Câu chuyện tình yêu: Chờ nhau, đợi nhau gần 30 năm

24/06/2023 - 06:13

PNO - Chúng tôi thường kể cho các con cháu của mình về tình yêu của ông bà - một tình yêu sắt son chờ đợi gần 30 năm nhưng không hề phai nhạt.

Bà ngoại tác giả  với đứa con trai út
Bà ngoại tác giả với đứa con trai út

Ngày ấy, ông ngoại tôi là một thanh niên đẹp trai, học giỏi nức tiếng, lại là con của quan huyện tại một tỉnh miền Trung nắng gió. Năm ấy, ông được bà mối xe duyên cho cô thôn nữ duyên dáng mới 17 tuổi, con của một thầy giáo cùng làng.

Sống trong thời chiến nên khi đứa con gái đầu của ông mới được 1 tuổi, ông đã xin phép gia đình cho mình tham gia cách mạng. Ngày chia tay, người vợ trẻ nước mắt lưng tròng, 1 tay nắm tay chồng, 1 tay ẵm con, thút thít: “Mình đi nhớ giữ gìn sức khỏe, em ở nhà sẽ trông chừng ba mạ và con. Anh hãy yên lòng nhé!”. Người vợ trẻ ấy vẫn còn nhớ rõ trăng của ngày hôm đó sáng vành vạnh, soi rõ bóng ông lầm lũi băng qua cánh đồng cùng với một số thanh niên trong làng. 

Những năm sau đó, thỉnh thoảng bà lại xin phép ba mẹ đi thăm chồng. Mỗi lần đi thăm ông về, hơn 9 tháng sau bà lại sinh thêm 1 người con. Chưa đến tuổi 30, bà đã một nách nuôi 4 con lẫn cha mẹ chồng lúc này đã già yếu. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 21/7/1954 về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và một trong những điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng 2 bên tập kết. Quân đội nhân dân miền Nam tập kết ra phía Bắc. Ông ngoại tôi là một trong những người con của miền Nam được đưa ra Bắc nhằm bồi dưỡng và đào tạo thành đội ngũ cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.

Ngày bà nhận được lá thư viết vội của ông thì ông đã rời chiến khu, ra Bắc đã trên 6 tháng. Tại quê nhà, bà thay chồng làm nông để nuôi ba mẹ chồng và các con, chờ chồng trở về. Dù hằng ngày phải làm lụng vất vả, bà vẫn giữ được dáng người thon thả, trắng trẻo. Bọn Mỹ, ngụy tìm mọi cách để ép bà tôi phải lấy một sĩ quan cao cấp nhưng bà kiên quyết từ chối, nói: “Cả đời này tôi chỉ thờ 1 chồng. Nếu chồng tôi đã chết thì tôi nguyện ở vậy để nuôi con ăn học nên người. Nếu các người bức ép tôi, tôi sẽ cắn lưỡi ngay lập tức”.

Biết không thể lung lạc được người đàn bà với ý chí sắt thép ấy, chúng điên cuồng trả thù bằng cách tịch thu hết ruộng vườn của gia đình ba mẹ chồng bà. Kể từ đấy, bà tôi hằng ngày phải đi làm thuê, mò cua, bắt ốc để nuôi gia đình nhưng lòng vẫn sắt son chờ đợi tin tức của ông.

Bà ngoại tác giả vất vả nuôi các con khôn lớn và chung thủy đợi chồng gần 30 năm
Bà ngoại tác giả vất vả nuôi các con khôn lớn và chung thủy đợi chồng gần 30 năm

Thời gian lặng lẽ trôi, sau khi ba mẹ chồng của bà qua đời, bà dắt díu đàn con xuôi vào Nam để tìm kiếm việc làm nuôi các con ăn học. Lúc này, tin tức giữa 2 miền Nam - Bắc vẫn bặt tăm nhưng trong lòng bà vẫn luôn đau đáu một niềm tin vững chắc rằng ông sẽ trở về. 

Nói về ông tôi, sau khi tập kết ra Bắc, vì ông học rất giỏi nên được bổ nhiệm làm cán bộ cao cấp quản lý ngành đường sắt Việt Nam lúc bấy giờ. Cùng đi tập kết với ông còn có ông cậu của tôi, tức anh ruột của bà ngoại tôi. Mỗi cuối tuần, ông ngoại tôi thường đạp xe từ cơ quan đến nhà ông cậu tôi ở lại. Xa con nên bao nhiêu tình thương ông ngoại tôi đều dành cả cho 6 người con của ông cậu. Có dạo, thấy em rể một mình lẻ loi, đơn độc, ông cậu tôi gợi ý: “Không biết bao giờ hòa bình mới lập lại, chú xa vợ cũng hơn 25 năm rồi; thôi chú kiếm thêm 1 người vợ nữa để lo lắng cho nhau lúc trái gió trở trời…”. Nhưng ông ngoại tôi chỉ cười buồn rồi trả lời: “Em tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, hòa bình sẽ lập lại. Khi ấy, Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà, ngày ấy em sẽ lại tương phùng với vợ con em. Dù thế nào đi nữa, em vẫn không thể phụ cô ấy và các con thương yêu của mình”.

3 năm sau, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam thắng lợi huy hoàng. Ngày gặp lại, ông bà đã có cháu ngoại, nội. Khi chia tay, 2 người còn là những thanh niên rất trẻ; nay khi gặp lại, ông bà đã tóc hoa râm. Tuy nhiên, tình yêu ông bà dành cho nhau vẫn như xưa không bao giờ phai nhạt.

Giờ đây, ông bà không còn nữa. Mỗi khi đại gia đình tôi có dịp tụ họp trong những dịp giỗ chạp hay lễ tết, chúng tôi thường kể cho các con cháu của mình về tình yêu của ông bà dành cho nhau - một tình yêu sắt son chờ đợi gần 30 năm nhưng không hề phai nhạt. 

Giao Thuỷ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI