Câu chuyện tình yêu: Ngày nào cũng viết thư cho vợ

15/09/2022 - 06:00

PNO - Muốn nhắn bà điều gì, ông sẽ viết một lá thư nhỏ với dòng chữ ngắn gọn, lại cũng có những lá thư dài.

Đó là thói quen của ông Lê Đồng. Muốn nhắn bà điều gì, ông sẽ viết một lá thư nhỏ với dòng chữ ngắn gọn: “Nhờ bà sấy giúp ông quần áo trong máy giặt”, “Ông đã cho dầu, muối rồi bà nha”…

Cũng có những lá thư dài như:

“Bà Phương ơi,

Ông lâu nay ngủ quá ít. Khi đêm, đến 3g10, bà thức dậy đi vệ sinh, ông vẫn chưa chợp mắt. Tình trạng đó cho đến lúc này đã là 6g. Ngồi dậy để lại mấy dòng này nhằm thông báo mức độ xuống cấp của ông. Bà - người có tâm đã chấp nhận ông, giúp ông không ngần ngại mấy chục năm nay. Ông thầm cảm ơn bà lắm đó. 

Bảy giờ ông khởi hành đi nhận trợ cấp. Nếu bà hành quân đến Bệnh viện Việt Xô được, khoảng 9g, ông đón bà tại điểm xe buýt, lên xe số 19 kỳ trước. Nếu bà bận việc, bà thông báo để ông biết mà lo việc của mình.

Chúc bà ngày mới mọi sự như ý mình nha bà!
Từ trước đến nay, nhiều lúc làm phiền lòng bà, nhân dịp này ông xin lỗi chân thành nha bà!

Chào vợ yêu thương!

Sáng 15/8, lúc 6g15

Lê Đồng”.

Chồng trầm tính, vợ sôi nổi nhưng họ luôn bên nhau
Chồng trầm tính, vợ sôi nổi nhưng họ luôn bên nhau

 

Gần bốn thập kỷ, những lá thư tay của ông gửi cho bà dù ở xa hay gần thì vẫn luôn vẹn nguyên thương yêu như vậy. 

Bà Nguyễn Thị Phương kể: “Tôi sinh ra ở Nghệ An nhưng ngày trẻ đi học Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ở Lâm Đồng. Một lần về quê, tôi tình cờ gặp ông Đồng. Khi đó, ông đang làm việc ở Nghệ An. Lần gặp đầu tiên, chúng tôi như bị “tiếng sét ái tình”. Cả hai đều hướng về nhau, nhưng tôi ra trường, công tác ở Đà Lạt. Những năm đó, điều kiện đi lại rất khó khăn, điện thoại cũng chưa có, ông Đồng đến tận nhà cha mẹ tôi tự xin làm con rể rồi gọi luôn là “cha mẹ” dù cả hai chưa có lời hứa hẹn kết hôn”.

Ông Đồng hỏi địa chỉ của người con gái trong mộng để có thể viết thư cho bà. Sau hàng trăm lá thư được gửi đi gửi lại trong suốt ba năm, ông bà quyết định tổ chức đám cưới. Năm 1986, vừa kết hôn xong bà vẫn quay trở lại Đà Lạt đi dạy. Đến nửa năm sau, bà mới xin được về quê nhà để có thể ở bên cạnh ông. 

Cuộc hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu nồng cháy của tuổi trẻ nhưng cũng phải trải qua không ít những sóng gió khi chung sống. Có nhiều giai đoạn ông lo việc cơ quan, không có thời gian chia sẻ việc gia đình cùng vợ. Kinh tế gia đình khó khăn, đồng lương của cả hai vợ chồng khi đó rất eo hẹp. Bà sinh hai cô con gái trong khi ông là con trai trưởng nên cũng áp lực về việc cần phải có con trai nối dõi…

Những tin nhắn viết tay hằng ngày của ông Đồng gửi cho vợ
Những tin nhắn viết tay hằng ngày của ông Đồng gửi cho vợ

 

Bà kể, bà từng nghĩ đến cảnh không thể vượt qua được và phải bỏ cuộc. Nhưng rồi bà đã tự vực chính mình và tin rằng tất cả thử thách rồi sẽ qua đi, chỉ cần bản thân không ngừng nỗ lực. Bà quyết tâm kiếm thêm thu nhập bằng nhiều cách, tranh thủ kỳ nghỉ hè để chạy chợ bán hàng khô, trồng rau, chăn nuôi, may áo quần… Ông cũng luôn bên cạnh hỗ trợ động viên và không bao giờ có tư tưởng cần phải sinh thêm con trai. Với ông, con nào cũng là con. 

Đền đáp cho những nỗ lực của bà, hai cô con gái ngày càng lớn lên ngoan ngoãn, xinh đẹp và giỏi giang. Quãng thời gian đầy gian truân rồi cũng qua. Sau khi các con tốt nghiệp đại học và ở lại Hà Nội làm việc, ông bà theo con ra thủ đô sinh sống. Gia đình nhỏ ngày nào nay đã có thêm hai anh con rể thương ông bà như con trai và ba cháu ngoại xinh xắn, đáng yêu. Hơn hết, tình thương vẫn luôn ở lại đó, neo đậu giữa ông bà.

Dù nhiều lệch pha…

“Bao nhiêu năm, ông không tiếc với vợ con điều gì, kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa cho vợ giữ. Tôi luôn chủ động đưa tiền để ông mua những gì ông cần. Tính tình vợ chồng có nhiều điểm khác nhau nhưng cả hai vẫn luôn cố gắng chăm sóc cho nhau. Chồng trầm tính, vợ sôi nổi. Ông thích nghe thời sự, bà lại thích ca nhạc vui tươi. Ông ăn chay, bà ăn mặn… Dù nhiều điều lệch pha nhưng trong những chuyện lớn lại luôn đồng nhất quan điểm”, bà Phương kể.

Ông thương yêu và chiều chuộng bà nhưng ít khi nói bằng lời mà thường thể hiện bằng hành động hoặc qua những lá thư tay. Còn bà, nhiều khi không nói ra được, nhưng trong lòng lúc nào cũng thương yêu ông. 

 

Đến nay, bước sang tuổi 60, bà Phương vẫn tập luyện và giữ niềm đam mê với yoga. Việc tập luyện giữ cho bà sức trẻ, năng lượng tươi mới và luôn thấy mình là “người nhiều tuổi” chứ không phải là “người già”. Còn ông dù hơn vợ 12 tuổi, nhưng luôn cố gắng để tập thể dục mỗi ngày và chăm sóc bà để bù đắp cho những thiệt thòi ngày trẻ. 

Sáng nào, ông cũng thức dậy sớm, làm rau rửa sạch, để bà chỉ việc nấu. Ông làm thật nhẹ nhàng để không làm mất giấc ngủ của vợ và để lại mảnh giấy nhỏ cạnh bếp, khi bà dậy nấu ăn sẽ đọc được. Bà đọc, nấu cơm canh xong nhưng thường cất lại tờ giấy đó chứ không nỡ bỏ đi... 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI