Hùng Rộ và Thiên Nhiên cùng nhau bước lên “sàn đấu” với “đối thủ K máu” |
Nắm tay nhau “đi tìm sự sống”
“Hùng Rộ” là nickname của Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 1985), quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - ung thư máu đang điều trị ở Viện Huyết họcTruyền máu Trung ương (Hà Nội). Còn “Thiên Thiên” là Nguyễn Thị Thiên (sinh năm 1987) ở TP.Vinh.
Hùng và Thiên cưới nhau năm 2013 và có một cậu con trai tám tuổi, tên ở nhà là Putin. Câu chuyện “diệt K” của vợ chồng Rộ - Thiên nhận được nhiều quan tâm cũng như lan tỏa của cộng đồng mạng.
Sáng 28/10/2019, bác sĩ chẩn đoán máu của Rộ có vấn đề. Chẩn đoán đó thành sự thật vào ngày hôm sau. Khi biết tin, người Rộ đầm đìa mồ hôi, toàn thân lạnh toát và Rộ đổ ập lên vai Thiên. Lần đầu bước lên “sàn đấu” với “đối thủ K máu”, Thiên nói rằng Rộ bị một cú tối sầm mắt mũi.
|
Gia đình nhỏ của Hùng Rộ - Thiên Nhiên |
Thiên Thiên kể trong cuốn Trăng mật ở viện: “Hai đứa ra xe, ngồi nhìn nhau mà không thể nói với nhau được lời nào. Một lát sau, Thiên nói vợ chồng hãy đi đâu đó một lát, khóc cho vơi bớt rồi hãy về nhà với con trai. Và sau đó, nhất định không được rơi một giọt nước mắt nào nữa. Thế là Rộ lái xe, đi xa cách bệnh viện khoảng hơn 1km rồi dừng bên đường. Hai vợ chồng ôm nhau, khóc như chưa bao giờ được khóc... Hai đứa bắt đầu nói với nhau những điều như lời sau cuối. Rộ dặn Thiên, nếu ngày nào đó Rộ không còn nữa, Thiên cần phải sống ra sao…”.
Nhưng từ những ngày đầu bỡ ngỡ, tập tành làm quen với bệnh tật, là “lính mới” trong cuộc chiến chống K, cho tới hôm nay, Rộ trở thành đã trở thành “chiến binh” ở viện với thâm niên gần bốn năm. Còn Thiên, từ người vợ chỉ biết khóc và hoảng sợ khi nghe tin chồng bị bệnh, giờ đây, đã biết “đùa” khi nhận mình là “cán bộ nguồn trong diện quy hoạch”. Nghĩa là, hễ chồng lên cơn đau, Thiên xem đó là “lệnh điều động”, sẵn sàng cùng chồng “chiến đấu” bạo bệnh bất cứ lúc nào.
Thiên gọi thời gian gần bốn năm qua của hai vợ chồng là hành trình “đi tìm sự sống”. Tạo hóa như “trêu đùa”, thử thách và dội vào họ một nỗi đau lớn, như không muốn họ sống tiếp nữa; thì họ nắm tay nhau “đi tìm sự sống” từng giây, từng phút. Họ thì thầm động viên nhau: “Phải biến yêu thương thành sức mạnh”. Có nhiều lúc tuyệt vọng, mệt mỏi, chán nản, muốn buông xuôi, ngồi khóc nức nở như một đứa trẻ bị cuộc đời bạc bẽo, Rộ gạt nước mắt đi. Rộ tự dặn mình: “Buồn chán tí vậy thôi, chẳng gì phải yếu đuối cả”.
Có những ngày ánh sáng “chảy tràn”
Thiên gọi những ngày ở viện cùng Rộ là “kỳ trăng mật dài ngày”. Dù phải đang tiết kiệm, dành dụm tiền để chữa bệnh cho Rộ, nhưng hễ ở viện, họ đều thích cắm hoa mỗi ngày. Rộ và Thiên nói, có hoa thì không khí phòng bệnh tươi vui khác hẳn, thấy cuộc đời sáng hơn. Có hoa, người bệnh cũng yêu đời, người nhà cũng được an ủi phần nào. Có hoa, cuộc đời đang nghiệt ngã, bầm dập, cũng “trở nên tươi tắn như hoa”.
Thiên kể, ở viện, hễ người bệnh khỏe lên “ti tí” là người nhà lại ới nhau ra hành lang nói chuyện. Họ kể về sở thích, chia sẻ khoảnh khắc chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam và động viên nhau cùng cố gắng, ung thư chưa phải là hết. Họ kể nhau nghe những tấm gương “diệt K” để “thấy cả một trời hy vọng cho người thân của mình”. Có bác vẫn khỏe và điều trị từ năm 1986 đến giờ. Có chị cũng đã hơn chín năm, có anh hơn năm năm mới tái phát…
“Cuộc sống của chúng ta vẫn đang tiếp tục với biết bao khó khăn, vất vả. Em gọi đó là sự trưởng thành mà không phải ai cũng may mắn gặp được”. (Trích Trăng mật ở viện) |
Hay như chuyện “tướng đánh K” tên Đôn. Bác phát hiện bị ung thư máu cấp tính năm 2011, “chết đi sống lại”, đến nay bác vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và lan tỏa tinh thần tích cực cho những người “đồng bệnh”.
Ở viện, hai vợ chồng nằm bên nhau, cất điện thoại sang một bên, kể chuyện ngày xưa cho rôm rả. Họ nói với nhau những chuyện vui, tránh những người hay than thở, họ cười đùa cho ngày bớt dài và bớt buồn. Hay sau một đợt điều trị kéo dài được về nhà và ngủ trên chiếc giường quen thuộc, Rộ vừa ôm con trai vào lòng vừa mở mắt, thư giãn, hưởng thụ ánh sáng ban mai, nghe đám chim chích chòe, chim sẻ, chim vành khuyên tíu tít. Rộ lắng nghe tiếng thở đều, ngắm nhìn hai mẹ con thật lâu. Những khoảnh khắc đời thường, quý giá và êm dịu như tan chảy muốn rớt nước mắt. Như Thiên nói, được về nhà là hơn cả hạnh phúc.
Cuộc chiến chống K của họ là một cuộc chiến “ngoằn ngoèo, lên rồi lại xuống, hy vọng rồi lại thất vọng, lạc quan rồi sợ hãi”. Nhưng trên hết thảy, có nhiều ánh sáng của những con người tưởng chừng bị đẩy đến đường cùng vẫn không ngừng tiến về phía trước. Ánh sáng của tình yêu, tình cảm gia đình, của những người chung hoàn cảnh… Của lòng yêu cuộc đời, yêu cuộc sống chưa một ngày tắt lạnh… Có những lúc không kiềm chế được, Thiên chạy ra ngoài hành lang đứng khóc. Rộ thấy mắt Thiên đỏ hoe nhưng vờ như không thấy. Yêu trong sự im lặng hơn cả vạn điều. Họ cũng thấy nhiều những cái nắm tay: của chồng - vợ, của những người bệnh, của những người nhà bệnh nhân với nhau… Chỉ cần nắm lấy tay nhau, là không còn cảm giác chông chênh nữa.
|
Những ngày ở viện của họ không thể thiếu hoa |
Trở về từ cõi sáng
Facebook của vợ chồng Hùng Rộ và Thiên Thiên, như một nhật ký ghi lại những ngày “diệt K” của họ. “Đó là hành trình chiến đấu với K máu đầy yêu thương, nước mắt, hạnh phúc. Nhưng là một kỳ nghỉ trăng mật tuyệt vời vô cùng đáng nhớ”, Thiên viết Trăng mật ở viện, cũng là những chữ Thiên và Rộ đặt cho cuốn “tiểu thuyết ngôn tình” của họ, những ngày có lẽ không thể nào quên. Cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Nghệ An hỗ trợ in, phát hành quý III năm nay.
Thiên kể, Thiên ngồi làm bản thảo cho Trăng mật ở viện chính vào những lúc Rộ nằm bê bết, mệt đến nỗi không muốn nhếch môi lên để cười, hỏi không muốn nói, xoa dịu cũng chẳng cần, nằm nhắm mắt li bì trên giường, tai đeo dây nghe những bài giảng về Phật pháp, và những chai truyền dịch, hóa chất, kháng sinh vẫn cứ dịu dàng đưa vào người...“Những lúc ấy, chính là lúc cảm xúc trong Thiên dâng trào, không biết phải làm sao để có thể bình yên trôi qua những khoảnh khắc đau lòng ấy. Khi đó, Thiên viết. Và chỉ có viết mới giúp Thiên nhẹ nhàng đi qua những thăng trầm ở viện như thế...”.
Khi đọc Trăng mật ở viện, có một chi tiết tôi ám ảnh, đó là trên đường về nhà, cậu bé Putin hỏi ba Rộ: “Người chết có sống lại được không?”. Khi nghe câu trả lời “không” từ ba, cậu bé, mới tí tuổi, đã nói như một ông cụ non: “Rứa thì lúc gần chết, ta cầu xin ông trời cho ta trở về từ cõi sáng nha ba”. Lúc đó, Rộ im lặng, bất ngờ vì không hề biết con trai để ý ba từng đọc cuốn sách Trở về từ cõi sáng do Nguyên Phong dịch. Câu nói của Putin không những làm Rộ phải ghi lại cho nhớ, mà làm cả những người đọc như tôi trở nên “suy nghĩ và bộn bề ra phết”. Trở về từ cõi sáng, hay nói một cách khác đi, có khi nào là quay trở vào bên trong lòng mình, hiểu và sáng rõ mọi sự, để giữ được một tâm thái bình an với cuộc đời? Tôi nghĩ, Hùng Rộ và Thiên Nhiên đã có câu trả lời của riêng mình.
Khi lướt trang Facebook của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, vô tình thấy video ghi lại Hùng Rộ hát Mùa chim én bay. Giọng hát nhẹ nhàng, trữ tình, có phần run run: “Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/ Cây nảy mầm chồi xanh, mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ”… Rộ ơi, Thiên ơi, qua mùa đông này, mùa xuân tới, chim én sắp lại bay về rồi.
Đậu Dung
“Bí kíp” sống vui cùng K của vợ chồng Rộ - Thiên: 1. Chấp nhận sự thật. Khi chấp nhận được, những thứ khác sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn.2. Tinh thần của người bệnh lẫn người nhà hãy luôn vững tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.3. Tin tưởng y học chính thống và đừng bỏ qua thời gian “vàng” trong điều trị.4. Hãy ăn uống một cách đầy đủ nhất. Cân bằng, đủ chất, đủ lượng.5. Nếu mệt mỏi, đừng chỉ nằm. Hãy vận động trong khả năng của mình.6. Hãy cố gắng ở bên người bệnh 24/24g.7. Cười tươi mỗi ngày.8. Đừng giấu bệnh, giấu bản thân mình trong “vỏ ốc”. Hãy chia sẻ vì điều đó rất có giá trị.9. Triệt tiêu ý nghĩ tiêu cực.10. Sống trọn vẹn mỗi ngày.11. Đọc sách.12. Giữ tinh thần “chiến binh”. | Bí quyết của họ là cười mỗi ngày, sống trọn vẹn mỗi ngày |
|