuần, các thành viên gặp gỡ ở nhà ba mẹ chồng hoặc nhà tôi, thỉnh thoảng đi chơi cùng nhau. Điều quan trọng nhất là bọn trẻ bắt đầu lớn lên lại mang sắc thái, văn hóa giàu có của Việt Nam lẫn Bỉ nên ông bà rất vui”.
|
Quỳnh cùng 2 con và ba mẹ chồng trong một chuyến đi chơi |
Không có ý định thay đổi nhau
Khi được hỏi, một bà vợ nhà thơ và một ông chồng nhà khoa học sống với nhau thì có nhiều khác biệt không và có muốn thay đổi nhau không, Quỳnh trả lời: “Chúng tôi không có ý định thay đổi nhau, vì sự khác biệt chủ yếu là ở đặc điểm giới mà thôi. Tuy tôi có thiên hướng nghệ thuật, nhưng từ nhỏ đã quan tâm đến các vấn đề khoa học. Anh ấy dù làm về khoa học tự nhiên nhưng có sự nhạy cảm về nghệ thuật, am hiểu về nghệ thuật. Sự khác biệt chỉ là đặc điểm giữa đàn ông và phụ nữ. Đàn ông tư duy đơn nghĩa và máy móc, phụ nữ thì linh động và thích ứng nhanh. Tôi nghĩ, chính sự mềm dẻo của phụ nữ khiến mình trở nên quan trọng. Quan trọng không có nghĩa là mình điều khiển, dẫn dắt mọi thứ mà là mình cân bằng được. Trong gia đình, mọi người đều bình đẳng và sự bình đẳng đến từ giá trị của mỗi người”.
Giữa vợ chồng họ không hề có đòi hỏi nào từ phía người còn lại. Cả hai đều biết đặt mình vào người khác để suy nghĩ và hành động. Khi sống với nhau, Bertrand luôn đổ rác để vợ khỏi phải qua nhiều cửa đến tầng hầm, không phải khiêng nặng.
Hôm nào mệt, Quỳnh ăn nhanh đi nghỉ sớm, chồng ăn chậm hơn thì rửa chén. Quỳnh thức khuya viết sách thì chồng dậy sớm lo cho con ăn uống và đưa đi học. Bertrand hay đàn những bản nhạc phim vợ thích. Họ cùng đọc chung sách và xem chung phim, cùng con tìm hiểu về giới tính… 2 bạn nhỏ giống ba mẹ ở khoản say mê cuộc sống.
Ba mẹ chồng rất tự hào về nàng dâu Việt Gia đình chồng của Quỳnh là gia đình trí thức quý tộc nên mọi người rất coi trọng người từ nơi xa đến, khác biệt văn hóa. Chính điều đó làm họ cảm thấy họ càng giàu có về văn hóa hơn, vì họ sẽ hiểu thêm văn hóa Việt Nam. Họ càng tự hào hơn nữa là con dâu làm trong ngành sáng tạo, làm thơ và làm phim. Thế nên trong quá trình dịch thơ của Quỳnh, mẹ chồng - một giáo viên ngôn ngữ - giúp cô chỉnh sửa để có bản dịch hoàn chỉnh nhất. Ba chồng làm trong ngành tư pháp nhưng đọc nhiều sách văn chương nên cũng góp ý cho các bản dịch của con dâu. Trong một lần Quỳnh đọc thơ ở một liên hoan văn hóa, cô đọc bản tiếng Việt và ba chồng cô đọc bản dịch bằng tiếng Pháp, nên mọi người trong liên hoan đều hiểu và nhận thấy thơ Việt Nam thật thú vị. |
Nguyệt Cát