Câu chuyện tình yêu: Người vợ nhỏ bé cõng ông chồng cao lớn

07/10/2022 - 05:55

PNO - Một người phụ nữ thấp bé, ân cần chăm sóc, dìu đỡ người đàn ông cao to ngồi trên xe lăn. Đó là hình ảnh rất quen với mọi người tại Trung tâm Y tế H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Khi hoạn nạn, vợ chồng họ càng thắm thiết bên nhau.

Cách đây hơn 30 năm, anh Phan Văn Thông và chị Nguyễn Thị Lành yêu và kết hôn tại xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bốn đứa con hai trai, hai gái lần lượt chào đời khiến ngôi nhà nhỏ thêm vui vẻ, ấm áp. 

Để có tiền nuôi con, ông chồng siêng năng với công việc thợ hồ, bà vợ cần cù buôn bán ve chai. Vợ chồng cùng hoan hỉ dựng vợ gả chồng cho ba người con lớn. Trong nhà, còn lại cậu con trai út đang học lớp 12. Chồng 57 tuổi, vợ 56, cả hai thanh thản bước vào tuổi già. 

Rồi cách đây hai năm, tai họa bất ngờ ập đến. Thường ngày, tầm 6 giờ tối là anh Thông đã về nhà, nhưng hôm ấy gần 7 giờ tối, vẫn không thấy anh đâu. Chị Lành sốt ruột gọi điện hỏi thì nghe tin chồng đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Chị Lành hết lòng chăm sóc chồng
Chị Lành hết lòng chăm sóc chồng

 

Sau khi xong việc phụ hồ, anh Thông bị tai nạn giao thông trên đường về nhà. Bác sĩ chẩn đoán anh bị chèn tủy, dẫn đến liệt toàn thân, chân tay mất cảm giác, tay chân không vận động được. 

Từ một người đàn ông khỏe mạnh, rắn chắc, giờ anh Thông vận động, di chuyển phải nhờ vợ con. Lúc đầu, anh nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Sau đó, anh được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, nằm ở đây được hai tháng, đến gần tết thì anh về quê. Chỉ hai tháng mà số tiền chạy chữa, phẫu thuật, các vật dụng cần thiết đã lên đến vài trăm triệu đồng. 

Chị Lành tâm sự: “Đối với gia đình chúng tôi, vài trăm triệu là một số tiền rất lớn. Chồng đi làm thợ hồ, vợ đi buôn bán ve chai. Ngày kiếm được nhiều nhất, tiêu xài xong còn dư được khoảng 200.000 đồng. Nhà chỉ có vài sào ruộng đủ ăn, con cái lập gia đình cũng chẳng đứa nào dư dả. Lúc đó tôi phải vay mượn người thân, hàng xóm mới đủ để chữa trị cho anh Thông và còn nuôi thằng út ăn học”. 

Người phụ nữ có thân hình nhỏ thó, chỉ nặng 45kg, cao 1,5m khuôn mặt khắc khổ liên tục bật khóc khi nhắc về những ngày tháng đã qua. Chị bảo, có lúc cảm thấy kiệt sức, tưởng không thể vượt qua được, nhưng rồi nhìn chồng nén đau đớn để cười, vợ lại có thêm động lực để cố gắng bước tiếp. 

Mỗi ngày, chị Lành thức dậy từ 5 giờ sáng, nấu ăn cho chồng, con. Xong bữa sáng, chị ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức và máu lưu thông. Hôm nào, thấy chồng tạm ổn, vợ tất tả ra đường với gánh ve chai. 

Chị bảo: “Chồng nặng 70kg, còn vợ chỉ chưa đến 45kg, nên vất vả lắm tôi mới có thể cõng chồng từ giường ra ghế ngồi. Có hôm cậu con trai út phụ, có hôm một mình tôi cũng phải ráng hết sức cõng, vì để anh nằm lâu trên giường, người càng cứng, lưng lại lở loét, tôi thương lắm, không đành lòng”. 

Qua tết, nghe lời khuyên của mọi người, chị Lành đưa chồng đến điều trị ở trung tâm y tế huyện cho gần nhà, đỡ chi phí đi lại và ăn uống, lại có các con thay nhau chăm sóc. Tại đây, anh Thông được châm cứu, làm các thiết bị điện và tập luyện. Sau gần tám tháng, nhờ phương pháp châm cứu, tay chân anh dần có cảm giác. Với sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên, từ trạng thái người cứng đơ, anh đã có thể đi với khung tập luyện dưới sự giúp đỡ của vợ. 

Thế nhưng, vì chỉ nằm, ngồi một chỗ lâu nên anh phát sinh nhiều bệnh. Biến chứng ra bệnh đường huyết cao, đau mắt, cơ mỏi… Chị Lành nói: “Riêng thuốc chống mỏi cơ của anh, ngày hai viên, mỗi viên 13.000 đồng. Tốn đủ thứ tiền, nhưng tôi không tiếc, chỉ mong sao anh mau hồi phục”.

Anh Thông đã có thể di chuyển với cái khung
Anh Thông đã có thể di chuyển với cái khung

 

Trước khi bị tai nạn, vợ chồng anh chị luôn “nhiều chuyện” với nhau sau một ngày vất vả. Bây giờ, chồng bị bệnh, vợ càng yêu thương, chăm lo và “tám” với chồng nhiều hơn. Chị nói: “Vợ chồng sống với nhau đã hơn 30 năm, ngoài tình yêu còn cái nghĩa sâu nặng lắm”. 

Anh Thông nghẹn ngào: “Trước đây vợ chồng cùng gánh vác, giờ một mình vợ lo toan tất thảy. Chăm chồng đã vất vả, còn phải lo con trai út vẫn đang tuổi học. Thấy vợ xong việc nhà lại tất tả với gánh ve chai, tôi càng thương vợ hơn, tôi phải cố gắng thôi”.

Cậu con út của anh chị những buổi không học, vào viện trông cha để mẹ đi làm. Buổi tối, trong ngôi nhà nhỏ, vợ tỉ tê trò chuyện, chăm sóc chồng, con trai ngồi học. 

Suốt hai năm kể từ ngày chồng bị tai nạn, chị Lành vừa vui vừa tủi nhớ lại: “Vợ thì thấp và yếu, còn chồng thì cao to, nằm như bất động. Tôi phải gồng hết sức mình mới trở người chồng được, để anh được nằm nghiêng. Bây giờ thì chồng có thể tự trở mình được rồi, tôi chỉ đỡ anh ngồi dậy thôi”.

Anh Thông tâm sự: “Tôi mặc cảm lắm chứ. Nhiều lúc thấy bản thân thật vô dụng, muốn buông xuôi đến đâu thì đến, không muốn là gánh nặng của vợ con. Bạn bè đến thăm, tôi vừa vui vừa tủi. Nhưng nhờ tình cảm và sự chăm sóc tận tình của vợ con, tôi thêm động lực để cố gắng tập luyện hằng ngày. Bây giờ, tôi có thể đi được trên chính đôi chân của mình dưới sự giúp sức của khung đỡ. Rồi sẽ có ngày tôi bỏ cái khung ra. Biết là không được khỏe như trước kia nhưng tôi phải tự lo cho bản thân mình, để vợ con bớt khổ”.

Nghe chồng nói, chị Lành rưng rưng: “Chồng cứ nói thế, tôi khổ đâu mà khổ. Vợ chồng mà kể công, kể khổ gì. Chồng tiến bộ, tôi vui lắm!”. 

Vân Trình

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI