Câu chuyện tình yêu: Đã chọn thương…

15/05/2024 - 16:11

PNO - Ông bà sống với nhau như đôi bạn nhảy, cứ ông tiến lên, bà lùi lại, bà tiến lên, ông lùi lại, nhịp nhàng và uyển chuyển dìu nhau qua hết chông gai này tới gian nan khác.

Ông bà nội của tác giả luôn bên nhau, thường đưa nhau đi đây đó
Ông bà nội của tác giả luôn bên nhau, thường đưa nhau đi đây đó

Ông bà nội tôi gặp nhau khi đôi bên mới chỉ 18. Anh nông dân tỉnh lẻ và cô gái gốc Hà thành, chẳng biết ông Tơ bà Nguyệt dẫn lối thế nào mà nên duyên kết tóc rồi chung tay vun vén nên một gia đình nếp tẻ đủ đầy.

Tôi hiểu chuyện khi ông bà đã bước sang tuổi ngoài 50, những lãng mạn thuở trăng mật, nếu có chắc cũng đã phôi phai theo nhà cửa, con cái và áo cơm gạo tiền. Trong ký ức tôi, ông bà lúc nào cũng càm ràm nhau từ những chuyện lông gà vỏ tỏi, như cái chén rửa chưa sạch, món canh nêm chưa tới… Bà tôi nghiêm khắc, khó tính, trong khi ông lại tếu táo, thích bông đùa, thường cố tình chọc cho bà phát cáu để rồi cãi nhau. Người ngoài nhìn vào hẳn sẽ lắc đầu ngao ngán, cảm thấy vợ chồng già bên nhau đã nửa đời người mà không khi nào ngưng ầm ĩ. Chỉ con cháu ăn chung ở cùng mới hiểu, đó là gia vị yêu thương tuổi xế chiều của ông bà, bởi dẫu lời qua tiếng lại, vẫn chẳng ai nhường nhịn bà được như ông, cũng chẳng ai chiều lòng ông được như bà.

Thím Ba tôi hài hước nói, ông bà sống với nhau như đôi bạn nhảy. Cái trò “dẩy đầm” ấy mà, cứ ông tiến lên, bà lùi lại, bà tiến lên, ông lùi lại, nhịp nhàng và uyển chuyển dìu nhau qua hết chông gai này tới gian nan khác. Ông bà tôi bao năm như một, hơn thua ngoài miệng nhưng luôn âm thầm nhường nhịn, bao dung cho sự không hoàn hảo và góc cạnh của người kia.

Bà tôi thi thoảng lại sinh kiêu, khoe với tôi: “Ông mày lấy được bà là phúc. Có ai chiều chồng được như bà?” rồi lại than ông càng già càng trái tính trái nết, phải 1 trong 2 nhắm mắt xuôi tay may ra mới được thảnh thơi. Người sống thêm 1 năm là ít đi 1 năm. Từ khi bước sang tuổi lục tuần, ông bà đã dần coi nhẹ 2 chữ “sinh tử”, nhắc đến cũng chỉ cười đùa nhẹ tênh.

Vậy mà đùng một cái, ông đi. Bà tôi gầy xọp hẳn, ngày thì nghĩ suy, đêm lại mất ngủ, vành mắt lúc nào cũng đỏ ửng. Khoảng thời gian ấy, chúng tôi phải muôn vàn cẩn thận, bởi hễ cứ nhắc tới ông là như chạm phải công tắc buồn khổ trong bà. Mấy mươi năm như hình với bóng, ông không còn, bà giấu lòng chẳng nói, nhưng tôi biết trái tim tang thương kia đã khuyết mất một mảnh, mãi vẫn chưa ngơi những khắc khoải bi ai.

Ông mất vào đúng 30 tết, tới giờ, đào mai đã tàn hết, lá tháng Tư rụng rơi, chỉ còn nỗi đơn côi nấn ná vương dài trên khóe mắt đã chồng chéo những vết chân chim của bà. Hơn nửa đời sánh bước chung đôi quá đủ để niềm thương nỗi nhớ khắc sâu.

Tôi biết bà thương ông nhiều lắm, càng thương lại càng tiếc nhớ… Xuân về, thương nhớ bung biêng khi đào mai khoe sắc. Dưới nắng ngày hạ, thương nhớ tựa hạt mưa chao nghiêng. Khi lá thu rơi, thương nhớ đong đầy hương hoa sữa. Gió đông gõ cửa, thương nhớ âm ỉ trong bếp lửa bập bùng… Nỗi nhớ thương vương vít trong cả những cơn mơ và có lẽ sẽ canh cánh lòng bà cả đời.
Cái thương của bà tôi âm ỉ, đầy ý nhị, nhưng dai dẳng, nặng sâu. Không có yêu từ cái nhìn đầu tiên hay tay nắm tay chạy về nơi ngược nắng, chỉ có 2 người tình cờ chung lối giữa thế gian muôn vạn nẻo đường, đi cùng nhau một đoạn rồi cứ thế mà sánh bước chung đôi. Cả đời lúc lên lúc xuống, khi thăng khi trầm, có sướng vui và buồn khổ, có gây gổ và cãi vã nhưng đã chọn thương thì sẽ đi tới tận cùng của thời gian.

Thùy Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI