Chúng tôi hẹn gặp ông bà tại Trung tâm Sài Gòn bao dung (Quỹ từ thiện Trăng Khuyết) - nơi chăm lo cho những người già vô gia cư trên 60 tuổi. Trái với cái nắng cháy da và tiếng còi xe inh ỏi ngoài đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TPHCM), không gian bên trong mát mẻ và tĩnh lặng. Giường của bà đặt gần cuối tầng trệt, ngoài mền gối, thuốc men, còn có mấy quyển vở học sinh đã ố vàng.
Bà Tâm khoe với ông Hùng bài thơ mới
Bà tên là Đặng Thị Tâm - 74 tuổi, từng là cô giáo dạy văn ở Hà Nội. Vì một số lý do không muốn nhắc đến, bà xin nghỉ dạy rồi vào Sài Gòn mấy chục năm nay. Thời ấy, kinh tế còn khó khăn, chân lại bị tật nên dù còn trẻ, bà chỉ được làm giúp việc không lương, cơm ăn ngày 2 bữa. Không có gia đình, đầu tháng 10/2022, bà được một người quen giới thiệu về ở tại trung tâm.
1 tuần sau, ông Nguyễn Đình Hùng - 81 tuổi, cũng vào tá túc tại đây. Ông còn con cháu ở Hà Nội, nhưng vì sự khác biệt trong lối sống nên ông vào Sài Gòn tìm việc làm, không may bị lừa hết tiền. Ông ở tầng 1, cách bà một đoạn cầu thang. Nhân duyên của họ bắt đầu từ những lần tâm sự buổi chiều tà. “Ông là thầy dạy toán, mà lại thích làm thơ, cứ chiều nào chúng tôi cũng đối qua đối lại, tình cảm đến hồi nào không biết” - bà kể. “Tôi để ý bả từ hồi đi phát cơm cho mọi người rồi” - ông tiếp lời, bật cười thành tiếng.
Nhận ra tình cảm của mình, ông nhiều lần dò hỏi, nhờ chị em “đánh tiếng” nhưng bà chỉ ậm ừ cho qua vì ngại chuyện tuổi tác, miệng đời. 2 tuần sau, ông liều viết thư tỏ tình, trong đó có 2 câu thơ làm bà xúc động: “Hôm nay nắng điểm màu vàng/ Anh gặp được nàng như hạ gặp mưa”. Bà đồng ý cùng ông viết nên một câu chuyện tình, hay trong cách gọi của bà là “nên chồng, nên vợ”. “Tôi không muốn nhá nhem sớm tối, người ngoài nhìn vào dễ nói lời dị nghị nên mới tỏ tình rõ ràng, giờ ngồi với nhau đâu còn gì e ngại” - ông Hùng giải thích về quyết định của mình.
Ngần ấy năm sống trên đời, số người để mắt, ngỏ lời muốn lấy bà Tâm không phải ít. Nhưng tự ti bản thân tật nguyền, dễ bị bỏ rơi nên bà đều từ chối. Ông Hùng đã góa vợ 25 năm. Chỉ khi gặp được nhau, sự đồng điệu trong tâm hồn, trong cái nghề mới làm 2 người lần nữa mở trái tim mình.
“Anh rất yêu em” cùng nụ hôn 2 bên má là lời chào thân thương mà ông luôn dành cho bà mỗi buổi sáng. Kể đến đây, bà quay sang hỏi ông: “Thế anh hôn em anh cảm thấy thế nào?”. Ông trìu mến đáp: “Anh hạnh phúc vô cùng, nhưng nếu em cũng hôn anh, anh sẽ càng hạnh phúc hơn”. Nói đoạn, một tay ông nắm lấy tay bà, tay còn lại vỗ nhẹ lên chiếc giường sắt: “Nhưng mà anh cao lắm, em muốn hôn anh thì em đứng lên giường, chứ đứng lên ghế thì dễ ngã”.
Trong cuộc nói chuyện dài chừng 2 tiếng đồng hồ, bà hay nói rằng bà yêu ông vì cách ông đối xử với bà. Ông nhất định sẽ không ăn phở nếu bà chỉ ăn mì; ông cần mẫn xoa dầu, bóp vai mỗi khi bà đau nhức; ông nấu nước để bà tắm, phơi giùm bà quần áo đã giặt xong…
Có lần, buồn chuyện không dỗ được một cụ bà đi tắm, bà chống gậy ra đường mà chẳng bảo ông. Tối đến, thấy ông khác lạ, bà gặng hỏi mãi ông mới nói: “Tụi mình bây giờ lớn tuổi rồi, có chăng là sống được 10 năm nữa đi thì phải sống làm sao cho hạnh phúc, có chuyện gì thì cùng nhau giải quyết. Chân em yếu thế này, ra đường không có anh phải làm sao, người ta sẽ nghĩ sao khi thấy anh để em đi một mình”.
Rồi ông mua tặng bà một hình trái tim bằng gỗ, một bên viết tên ông, một bên viết tên bà, như minh chứng cho tình cảm của cả hai. “Mới gặp nhau chưa đầy 1 năm nhưng cách đối xử, chăm sóc giữa ông bà luôn khiến mọi người phải hạnh phúc lây. Ông bà như tìm được tri kỷ nên người xung quanh ai cũng tán đồng, không thể nhân danh đạo đức mà cấm cản” - chị Minh Khuê - Tổng quản lý Trung tâm Sài Gòn bao dung - chia sẻ.
Họ tìm thấy nhau và cùng nhau viết lên câu chuyện tình
Cuộc nói chuyện chưa kết thúc thì đến giờ cơm trưa, ông Hùng phải đi phát cơm. Bóng lưng ông vừa khuất chân cầu thang, bà liền kể chúng tôi nghe chuyện bà từng giả vờ ghen cho “vui nhà, vui cửa”. Vin vào chuyện một phụ nữ khen ông “dễ thương, không biết có vợ con gì chưa”, cả buổi cùng làm việc mà bà chẳng nói câu gì. “Em sao vậy, hôm nay em lạ lắm, em giận anh sao?” - ông liên tục hỏi han. Một hồi lâu, bà mới vỗ vai ông, thì thầm bài thơ mới: “Chồng em đôi mắt đa tình/ Nhìn vào đôi mắt rộn ràng con tim/ Mắt này giết chết bao tim/ Bao nhiêu cô gái gục vào vai anh”. “Em nói rằng anh đa tình/ Nhưng anh không phải đa tình đâu em/ Anh yêu chỉ một mình em/ Vai anh em tựa cả đời nghe em”. Ông đáp lời cũng bằng một bài thơ. Sau lần đó, bà Tâm không ghen nữa, vì bà biết ông chẳng có lỗi lầm gì, ghen như vậy là làm tội cho ông.
Gần đây, con cháu ở Hà Nội đã biết ông Hùng đang sống tại Sài Gòn bao dung nên ngỏ ý muốn đón ông về, nhưng ông cương quyết từ chối. “Sống ở đây tôi sung sướng, thoải mái, tôi được làm việc và còn có Tâm, có người bạn tri kỷ, đẹp vô cùng”. Ánh mắt ông hướng về bà đầy kiên định.
Thế mới thấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chân tình giữa con người với nhau vẫn luôn rất đáng quý. Nhiều người nghĩ đi đến đây đã là bước đường cùng, nhưng giữa cái tận cùng, ông bà vẫn tìm thấy nhau, tìm thấy một tình yêu đích thực và lẽ sống cho mình.