Câu chuyện thú vị về chiếc bánh chưng bà Kiều

03/09/2017 - 00:30

PNO - Hơn 30 năm qua, không thể đếm đã có bao nhiêu chiếc bánh chưng được gói bởi bàn tay của bà cụ tuổi ngoài 80. Tất cả đã làm nên câu chuyện về một gia đình miệt mài giữ hồn cho tinh hoa Việt.

Chuyện về lò bánh chưng 30 năm tuổi

Chúng tôi biết đến thương hiệu bánh chưng Bà Kiều trong một dịp tình cờ, càng bất ngờ hơn khi biết được người trực tiếp làm ra những chiếc bánh chưng ngon miệng bao thực khách lại là một bà cụ đã ngoài 80 tuổi.

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Bà Trần Thị Kiều, người giữ bí quyết làm bánh chưng gia truyền của vùng đất Điện Biên.

Bánh chưng gia truyền của bà Kiều chỉ bán đúng 2 dịp trong tháng: mồng 1 và 15 âm lịch. Khách muốn mua phải nhọc công đặt hàng trước cả tuần để bà gói cho kịp lửa. Ấy vậy mà đợt nào, bánh gửi đi tứ xứ cũng hết sạch.

Đặc biệt, người “giữ lửa” để chiếc bánh chưng đến tay khách tứ phương lại là một chàng trai trẻ – anh Đặng Ngọc Anh. Lập gia đình với cô gái vùng Điện Biên, trở thành cháu rể bà Kiều và thừa hưởng truyền thống gói bánh chưng của nhà vợ, duyên nợ với chiếc bánh chưng vì thế cũng đeo đuổi anh Ngọc Anh đến tận bây giờ.

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Bánh chưng gia truyền của bà Kiều chỉ bán đúng 2 dịp trong tháng: mồng 1 và 15 âm lịch.

“Bà ngoại vợ tôi năm nay 82 tuổi và đã gói bánh chưng được hơn 30 năm. Bà giản dị và yêu đời vô cùng. Có lẽ bởi tính cách bà như vậy nên bà không màng đến công việc kinh doanh dù bà làm bánh cực kỳ ngon. Thế rồi khi tôi quyết định thực hiện một thương hiệu riêng để đem tâm huyết của bà đến với những khách hàng thập phương, bà đã ủng hộ và khuyên răn tôi rất nhiều điều…”, anh Ngọc Anh chia sẻ.

Quá đỗi bất ngờ với tay nghề của bà ngoại vợ, Ngọc Anh - chàng kiến trúc sư đang có công việc ổn định với mức lương bao người mơ ước quyết định nghỉ việc trở về quê vợ, xây dựng thương hiệu bánh chưng gia truyền mang tên bà Trần Thị Kiều.

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Nếp nương phải là hạt dài chắc mẩy, ngâm nước cốt riềng giã nhuyễn, nhân thịt lợn mán được dân nuôi thả đồi, săn chắc mà thơm béo chứ không ngấy.

“Bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng còn tâm huyết với tinh hoa của Tây Bắc đến vậy thì bản thân tôi là một người trẻ, cũng muốn góp chút công sức để đưa chiếc bánh và cái tâm của bà đến với mọi người… Tôi cũng muốn sau này, nhiều người biết đến bánh chưng Bà Kiều với chính cái tên đã làm nên chiếc bánh gia truyền suốt 30 năm qua”, anh Ngọc Anh khẳng định.

Kỹ thuật gói khéo léo, hương vị bánh đậm đà khó quên là thế, nhưng từ bao năm nay bà Kiều chưa từng nghĩ đến chuyện làm thương hiệu, không quảng cáo và cũng chẳng có suy nghĩ sẽ kiếm thật nhiều tiền từ nghề gia truyền này dù bánh của bà luôn được các khách hàng săn đón, tìm đến tận nhà để đặt mua. 

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Bà cụ ngoài 80 tuổi luôn tỉ mỉ trong từng chiếc bánh mình làm ra.

Điểm đặc biệt của bánh chưng bà Kiều đến từ hương vị thắm đượm mùi đất trời của “đất lửa” Điện Biên. Nếp nương được lựa chọn từ những hạt dài chắc mẩy, ngâm nước cốt riềng giã nhuyễn với công thức gia truyền. Riềng giúp màu gạo nếp xanh mướt, thơm thơm mùi lá dong gói vuông vức bên ngoài. Nhân thì được làm tỉ mẩn với loại thịt lợn mán được dân nuôi thả đồi, săn chắc mà thơm béo chứ không ngấy.

Đặc biệt, chỉ có hai người con gái của bà Kiều là nắm giữ được công thức bí truyền của nước cốt riềng ngâm gạo nếp. Điều này đã làm nên sự khác biệt của chiếc bánh chưng: màu xanh mượt mà thơm mùi lá dong rừng.

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Những chiếc bánh chưng với màu xanh mượt mà thơm mùi lá dong rừng.

“Bánh chưng phải đặt trước cả tuần và giao trong vòng 3 ngày. Dù vậy thì bánh được hút chân không nên có thể trữ trong tủ lạnh rất lâu. Khi dùng chỉ cần mang ra hấp là đủ độ dẻo thơm như lúc mới nấu”, anh Ngọc Anh nói thêm.

Những người thổi hồn cho tinh hoa Việt

Ngoài 80 tuổi, bà Kiều vẫn là người miệt mài gói từng chiếc bánh chưng để có thể đáp ứng nhu cầu của khách tứ phương. Mỗi ngày bà gói được tầm vài trăm cái, còn lại  sẽ do con, cháu đỡ đần.

Từ 200 chiếc bánh ban đầu, thương hiệu bà Kiều hiện tại, cơ sở bán ra khoảng 2000 cái cho mỗi lần đặt hàng. Bánh nhỏ 800g có giá 60.000 đồng, 1 – 1,1kg giá 80.000 đồng. Dù giá này đắt gấp đôi so với những loại bánh chưng thông thường bán trên thị trường, nhưng khách vẫn rất chuộng bánh bà Kiều vì chất lượng của sản phẩm. 

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Công thức gói cho chiếc bánh vuông vức chỉ có bà và hai cô con gái biết.

Được biết, thợ làm bánh phải được đào tạo liên tục trong 6 tháng, thậm chí là 1 năm mới có đủ tay nghề thực hiện. Làm bánh chưng, tuy đơn giản nhưng việc chuẩn bị nguyên liệu rất cần người thực hiện dành nhiều tâm huyết. Chỉ tính riêng công đoạn gói bánh và nhuộm riềng hiện chỉ có ba người đứng sau thương hiệu bà Kiều đảm nhận. Mặc dù những thành viên trong gia đình bà Kiều đều bận rộn công việc riêng nhưng cứ đúng hai lần trong tháng lại quây quần để gói bánh chưng giao khách. 

Cau chuyen thu vi ve chiec banh chung ba Kieu
Nói chiếc bánh chưng của bà Kiều là 30 tuổi quả không ngoa, bởi 30 năm qua những chiếc bánh vẫn vậy, vẫn do bàn tay tài hoa và mang đầy tâm huyết của người con Điện Biên miệt mài gói “trời – đất” trong từng chiếc bánh. 

Chia sẻ về hương vị bánh chưng vùng đất Điện Biên nổi danh, bà Thy (Hà Nội) cho biết, vốn dĩ chiếc bánh chưng tượng trưng cho tinh hoa và sự giản dị của người Việt, nên việc lưu giữ truyền thống làm bánh chưng theo công thức gia truyền là điều đáng quý, bản thân gia đình bà Thy cũng sử dụng bánh chưng của vùng 'đất lửa Điện Biên' này nhiều năm liền vào dịp lễ, Tết.

"Không nhiều người làm bánh mà vẫn giữ được 'cái tâm' của mình trong từng sản phẩm của họ. Bánh chưng là chiếc bánh vốn dung dị, truyền thống nên tôi rất hoan nghênh tinh thần của bà cụ, đồng thời mong muốn gia đình bà Kiều mãi giữ được truyền thống của người Việt qua từng chiếc bánh", bà Thy chia sẻ.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI