Câu chuyện tình yêu: Dù giận nhau, vợ chồng vẫn như “lửa gần rơm”

26/07/2022 - 11:57

PNO - Ngày ngày, họ tất bật đi làm, đưa con đi học, về nhà cùng chăm bếp lửa cơm nóng. Tối tối, khi các con đã yên giấc, họ dành cho nhau khoảnh khắc riêng tư, nâng niu nhau, nồng nàn như cặp tình nhân.

Anh chị ngày cưới
Ngày cưới của cô dâu mê áo lính

Anh thích áo trắng, nàng mê áo lính

Vào đầu năm 2014, anh Chử Văn Hữu quen cô Trần Thị An qua một người bạn. Nhiều bạn bè của anh thắc mắc vì sao anh chàng ít nói, hay mắc cỡ lại tán được cô nàng nói nhiều, uống giỏi rượu bia. Cô làm nghề phiên dịch tiếng Trung Quốc, thích bay nhảy, đang chờ cơ hội sang nước ngoài làm việc.

Quả thật An quen biết nhiều chàng trai thích ngâm thơ, mê trà đạo, nhưng cô lại chọn Hữu, chàng trai ba không: không hút thuốc lá; không cờ bạc; không rượu chè. Lần đầu ngồi cạnh nhau, cô ngạc nhiên: “Ơ anh ơi, anh sao thế?”. Anh thật thà nói: “Ngồi cạnh con gái, anh run quá”. 

Cô nghĩ: “Đàn ông trong sáng như anh bây giờ thật hiếm”. Cô thích ngắm anh: “Cao 1,75m, mặc quân phục, giống soái ca”. Còn Hữu lại thích vì “em mặc áo dài trắng đẹp quá, tóc dài, nụ cười hiền lành, thơ ngây…”.

Nhiều bạn bè, người thân nhắc An: “Lấy chồng lính khổ lắm. Có khi xa nhà mấy tháng. Lại nghèo nữa, suy nghĩ lại đi!”. An cũng băn khoăn nhưng rồi cô thương chàng quân nhân trong sáng vô tư. Cô nhận ra: “Chẳng lẽ chỉ vì nghề nghiệp của anh mà lại chối bỏ tình cảm? Chọn một người nên chọn cái nết, cái tâm cơ mà?”. 
Cô gái phiên dịch hoạt bát và chàng quân nhân hiền lành yêu nhau một năm rồi quyết định về chung một nhà. 
 

Vợ quân nhân - đời đơn thân

Khi An có thai lần đầu, cô phải vào cấp cứu vì sinh thiếu tháng. Hữu không thể dành nhiều thời gian bên vợ. Nhìn các bà vợ mỗi lần đi khám có chồng bên cạnh vỗ về, An không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, cô tự nhủ: “Phải thông cảm cho chồng lính, không thể dễ dàng chạy về…”.

Trong ba năm sinh hai con, sức khỏe của An giảm sút. Đồng lương quân nhân của chồng không nhiều, trong khi An thường xuyên nghỉ việc chăm con nên cuộc sống rất khó khăn. 

Khi đưa con đi viện cấp cứu do nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu, An phải bán đi sợi dây chuyền, quà cưới bố mẹ đẻ tặng, cô vô cùng buồn tủi. Vào năm 2019 công việc thay đổi, An mất sức phải nằm viện bảy ngày, chồng lại ở xa, một mình đi thuê nhà trọ, con gửi bố mẹ đẻ trông giúp. Quãng thời gian đó thực sự tồi tệ, có lúc An rơi vào trầm cảm. 

An cảm thấy có lỗi khi để cha mẹ phải lo lắng, xót xa. Năm 2020, cô đi khám sức khỏe và phát hiện bị tiền ung thư vòm họng. Lúc đó, chồng cô suốt bốn tháng dịch giã không được về nhà. Dù buồn, nhưng An vẫn cố một mình chèo chống, làm trụ cột kinh tế nuôi con, chăm sóc gia đình. 

Hạnh phúc đơn sơ của anh chị bên hai cô con gái
Hạnh phúc đơn sơ của anh chị bên hai cô con gái

Tìm điểm chung giữa hàng trăm điểm khác nhau

Biết vợ ở nhà vất vả, biết con thiệt thòi, biết bố mẹ hai bên đã già, Hữu rất áy náy, nhưng anh gạt qua đau buồn nung nấu khao khát “phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống này”. Thế là anh quyết tâm đi học, hy vọng có kiến thức chuyên môn để xin chuyển công tác về gần nhà, hỗ trợ vợ con và báo hiếu. 

Sự nỗ lực học hỏi của anh đã có kết quả tốt. Anh tốt nghiệp bằng giỏi và hiện là giảng viên tại Học viện Hậu cần (Hà Nội) quân hàm thiếu tá. Cuộc sống gia đình bớt phần cơ cực. An có thêm nhiều thời gian hơn cho công việc và phát triển bản thân. Hiện cô tập trung cho một doanh nghiệp nhượng quyền sức khỏe và phiên dịch tiếng Trung Quốc. 

Thấm thoát đã tám năm bên nhau, bé lớn bảy tuổi, bé nhỏ bốn tuổi và An vừa sinh con thứ ba. Dẫu vẫn có nhiều thách thức phía trước, nhưng hôn nhân của họ hạnh phúc theo chuẩn mực của riêng họ. 

Sau tám năm chung sống, Hữu và An càng hạnh phúc hơn
Sau tám năm chung sống, Hữu và An càng hạnh phúc hơn

Khi được hỏi về bí kíp xây dựng và gìn giữ tình cảm vợ chồng, An chia sẻ: “Dù có chuyện gì đi nữa, giận nhau tím mặt nhưng đến tối thì lại… như lửa với rơm. Mọi chuyện tồi tệ không được đưa vào phòng ngủ. Đó là nơi để vợ chồng nương tựa nhau, vỗ về, chống chọi với giông bão bên ngoài, phải trân trọng và dành cho nhau những giờ phút thăng hoa”.

“Mỗi khi quá bức xúc, tôi dừng lại, ngẫm nghĩ về lý do chọn anh ấy. Khi chung sống rồi, anh ấy có khác xưa không? Dẫu anh ấy chưa làm gì nhiều cho vợ con nhưng bản chất anh là người tử tế, tốt bụng, có hiếu với bố mẹ. Thế nên, khó khăn chỉ là tạm thời, mình cần phải vượt qua”, An nói tiếp. 

Dẫu có bận rộn đến đâu, An cũng ý thức chăm sóc bản thân để mang lại cho chồng xúc cảm nồng nàn, mới mẻ. Ngay cả khi mang bầu hay sinh con, làm mẹ bỉm sữa, cô vẫn luôn ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, thơm tho. Bệnh của An giảm dần do dinh dưỡng tốt và tinh thần lạc quan.

An nói cô thích nằm trong lòng chồng để được vỗ về, âu yếm. Người chồng giản dị, thật thà nhưng lại mang cho cô cảm giác là chỗ dựa tinh thần vững chãi. An thổ lộ: “Tôi hiểu mình là cô gái làm anh ấy “run rẩy” ngay từ buổi đầu và giờ vẫn vậy, nên dẫu có vất vả, dẫu có chịu thiệt đôi chút, tôi vẫn vui”. 

Khi Hữu chuyển công tác về gần nhà, anh có điều kiện chăm sóc gia đình nhiều hơn. Anh không quản ngại bất cứ việc gì trong nhà. Giữa An và Hữu có đến hàng trăm điểm khác nhau. Nhưng khi đã chọn về chung một nhà, chọn đồng hành cùng nhau, họ tìm điểm chung. Họ học cách chấp nhận thói quen của nhau, học cách lựa nhau để “kê cho vừa”, học cách trân trọng tình cảm “chúng ta là duy nhất của nhau”. 

Khánh Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI