Bà Lê Phố Ngân và ông Trần Văn Báo là người cùng xóm tôi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Sáng, bà Ngân đạp chiếc mini và mặc bộ đồng phục thể thao đi tập dưỡng sinh. Chiều, ông đạp chiếc xe có gắn ghế ở sau đón cháu đi học về.
Xóm tôi là xóm tập thể của một trường đại học, nhà ai cũng cao lớn, rộng rãi, đi ô tô hoặc xe máy; riêng nhà ông bà vẫn xe đạp sớm chiều.
Có lần cô Chi hàng xóm hỏi chuyện: “Chị Ngân, sao nhà chị khó khăn vậy mà chị vẫn trông rất hạnh phúc?” hoặc cô Thúy có lần xích mích với chồng cũng đến nhà chơi rồi hỏi: “Chị Ngân, sao từ ngày dọn về đây, em chẳng bao giờ thấy vợ chồng chị lớn tiếng với nhau?”. Mỗi lần bị hỏi thế, bà Ngân đều mỉm cười.
|
Họ luôn bên nhau, chăm sóc nhau; cả hai đều hài lòng, mãn nguyện |
Bà Ngân và ông Báo gặp nhau khi bà mới 16 tuổi, ông 18. Gặp nhau trong buổi sinh hoạt thanh niên rồi thương nhau. Được 1 năm thì ông đi bộ đội. Tình yêu của họ gói ghém qua những bức thư. Ông đi chiến trường này đến chiến trường khác. Bà ở nhà chăm chỉ học hành, làm việc.
Bà kể: “Mỗi lần hành quân, ai cũng đều phải bỏ lại một ít hành lý, nhưng ông vẫn luôn giữ những bức thư bên mình”. Những bức thư của bà như ánh lửa trong tim thắp cho ông suốt 9 năm gian khổ. 9 năm xa nhau biền biệt, bà không để ý đến ai. Gia đình, bạn bè khuyên bảo: “Người ta đi bộ đội biết bao giờ về, về có lành lặn được không, về lỡ người ta không thương mình nữa thì sao?”.
Ai cũng bảo bà nên tìm người khác. Có lần thư về, ông cũng nói: “Anh đi chiến trường, không biết sống chết ra sao, không biết về có đủ hình hài không, nếu em có thương ai đó, thì cứ tiến tới, đừng chờ anh”. Nhưng bà Ngân vẫn một lòng hướng về ông. Những bức thư vẫn gửi đi trong tình yêu và nỗi nhớ.
9 năm đợi chờ, ông cũng đã trở về. Ông xin làm bảo vệ ở trường cấp III của TP Đà Nẵng rồi ngỏ lời cầu hôn. Những bức thư từ chiến trường được ông gói ghém cẩn thận, trao lại cho bà. Bà cất giữ những bức thư như gia tài quý giá. Vợ chồng cưới nhau chẳng có tài sản gì, sống chung trong văn phòng bảo vệ. Khi có con, ông bà chuyển về khu tập thể của trường, 2 người sống bằng đồng lương ít ỏi của ông.
Bà kể, có bầu con bé đầu, bà chẳng có gì ngoài ăn cơm với nước muối lạt. Sinh con ra cũng chỉ uống nước gạo, ăn cơm với rau muống. Con bé ăn rau miết, sang nhà hàng xóm thấy người ta ăn thịt, thèm quá, khóc. Bà sang xin miếng ăn cho con đỡ thèm.
Nhà nghèo vậy nhưng chưa bao giờ bà than thở hay trách cứ bất kỳ điều gì. Căn nhà nhỏ lụp xụp luôn tràn ngập niềm hạnh phúc. Đồng nghiệp của ông đến chơi phải thốt lên kinh ngạc: “Em không tưởng tượng nổi sao khó khăn như vậy mà chưa bao giờ thấy chị kêu ca. Sao anh chị lại có thể sống hạnh phúc được như vậy”.
|
Những lá thư tình họ viết cho nhau trong 9 năm xa cách |
Mọi người không hiểu nhưng ông bà hiểu. Với ông bà, việc được sống cùng nhau đã là vô cùng may mắn. Những bức thư bà vẫn cẩn thận giữ mấy chục năm là nhân chứng cho điều đó. 9 năm xa cách là bao nhiêu thương nhớ, giờ ở cạnh nhau họ bù đắp và nâng đỡ cho nhau.
Sinh con xong, bà làm đủ nghề, việc nào cũng có bàn tay của ông. Bà bán chè, ông nấu. Bà đi buôn ông cũng tự tay chuẩn bị, sắp xếp mọi thứ mỗi ngày. Đi buôn vất vả, bà ở nhà may vá, sửa đồ; ông tỉ mỉ tháo đồ để bà khâu. Mọi việc nặng nhẹ trong nhà ông đều gánh hết.
Bà mãn nguyện với tất cả những điều như thế, với cuộc sống vất vả nhưng đủ đầy ở bên trong. Tình yêu và sự hiện diện của ông trong cuộc đời đã là sự bù đắp lớn nhất cho bà. Hơn 40 năm từ ngày kết hôn, bà chưa một lần đòi hỏi bất cứ điều gì thêm. Những đứa con trưởng thành trong tình yêu ngọt ngào của cha mẹ cũgn có được niềm hạnh phúc đó. 2 con của bà thành đạt và hiếu thảo.
“Không biết tụi nhỏ có học ba mẹ không mà đứa nào cũng yêu rất lâu mới cưới. Đứa con gái đầu yêu nhau 11 năm, thằng út yêu 9 năm rồi kết hôn. Vợ chồng tụi nó cũng hòa thuận và yêu thương nhau” - bà kể về con cái cũng tự hào y như kể về tình yêu của mình. Dường như bên trong bà luôn lấp lánh một thứ ánh sáng của hạnh phúc. Cảm giác đó khiến bà trở nên đủ đầy và hài lòng với những điều bình dị nhất. Nó khiến cho ông bà vượt qua được tất cả những đau khổ, những khó khăn đời thường.
|
Ngày ông Báo, bà Ngân thành hôn cách đây hơn 40 năm |
Như Einstein từng nói về tình yêu thương, bà đã có thứ năng lượng mạnh mẽ nhất thế gian trong cuộc đời rồi, nên chẳng khát khao thêm gì nữa cả.
Khi người ta vẫn hoài nghi về lòng người thì việc có một tình yêu lớn là tài sản mà nhiều người ngưỡng mộ và thầm ao ước. Tình yêu với bà Ngân là thứ tài sản bà vun vén bằng cả tuổi trẻ, bằng cả cuộc đời và gửi gắm cho cả những đứa con. Bà Ngân vẫn kể say sưa với mọi người về tình yêu của mình.
Bà muốn thuyết phục những người trẻ trong xóm tin rằng tình yêu đẹp lắm, đáng giá lắm, cứ mạnh mẽ trân trọng và giữ gìn, rồi một ngày, hạnh phúc cũng sẽ đến thôi.
Lê Hải