|
Sau 13 năm chung sống, anh Tuấn, chị Cần vẫn như cặp tình nhân |
Giữa đêm gặp… Lục Vân Tiên
Chị Trần Thị Minh Cần kể, sau khi ly thân rồi ly hôn người chồng cũ, chị ôm con ra thuê trọ ở quận Tân Bình. Chị xin vào làm cho một công ty may mặc ở quận 12. Lúc đó, anh Ngô Văn Tuấn là trưởng phòng kế hoạch, chị làm ở xưởng. Mỗi lần xuất kho, chị phải lên trình giấy tờ cho anh ký. Mới vào, chị toàn xưng “chú - cháu” với anh.
Thời gian đầu làm việc chưa hiểu gì về nhau nên chị với anh vẫn giữ chừng mực, đúng khoảng cách sếp - lính. Dần dà, biết được hoàn cảnh và nhận thấy chị là người phụ nữ chịu thương chịu khó, anh để ý và có phần quan tâm chị nhiều hơn. Chị bảo, có lần chị kiệt sức vì công việc quá tải, xỉu ngang giữa giờ làm, chính anh đưa chị đến bệnh viện rồi chăm lo thuốc thang, nấu cháo cho chị sau khi xuất viện. Chị biết ơn anh từ đó, nhưng không dám thể hiện vì e mình là phụ nữ, lại đang là mẹ đơn thân.
Nhưng sau sự việc đó, anh càng quan tâm chị nhiều hơn, càng muốn chứng tỏ với chị rằng anh là người đàn ông có trách nhiệm, là chỗ dựa vững chắc mà chị có thể nương tựa. Anh âm thầm quan sát, âm thầm hỗ trợ chị. Chị nhớ hoài chuyện một hôm mưa gió, trời tối thui, bỗng mẹ con chị bất đắc dĩ “chào đón” một ông say rượu ở đâu chạy thẳng vô phòng trọ. Chị hoảng sợ không biết cầu cứu ai đành gọi điện nhờ anh. Anh cũng phối hợp ăn ý với chị, kêu chị mở loa ngoài rồi nói to “Ừ, nhà có người lạ hả em, anh sắp về tới nhà rồi, đừng lo”.
Đêm đó, anh chạy mười mấy cây số đến phòng trọ của chị, lôi ông say xỉn ra ngoài như thể anh là chồng chị. Chị hiểu, anh chính là cứu tinh của cuộc đời mà ông trời đã ban xuống để bù đắp cho những bất hạnh cuộc đời chị. Từ đó, chị “ghim” trong lòng sự biết ơn anh - một “người chú” trong công việc và sau này là “người bạn đời”. Chị xem anh là ân nhân, là Lục Vân Tiên dành riêng cho cuộc đời chị.
500.000 đồng và câu nói nên duyên chồng vợ
Sau cuộc hôn nhân đầu không hạnh phúc, dù hằng ngày anh vẫn quan tâm, chăm sóc chị, dù anh có tế nhị hỏi han, chị vẫn chưa dám công khai đáp lại tình cảm của anh. Cho đến một ngày, chị rưng rưng trước tờ 500.000 đồng anh giúp vô cùng tinh tế cùng lời nhắn được viết trong mảnh giấy nhỏ “đời thay đổi khi ta thay đổi”.
Chị cho biết, thời điểm đó khó khăn, số tiền anh đưa, chị cứ nghĩ là mình “mượn tạm”. Chị vẫn còn nhớ, chị dùng nó để lo tã sữa cho con và nghĩ sau này có điều kiện mình sẽ trả lại anh cùng lời cảm ơn chân thành. Cũng từ đó, chị mạnh dạn nhận tình cảm của anh. Rồi chị gật đầu đồng ý xây đắp mối quan hệ mới với anh.
Chị phấn chấn tinh thần, thôi buồn đau chuyện cũ và bắt đầu nghĩ đến một tương lai tươi đẹp. Chị chăm chỉ làm việc kiếm tiền. Sau 7 năm quen biết, hẹn hò, chị và anh đã về chung nhà với một đám cưới nho nhỏ có họ hàng thân thuộc đôi bên. Ai cũng khen chị có phước khi đã một lần đò vẫn lấy được trai tân. Anh cười hân hoan: “Trai tân hên lắm mới gặp gái 1 con”.
Khi kể về chuyện tình của mình, mắt chị luôn ánh lên niềm hãnh diện vì lấy được anh - một người chồng đầy yêu thương và một người cha đầy trách nhiệm. Anh đã mang đến cho chị những hạnh phúc và niềm vui mà trước đây chị nghĩ mình sẽ không bao giờ có lại được.
Chị bảo: “Anh là cứu tinh trong cuộc đời của tôi. Anh không chỉ là cha của 2 đứa con chung sau này mà cũng là cha của con gái riêng của tôi. Nếu anh không xuất hiện trong cái đêm đó, tôi không biết giờ mình có được hạnh phúc như vầy không”.
Tôi thích nghe chị kể về anh - người chồng cực kỳ tâm lý. Với anh, chị luôn là người phụ nữ đầu tiên nguyên vẹn anh yêu, quá khứ buồn của chị chưa bao giờ anh thắc mắc. Anh tôn trọng và yêu thương đứa con riêng của chị, không một chút phân biệt con chung con riêng. Vì thế, con gái lớn đang sống ở nước ngoài, năm nào cũng nhớ sinh nhật “chồng yêu của mẹ, ba của tụi con” kèm theo lời chúc sức khỏe, hoa và quà tặng anh. Năm nào cô cũng gửi quà tết và gửi lời chúc tết ông bà nội (ba mẹ của anh).
|
2 cô con ngoan lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ |
Bạn bè trong công ty, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ hạnh phúc của vợ chồng chị. Lúc mới cưới, anh cần mẫn đi làm và mỗi tháng về đều “nộp lương” cho vợ thì gần đây, anh nhận thấy công việc của chị cần thiết hơn nên tự lui về đứng phía sau, quán xuyến công việc nhà và chăm sóc 2 con cho chị. Hôm nào vợ đi làm về than mệt, lập tức mệt mỏi tiêu tan khi nhìn thấy cơm nóng, canh ngọt chồng chuẩn bị sẵn. Hôm nào vợ bảo đau hông nhức mình, lập tức chồng thành chiếc máy mát-xa chạy bằng cơm phục vụ.
Tôi biết, có không ít phụ nữ hoàn cảnh gần giống chị không dám đi bước nữa, không dám mơ đến một hạnh-phúc-khác. Thì đây, câu chuyện tình đẹp của anh chị hiện hữu giữa đời bận rộn như một lời động viên: hãy cứ thay đổi, cứ mở lòng, hạnh phúc sẽ mỉm cười lại với mình.
Huyền Nga