|
Anh Nguyễn Văn Vân và chị Đặng Thị Diệu sau giờ làm việc, rảnh tay là tranh thủ gọi điện hỏi thăm ba má cùng con gái |
Nên duyên nhờ… rác
Hỏi chị Đặng Thị Diệu vì sao ưng anh Nguyễn Văn Vân, chị mỉm cười: “Tại có duyên”. Theo anh chị, mối duyên đó là nhờ… rác.
Đầu năm 2000, 27 tuổi, chị Diệu rời quê ở Châu Thành A, Hậu Giang lên TPHCM làm công nhân may, phụ ba má lo cho 3 đứa em ăn học. Còn anh Vân đang là tài xế xe chở rác của Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn, ngày ngày ghé Công ty may Kim Thành - nơi chị Diệu làm việc - lấy rác. Anh nói: “Không hiểu sao, công nhân ra vô tấp nập, vậy mà tôi vừa gặp cổ đã ưng nên tôi canh giờ cổ đi làm ghé ngang lấy rác”.
Anh Vân ở Hóc Môn, TPHCM, gia đình đông anh em, lớn hơn chị Diệu 6 tuổi. Ban đầu, chị Diệu e ngại lắm. Thấy “tấn công” trực tiếp không hiệu quả, anh Vân đi “đường tắt”, tìm về quê chị Diệu để làm quen với ba mẹ của nàng. Sự chân thành, mộc mạc của người công nhân vệ sinh khiến ba mẹ chị Diệu ưng bụng. Hơn 1 năm sau, chị Diệu được ba mẹ gả đi mà vẫn còn chưa tin mình đã có chồng.
Anh Vân là con trai lớn, còn đến 6 người em, gia đình khó khăn. Vợ chồng cùng đi làm cả ngày về không có chỗ riêng để nghỉ ngơi nên chỉ vài tháng sau cưới, anh xin má cho ở riêng. Thương con, thương dâu, má anh đồng ý.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ham làm lụng ấy thoải mái chưa bao lâu thì chị Diệu cấn bầu. Sinh con xong, anh Vân được chuyển về làm công nhân quét rác ở Đội vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh Môi trường Chợ Lớn, Công ty TNHH Môi trường Đô thị TPHCM.
Thấy vợ còng lưng ngồi máy may cả ngày, lương lại thấp hơn bên ngành rác, anh khuyên vợ chuyển nghề. Nghe lời chồng, chị Diệu quyết định gửi con về cho ba má chị ở Hậu Giang.
Chị Diệu nói: “Thiệt cũng không muốn xa con, nhưng mỗi ngày, 17g, vợ chồng đều phải vào ca quét rác, đến tảng sáng hôm sau mới về tới nhà. Con gái đã gần xong tiểu học, bỏ con ở nhà một mình làm sao yên tâm được. Dưới quê, các em đều đã lấy chồng, lấy vợ ở riêng, ba má cũng buồn, nên thôi, đành gửi con gái để yên tâm đi làm. Tiền lương hằng tháng lo cho con, cũng gửi thêm cho ba má có thu nhập”.
Nhờ “rảnh tay chân” anh chị toàn tâm toàn ý lo cho công việc. Nhiều năm liền anh Vân là chiến sĩ thi đua, chị Diệu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2021, anh Vân tình nguyện vào các khu cách ly để lấy rác giữa mùa đại dịch. Nhờ những hy sinh thầm lặng đó, đầu năm 2022, anh được vinh danh Cây chổi vàng toàn quốc (lần thứ ba, giải thưởng mỗi 2 năm 1 lần, vinh danh các công nhân xuất sắc của ngành vệ sinh môi trường toàn quốc).
Chị Diệu kể: “Nghe tin chồng được giải thưởng, tôi mừng khóc luôn. Ảnh có đến 33 năm cống hiến cho ngành, nay được vậy, ai cũng khen xứng đáng. Ba má tôi dưới quê cũng mừng. Ba cứ nói, ông nhìn con rể trúng thôi là trúng mà”.
Tình yêu bắt đầu từ... mùa dịch
Đôi Lưu Tiến Phát và Nguyễn Thị Thanh Vũ còn lãng mạn hơn thế hệ đàn anh trong nghề. Phát kể, mùa dịch 2021, anh đi lấy rác và tình nguyện mua thực phẩm giúp người dân ở các khu cách ly. Tình cờ, anh gặp Vũ - nhân viên một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở huyện Hóc Môn.
Ngày ngày đặt hàng, nhận hàng, giao hàng, nhắn tin vì công việc; sau mấy tháng mùa dịch, tin nhắn của họ đã thay bằng những lời yêu thương ngọt ngào. Anh chàng công nhân quét rác quả cảm, nhiệt tình đã làm rung động trái tim cô nhân viên siêu thị. Vừa hết mùa dịch, Phát xin mẹ mang trầu cau ra Ninh Thuận hỏi cưới Vũ.
Riêng chuyện cưới thôi, đôi vợ chồng trẻ ấy đã làm cả đội vệ sinh Tân Phú xôn xao. Trong đám cưới nhỏ gọn mà trang trọng ấy, cô dâu chú rể trong bộ đồng phục công nhân vệ sinh đón khách. Vũ tôn trọng và rất quý công việc của chồng. Chị nói, nhờ có những người như anh, thành phố mới được sạch sẽ, an toàn hơn trong mùa COVID-19. Bộ đồng phục đẹp vậy, làm đồ cưới càng thêm ý nghĩa.
Sự trân trọng và ngưỡng mộ của Vũ dành cho công việc, nghề nghiệp của chồng không phải không có cơ sở. Năm 2024 này, Phát là công nhân vệ sinh duy nhất của TPHCM vinh dự nhận danh hiệu Cây chổi vàng cùng 8 đồng nghiệp khác trên toàn quốc.
Thực ra, Phát thâm niên chỉ 8 năm, nên khi anh được đề cử nhận giải thưởng Cây chổi vàng lần thứ 4/2024 này, đến cả mẹ anh (cô Huỳnh Thị Tý - Đội phó Đội vệ sinh Tân Phú - nơi Phát đang công tác) cũng còn nghi hoặc.
Cô Tý nói: “Thành tích của Phát không nhiều lắm…“. Thế nhưng ông Huỳnh Thanh Toàn - Đội trưởng Đội vệ sinh Tân Phú - chắc chắn: “Công nhân thâm niên nhiều, nhưng người xốc vác, có tinh thần trách nhiệm, nhiều sáng tạo để tiết kiệm nguyên liệu, cải tiến thiết bị để thuận tiện trong công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, lại xông pha lấy rác nơi tuyến đầu mùa dịch như Phát thì kiếm không dễ”.
Ngày 19/1/2024, Phát được nhận giải thưởng Cây chổi vàng, một đồng đội khác cùng đơn vị được danh hiệu Cây chổi đồng. Đơn vị bội thu trong niềm vui chất ngất.
Có chuyện gì đâu mà phải cãi nhau?
2 cặp vợ chồng, 2 thế hệ công nhân ngành rác, nhưng quan điểm về tình yêu, hạnh phúc của họ thật giống nhau. Chị Diệu nói: “Hồi con gái, tôi cũng mơ mộng nhiều, nhưng nhà nghèo quá, chỉ mong lấy người thương mình để… mình thương lại họ và cùng gìn giữ gia đình. Khi gặp anh rồi, anh nói, hạnh phúc thì phải chung tay. Tôi thấy đúng”.
Mỗi ngày, vợ chồng chị Diệu rời nhà lúc 16g hơn, để 17g vào ca trực. Anh làm việc ở tuyến đường Bờ Bao Tân Thắng - Tân Quý, chị chịu trách nhiệm vụ quanh chung cư Tây Thạnh. Miệt mài mấy tiếng đồng hồ với hơn 9.000m đường, đến rạng sáng hôm sau anh chị mới xong việc.
Diệu nói: “Cãi nhau hả? Có gì đâu mà cãi. Làm cực lắm nên về đến nhà là mệt rũ, chỉ còn biết nhìn nhau cười; hỏi có đau tay, nhức chân gì không, cùng xoa bóp cho nhau…”. Anh Vân nói, có bữa mệt quá cũng cáu chớ, mà cáu rồi nghĩ, ừ, người kia cũng mệt, mình cáu làm gì. Vậy là lăn ra ngủ thôi.
|
Anh Lưu Tiến Phát và chị Nguyễn Thị Thanh Vũ trong trang phục cưới độc đáo ở lễ cưới cuối năm 2021 |
Khác đôi vợ chồng cao tuổi mà… son rỗi, Phát và vợ vất vả hơn bởi con gái còn nhỏ quá. Phát nói: “May là Vũ chuyển nghề may, nên không còn theo ca cực như hồi làm nhân viên siêu thị. Sáng vợ đi làm, tôi ở nhà chăm con gái”. Nhắc chuyện chăm con, người cha trẻ cười hớn hở: “Hồi bé còn nhỏ xíu thì dễ nha. Mấy nay con ăn dặm, tôi lúng túng một phen. Giờ an tâm rồi, cháo thịt, cháo rau, tôm cá gì tôi nấu được hết.
Bữa nào mệt quá thì… ra xe cháo dinh dưỡng cầu cứu. Mà nhờ có mẹ cũng làm cùng ngành, sáng mẹ cũng rảnh nên mẹ trông con gái giúp tôi; bởi ngoài chuyên môn, tôi còn là bí thư Đoàn của chi nhánh nên cũng lu bu phong trào nữa”.
Với Phát, chuyện gìn giữ mái ấm như một trách nhiệm thiêng liêng. Anh nói: “Từ nhỏ tôi đã sống trong gia đình tan vỡ. Cha ham bài bạc, một mình mẹ gồng gánh nuôi tôi và em gái ăn học. Mẹ quét rác hơn 30 năm. Anh em tôi nhờ vào đôi tay tảo tần đó của mẹ mà khôn lớn. Tôi tốt nghiệp cao đẳng điện lực, em gái tôi cử nhân sư phạm, giờ là cô giáo mầm non. Chỉ là, tôi học ngành điện, việc làm không ổn định lắm nên cách đây 8 năm, tôi rẽ theo nghề của mẹ tới giờ. Giờ tốt rồi, có gia đình rồi. Tôi cũng không chủ quan đâu. Tôi phải bồi đắp hạnh phúc của mình từng ngày”.
Chúng tôi hỏi vui Phát và anh Vân về giải thưởng 2 chỉ vàng dành cho người đoạt giải Cây chổi vàng, các anh đã làm gì, xài hết chưa. 2 anh cứ tủm tỉm cười không nói. Chị Diệu nói: “Đâu mà xài. 2 ông này quyết rồi, không ai được đụng tới vàng của mấy ổng đâu. 2 chỉ vàng đó, mấy ổng nói làm của hồi môn cho con gái”.
Cũng thật ngẫu nhiên, cả 2 người vợ của 2 “Cây chổi vàng” đều không ai phản đối quyết định của chồng, bởi lẽ các chị đã trân trọng, yêu quý thật nhiều nghề nghiệp của các anh. Có lẽ, thâm tâm các chị muốn con gái cũng yêu quý và trân trọng công sức lao động cùng sự hy sinh của cha mình.
Diễm Chi