Ba mẹ tôi rất ít khi chụp ảnh cùng nhau, càng ít thể hiện tình cảm. Cho đến tận khi tôi lớn lên, có điện thoại và biết chụp ảnh, biết lưu tâm đến những khoảnh khắc gia đình, ba mẹ mới có hình chung. Có lẽ vì vậy mà 2 người mới trông ngại ngùng, bối rối thế chăng? Nhưng dù vậy, chụp được những tấm ảnh như vầy, với tôi đã là một niềm vui sướng.
Mẹ tôi là con lớn trong một gia đình cũng tạm coi là “có ăn” thời ấy. Dù vậy, mẹ chỉ được học đến hết cấp II, khi đó là lớp Bảy (hệ 9 năm), vì theo ông ngoại thì “con gái học làm gì nhiều” và vì là chị cả nên phải đi làm để cho các em học.
|
Kỷ niệm 35 năm ngày cưới của ba mẹ tác giả |
Mẹ vẫn thường nhắc lại thời con gái với nét mặt lấp lánh niềm vui về cô thiếu nữ có gương mặt tròn như trăng rằm và nước da trắng, dù phải làm việc nhiều, cả những tủi hờn khi luôn phải nhường em, khi thích đi học mà không được phép.
Mẹ lấy ba khi mới gần đôi mươi. Suốt những năm ba đi làm xa nhà, mẹ một mình làm ruộng, nuôi con, phụ giúp gia đình chồng. Vất vả là thế nhưng chúng tôi chưa từng phải nộp chậm học phí hay nghỉ học ngày nào. Mẹ thường nói “cố mà học”, bởi mẹ biết sự học cho chúng tôi nhiều cơ hội và vì mẹ hiểu sẽ thiệt thòi thế nào nếu không được đến trường.
Bao nhiêu mơ ước, kỳ vọng mẹ như dồn hết lên chúng tôi. Mẹ tự hào khi thấy các con học hành tiến bộ, rồi lo lắng đến tức giận khi con có những lựa chọn đi theo con đường khó khăn hơn.
Lấy ba, mẹ cũng không được gặp gỡ bạn bè vì những lạc hậu trong suy nghĩ “lấy chồng thì theo chồng”. Đang tuổi đôi mươi phơi phới lại quay cuồng với ruộng nương, con cái, hôn nhân dần khiến mẹ thu mình lại, tự ti hơn, chỉ toàn tâm chăm lo cho gia đình. Khuôn mặt tròn, làn da căng trắng ngày đó giờ đã điểm nhiều nếp nhăn, tóc bạc, da mồi.
Thương mẹ, đã có lúc tôi tự hỏi, vì mẹ đảm đang, tháo vát nên cuộc sống đưa duyên cho mẹ gặp ba hay vì gặp ba không giỏi việc nhà nên mẹ buộc phải gánh gồng nỗ lực hơn?
Ba tôi hơn mẹ 9 tuổi, có nhiều tài lẻ và không giỏi làm kinh tế. Ba kể hồi ấy đi hỏi vợ có mỗi cái làn nhựa với chai rượu, chục trầu và vài bao thuốc lá, ngày cưới thì có thêm cặp bánh chưng với cân thịt. Ba mẹ lấy nhau được hơn 1 năm thì xin được đất của xã để ở riêng. Mái ấm ngày đó được dựng lên từ bùn đất, rơm rạ và lá kè nên chỉ được vài tháng thì bị tốc mái do bão.
Cuộc sống những ngày đầu của đôi vợ chồng trẻ còn khó khăn, may mắn nhờ ông bà 2 bên, làng xóm góp công dựng lại. Cứ thế, mái nhà tranh vách đất vẫn gắn bó với ba mẹ tôi suốt 4 năm sau đó, cho đến khi có thể xây ngôi nhà kiên cố hơn. Mà xây cũng ngót 1 năm mới xong, vì “không có tiền, nên cứ bán được 1 con heo thì xuống móng, rồi đợi bán được con heo nữa thì lên tường” (theo lời mẹ tôi kể).
Từ khi tôi còn bé xíu, ba đã đi làm xa để trang trải thêm cho gia đình. Thời ấy, quê tôi không có việc gì ngoài làm ruộng nên những người thanh niên, những ông chồng, người cha thường phải đi tứ xứ để kiếm việc làm. Đi xa, phương tiện đi lại lẫn thông tin hạn chế hơn bây giờ nên hầu như 1 năm chúng tôi mới gặp ba 1 lần. Năm nào ít việc, ba làm ở gần thì có thêm dịp hè.
Ba thích chơi cờ tướng, đọc sách và viết. Ba vẫn được nhận xét là “hiền mà cục tính” - rất ít mắng nhưng khi nổi giận cũng thật đáng sợ với những đứa trẻ non nớt ngày đó. Tuổi thơ với ba trong tôi là những đêm hè trải chiếu ra sân nằm ngắm sao và nghe ba kể chuyện; là những đêm cuối năm háo hức đợi ba đi làm xa về với túi mè xửng, túi kẹo từ trong ba lô.
Đã 36 năm sống với nhau, ba mẹ tôi vẫn không giỏi thể hiện tình yêu thương bằng lời nói, như rất nhiều người thời ấy vẫn thế. Bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn có những ký ức đẹp bên gia đình, nhà vẫn là nơi chúng tôi nhớ về, muốn tìm về mỗi khi yếu lòng.
|
Thuyết phục mãi, tác giả mới chụp được tấm hình ba mẹ bên nhau |
Chúng tôi giờ đã lớn, gia đình đã thành đại gia đình, ba mẹ đã lên chức ông bà nhưng vẫn chăm chỉ làm đôi ba sào ruộng, nuôi gà, trồng rau để thi thoảng gửi cho con cho cháu. Cũng may, bây giờ có máy kéo, máy cày, máy gặt để công việc đồng áng bớt phần vất vả. Ba tôi giờ chỉ làm công tác thôn xóm tại địa phương, mẹ thì bền bỉ với chiếc xe kéo cách ngày lại chở hàng ra chợ bán, rồi thêm công việc đan lồng đèn.
Mỗi lần thấy ba ngồi chẻ lạt, mẹ ngồi đan, trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả - vừa có phần hạnh phúc khi thấy ba mẹ cùng làm việc, trò chuyện vui vẻ, vừa thương thật nhiều vì tôi biết, ba mẹ vẫn muốn tự lo cho cuộc sống của mình thay vì để các con chăm sóc.
Chúng tôi trưởng thành nghĩa là ba mẹ đang già đi. Giờ đến lượt họ lại 1 năm đôi ba lần mong con cháu trở về, vui vầy gặp gỡ, nhắc những câu chuyện về cuộc sống, làm người và đối nhân xử thế. Những bài học cuộc đời theo chúng tôi mãi về sau.
Nguyễn Huyền