Câu chuyện tình yêu: Giận nhau lại lôi hình cưới ra xem

24/02/2024 - 08:58

PNO - Những bức hình chụp vào ngày cưới tôi không quá lung linh, lộng lẫy, thế nhưng lại thể hiện được bầu không khí thân thương, sum vầy.

Vì buổi tiệc được tổ chức ngay tại sân nhà nên không gian rạp cưới không được trang trí lộng lẫy với đèn, nến, hoa tươi. Mọi thứ từ bánh kem, rượu, phông màn, tôi đều chọn gói “phổ thông”. Khách mời, ngoài bạn bè và đồng nghiệp của tôi từ thành phố còn có rất đông những ông, bà, bác, dì, chú, thím cùng làng. Họ đều là những nông dân quanh năm vất vả đồng áng, bận bịu mùa màng. Để đến chúc phúc cho tôi vào giờ tiệc sớm, có khi ai đó còn phải bỏ dở nửa mảnh ruộng đang cày.

Hôm ấy, cô dâu mới là tôi luôn duy trì tâm trạng tốt nhất: môi cười, ánh mắt hân hoan chờ đón giờ phút được rước về nhà chồng ở Huế để bái gia tiên, chính thức cùng người thương bước vào vun đắp một chặng đời mới.

Ngay tại gian giữa của ngôi nhà 3 gian truyền thống, tôi được ông ngoại trao cho một món quà cùng lời dặn dò: “Bạn nghèo thuở trước chớ quên. Vợ chồng kham khổ, cố gắng mà gánh gồng phụ nhau”. Các cậu, dì, anh chị cũng lần lượt tiến lên trước để chúc phúc.

Một trong những tấm ảnh cưới của vợ chồng tác giả
Một trong những tấm ảnh cưới của vợ chồng tác giả

Lấy chồng phương xa, nhiều lần tôi nghe được mấy câu hỏi thăm kiểu “Huế mặn hay Huế ngọt?”. Ý mọi người là làm dâu Huế có khổ không. Người Huế có khó tính, cầu kỳ không? Có khi tôi giải thích, nhưng có khi tôi chỉ mỉm cười, im lặng.

Tôi chưa bao giờ thấy mình khổ khi được gả vào một gia đình người Huế coi nặng chuyện gia phong. Ngược lại, tôi thấy mình may mắn, trưởng thành hơn khi được sống trong một nếp nhà hài hòa, mọi thành viên luôn biết kính trên nhường dưới.

Bác Mai - anh của ba chồng tôi - năm nay bước qua tuổi 84. Người bác nhỏ nhưng vầng trán rộng, đôi mắt tinh anh. Bác có hơn 50 năm nghiên cứu kinh dịch. Bác thường ứng dụng những hiểu biết của mình vào nhiều lĩnh vực như thiên văn, thời tiết, phong thủy, nhân mệnh…

Trong ngày ra Quảng Trị rước dâu cách đây 11 năm, bác đã đại diện họ nhà trai tiến hành những thủ tục, nghi lễ xin dâu cần thiết và đúng trình tự.

Sau này, mỗi lần có dịp ghé nhà tôi chơi, bác hay dặn dò, “mách nước” về cách bố trí bàn thờ, cách sắp xếp các yếu tố đất - nước - lửa trong nhà để giúp giữ gìn hòa khí, nâng cao nguồn năng lượng tích cực.

Bác dành nhiều thời gian để trò chuyện với cha mẹ và cả vợ chồng tôi về đạo hiếu, về cách ứng xử giữa người với người. Bác bảo, chỉ cần chăm chỉ, biết sống bao dung, nhường nhịn nhau thì mối quan hệ nào cũng sẽ thuận duyên, mang đến phúc khí. Còn nếu hơn thua, đua đòi, đứng núi này trông núi nọ thì sớm muộn cuộc sống gia đình cũng rơi vào cảnh bấp bênh, tạm bợ, vợ chồng dang dở, con cái lêu lổng.

Sau hơn 10 năm chung sống, mỗi lúc lạnh nhạt, vợ chồng cãi nhau, tôi thường đem những bức hình chụp vào ngày cưới ra xem. So với những bộ ảnh của bạn bè, cuốn album của tôi chẳng có gì quá lung linh, lộng lẫy, thế nhưng chúng lại thể hiện được bầu không khí đoàn viên.

Ông ngoại trao quà cưới và dặn dò cô dâu (tác giả)
Ông ngoại trao quà cưới và dặn dò cô dâu (tác giả)

Khoảnh khắc khoác lên mình bộ áo dài cưới, tay đồng ý đeo nhẫn đính hôn, tôi không chỉ có một gia đình nhỏ để nâng niu, vun vén mà còn có một đại gia đình để nương tựa, giữ gìn. Gia đình ấy như cây đại thụ mang bộ rễ lớn, nhiều tầng tán vững chắc. Những cái nắm tay thật chặt của ông, bà, cậu, dì, chú, bác, của các anh chị vào hôm cưới không chỉ thể hiện niềm yêu thương mà còn là lời gửi trao thắm thiết. Tôi chính thức trở thành một cành nhánh, tháng năm trôi qua cần vững vàng, “nắn nót” để nuôi lớn thêm những mầm xanh.

Hiện tại, nhà tôi có rất nhiều album ảnh, nhưng tôi luôn trân trọng, giữ gìn thật kỹ cuốn album hình cưới. Những bức hình có ý nghĩa như những “lá bùa” giúp vợ chồng tôi hóa giải hờn giận, mâu thuẫn, bớt đi những quyết định nông nổi, vội vàng. 


Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI