|
Đôi bạn luôn bên nhau từ những ngày đầu gian khó |
Kết hôn khi còn đi học
Tháng 8/2007, sau khi tốt nghiệp cấp III, Hoài Thu từ Quảng Trị chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em. Hoài Thu ở nhờ trong căn nhà nhỏ của gia đình chị gái gần bến xe trung tâm thành phố. Tại đây, Hoài Thu làm quen với anh Khánh Tùng là đồng nghiệp, đồng thời là bạn thân của anh rể, cũng đang ở nhờ nhà.
Trong khoảng thời gian quen biết, nhận thấy Hoài Thu chăm chỉ, hiền lành, Khánh Tùng nhiều lần khuyên Thu nghỉ việc, về quê ôn thi để năm sau tiếp tục theo đuổi giấc mơ học hành. Năm lần bảy lượt, cuối cùng Hoài Thu cũng về. 1 năm sau, Hoài Thu nhận giấy báo trúng tuyển, trở thành tân sinh viên Trường đại học Quảng Bình.
Hoài Thu nhớ lại: “Sau khi hoàn tất thủ tục nhập học, tôi bắt đầu tỏa đi các hướng tìm thuê phòng trọ nhưng những nơi tôi đến đều treo biển hết phòng. Tôi còn giữ số anh Tùng nên gọi điện cho anh nhờ vả. Anh đem xe máy đến chở tôi đi khắp nơi, rong ruổi nửa ngày trời vẫn không có phòng. Cuối cùng, anh gợi ý tôi chuyển đến nhà anh sống.
“Nhà anh rộng rãi, ba mẹ lại bán hàng nên nếu ngại, em có thể một buổi đi học, một buổi giúp ba mẹ anh” - anh Tùng nói với tôi”.
Thời gian ở chung nhà, Hoài Thu xem Khánh Tùng như anh trai, còn ba mẹ Tùng thì quý mến cô bé từ quê lên vừa trung thực vừa tháo vát. Thế nhưng, sau khi ở được vài tháng, những người hàng xóm gần nhà Tùng bắt đầu xì xầm tại sao trong nhà có con trai lớn mà lại để con gái lạ vào ở chung.
Không chịu được lời ra tiếng vào, ba mẹ Khánh Tùng đề nghị Thu chuyển ra ngoài thuê trọ. Chị kể: “Khi ra ở trọ, mỗi lần tôi buồn vì xa quê, nhớ nhà, anh Tùng liền đến đưa đi chơi, đi ăn. Mỗi lần tôi cần kê cao, vác nặng hay giúp đỡ bất cứ việc gì, anh đều có mặt không nề hà. Dần dần, từ chỗ quý mến, thiện cảm nhau, tình cảm giữa chúng tôi phát triển thành tình yêu”.
Có một điều trớ trêu, khoảng thời gian Hoài Thu và Khánh Tùng còn là bạn bè bình thường thì ba mẹ Tùng rất thương quý Hoài Thu nhưng khi hay tin 2 người công khai trở thành cặp đôi, ông bà lại ra sức ngăn cấm. Sâu xa, họ không muốn con trai mình thành đôi với một cô gái nghèo xuất thân từ một vùng quê cách trở, heo hút.
Đôi trẻ yêu nhau quyết tâm lấy nhau bằng được. Tháng 10/2010, họ chính thức trở thành vợ chồng sau thủ tục đăng ký kết hôn. Lúc đó, Hoài Thu vẫn còn là sinh viên ngành thư viện, Khoa Mác - Lênin, Trường đại học Quảng Bình.
Mối quan hệ không được thừa nhận
Vì ba mẹ chồng không ủng hộ nên Hoài Thu và Khánh Tùng đến với nhau mà không có đám cưới. Không có váy cưới, không hoa tươi, không đưa đón dâu…, họ chỉ đưa nhau đi chợ mua ít thực phẩm rồi tự tay nấu mấy mâm tiệc mời bạn bè thân thiết, coi như buổi lễ ra mắt.
Thu và Tùng cứ tưởng sau khi đăng ký kết hôn là đã mở được cánh cửa quan trọng nhất để đưa nhau về chung sống nhưng họ đâu biết rằng bóng tối lúc đó mới thực sự bắt đầu. Suốt thời gian dài sau đó, mẹ chồng không những không nguôi ngoai, tác hợp mà ngược lại, bà phủ nhận con dâu mọi lúc, mọi nơi.
Hoài Thu cố gắng nhẫn nại, chịu đựng bao nhiêu, thế nào, bà cũng không vừa mắt. Bà luôn tìm cớ để trách móc chị. Hoài Thu lo lắng đến nỗi tinh thần bất ổn. Ở chung nhà nhưng chị chỉ thấy an toàn, nhẹ nhõm mỗi lần được rút vào phòng riêng.
Tháng 6/2011, Hoài Thu tốt nghiệp. Cũng thời điểm này, chị sinh con trai đầu lòng. 2 năm sau, vợ chồng chị có thêm bé thứ hai.
Xuất phát từ tình yêu sâu đậm nhưng vì bất chấp việc không được thừa nhận vẫn đến với nhau, cả Khánh Tùng và Hoài Thu đều phải trả giá bằng gần 10 năm sống trong cuộc hôn nhân giày vò, khủng hoảng.
Hoài Thu kể: “Chồng tôi không bỏ tôi một mình chịu đựng những trách móc của mẹ nhưng ngoài những câu động viên kiểu “Thôi, em cố gắng chịu”, “Cố gắng kiên nhẫn hơn”, anh chẳng biết làm gì khác. Cả tôi và anh đều còn quá trẻ. Tôi lúc đó chăm con nhỏ, không có việc làm. Anh Tùng cũng chỉ phụ buôn bán với ba mẹ, chưa có kỹ năng làm ba. Chúng tôi hoàn toàn không lường được sự phức tạp của một cuộc hôn nhân không được thừa nhận. Tôi ám ảnh đến nỗi chỉ cần nghe tiếng xe máy mẹ từ xa đi làm hay đi chợ về là ngay lập tức chỉ muốn chạy trốn. Có những lần, tôi mệt mỏi, chán chường đến mức không kiểm soát được hành động. Có lúc tôi rời nhà đi lang thang vào lúc 2g sáng mà không cần biết mình đi đâu”.
|
Hoài Thu và Khánh Tùng (giữa) trong bữa tiệc tự tổ chức ra mắt bạn bè, ảnh chụp năm 2010 |
Thay đổi
Sau này, khi các con dần lớn, Thu xin vào làm trong các homestay, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Đồng Hới. Trong khi làm, dù chỉ là chân bưng bê, dọn phòng nhưng chị rất tinh ý, chịu khó học hỏi. Chị quan sát cách đón đưa, chăm sóc, giữ chân khách hàng. Chị bỏ thời gian tìm hiểu bài bản, đến nơi đến chốn những kiến thức về du lịch, thị trường du lịch.
Mỗi ngày, dù làm việc chân tay đến rã rời, về nhà còn chăm con, lo cho nhà chồng nhưng chị đều đặn thức dậy vào lúc 4g sáng để học ngoại ngữ. Chị học thêm giao tiếp tiếng Anh, tiếng Đức…
Một lần, thấy khách có nhu cầu thuê xe máy, chị liền chớp cơ hội cho họ thuê luôn chiếc xe máy đang dùng rồi đi bộ về nhà. Một thời gian sau, Hoài Thu xin nghỉ làm, bàn với chồng đi tìm các căn hộ cho thuê, cải tạo, mở homestay, nhà nghỉ. Nhận thấy nhu cầu thuê xe máy cao, chị vay tiền ngân hàng mua 10 chiếc xe mới, mở luôn dịch vụ Cho thuê xe máy số 1 Quảng Bình rồi tự mày mò học về marketing để lập trang, viết bài quảng cáo, truyền thông cho cơ sở của gia đình.
Hiện tại, Hoài Thu và Khánh Tùng có trong tay vài căn hộ, homestay, khách sạn, nhà nghỉ cho thuê. Riêng dịch vụ cho thuê xe máy của chị đã phát triển số lượng lên gần cả trăm chiếc, bao gồm cả những thể loại xe phượt, địa hình đắt đỏ nhất.
Chị chia sẻ: “Tay ngang làm du lịch, vợ chồng tôi từng gặp rất nhiều khó khăn. Có giai đoạn các đối thủ thấy chúng tôi làm ổn nên kiếm cớ đến tận nhà gây hấn, dọa dẫm, đập phá. Giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, cả mấy năm trời vắng khách, chúng tôi phải nghĩ cách cầm cự, duy trì”.
Hoài Thu kể cho tôi nghe một danh sách dài những nghề phụ của chị: trồng rau, nuôi gà, sửa nón bảo hiểm, lái xe dịch vụ, môi giới bất động sản, bán bảo hiểm, bán hàng online…
Lối sống nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng và ý chí phấn đấu không ngừng không chỉ giúp chị tự chữa lành những tổn thương cũ mà còn thay đổi thái độ, cách nhìn của ba mẹ chồng. Những căng thẳng, khoảng cách được thế chỗ bởi yêu thương, quan tâm, lo lắng.
|
Gia đình chị Hoài Thu trong chuyến du lịch Hạ Long tháng 8/2023 |
Hoài Thu tự hào: “Cơ ngơi của chúng tôi bây giờ ngoài sự quyết đoán, nỗ lực của tôi còn có sự chung tay, hỗ trợ của anh Tùng. Anh ấy rất chăm làm, ham làm, suốt ngày chỉ biết đến công việc. Anh có lối sống tiết kiệm, không chưng diện, nhậu nhẹt, chơi bời. Sáng nào anh cũng dậy từ 4g chuẩn bị xong xuôi mọi đồ tập, dụng cụ. Nửa tiếng sau tôi sẽ dậy rồi cùng đến phòng gym. Khi trở về, trong khi chờ anh làm đồ ăn sáng, tôi bắt đầu lo sổ sách, công việc ngày mới. So với những đau khổ từng trải qua, cuộc sống hiện tại chính là một giấc mơ đối với tôi”.
Qua câu chuyện của Hoài Thu và Khánh Tùng, tôi nhận ra, để giữ được tình yêu cần rất nhiều sự nỗ lực, nhẫn nại, như việc ta phải thắp lên thật nhiều ngọn lửa bởi khi ánh sáng có mặt, bóng tối mới tan đi.
Minh Thi
- Ảnh do nhân vật cung cấp