Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, niềm vui vỡ òa trong ngày đại thắng. Thời khắc thiêng liêng đó đã trở thành ký ức không thể nào quên đối với những người đã đi qua cuộc chiến. Với bà Nguyễn Thị Ngọc Lành, nữ tù chính trị Côn Đảo, nghe tin Sài Gòn giải phóng qua radio, đêm khuya, giữa Côn Đảo mịt mù, bà đã cùng đồng đội ôm nhau khóc nghẹn vì sung sướng. Sài Gòn giải phóng, đất nước hòa bình rồi. Cả đêm hôm đó, vui quá, bà không ngủ được, hai chữ hòa bình cứ nhảy múa, rộn ràng trong lòng.
 |
Vỏ gối với dòng chữ "quê hương thanh bình" bà Nguyễn Thị Ngọc Lành thêu trong nhà tù Côn Đảo |
Ông Nguyễn Hữu Phước, người cán bộ cách mạng từng viết nhật ký cho con với ý nghĩ mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào, đã may mắn có mặt trong ngày Sài Gòn rợp cờ hoa. Với ông, bức tranh hòa bình không chỉ là niềm hân hoan của dân tộc mà còn mang hình dáng ấm áp của gia đình: “Cha chở con đi trên xe gắn máy có mẹ ngồi sau lưng, đi trong trời chiều im mát của Thành phố Sài Gòn. Trời im và mát thật. Có lẽ trời không nắng vì không muốn làm các anh bộ đội mệt nhọc, trời cũng không mưa vì không muốn làm các anh ướt át và để cho các anh vui trọn niềm vui."
Bà Lê Thị Sáu (Tư Sương), cũng là một cựu tù Côn Đảo, không giấu nổi niềm hạnh phúc khi tận mắt chứng kiến cảnh bộ đội, xe tăng tiến vào thành phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Hình ảnh bà con đổ ra đường, từ người già đến trẻ nhỏ, ôm chầm lấy các chú bộ đội như đón người thân đi xa về… đã khắc sâu vào tâm trí bà. Niềm vui còn nhân lên khi bà được gặp lại đồng đội, được trở về thăm những cơ sở cách mạng, những gia đình đã từng chở che mình trong kháng chiến.
Với bà Cao Thị Quế Hương, người phụ nữ có đám cưới đặc biệt trong tù, niềm vui ngày hòa bình như vỡ òa sau bao năm dài bền bỉ chiến đấu trong niềm tin và hy vọng. Bà xúc động khi được gặp lại em trai từ Côn Đảo trở về, được đón ba má từ Đà Lạt xuống thăm. Trong bữa cơm đoàn viên ấm áp, má bà không giấu được niềm vui: “Ở đây ai cũng vui, cũng tốt, hòa bình rồi, hết lo lắng, hết đạn bom”.
Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của tiếng súng, là bầu trời không còn bom đạn. Hòa bình là cơ hội để hàn gắn vết thương, để xây dựng lại cuộc sống, để thực hiện những ước mơ bình dị và để tri ân những người đã ngã xuống.
Sau ngày thống nhất, bà Cao Thị Quế Hương đã trở về Đà Lạt công tác, với tâm nguyện vừa phục vụ Tổ quốc, vừa có thời gian gần gũi chăm sóc cha mẹ và các em, bù đắp những năm tháng xa cách gia đình biền biệt để tham gia kháng chiến.
Những cựu tù chính trị của câu lạc bộ Dáng Xưa, dù tóc đã pha sương, vẫn cùng nhau về thăm lại chiến trường xưa, xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi đồng đội. Họ cùng tận hưởng những niềm vui bình dị của tuổi già: đi du lịch, cá hát, ngâm thơ… Những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất họ đã cống hiến cho Tổ quốc. Giờ đây, họ được sống trọn vẹn những ước mơ của riêng mình, lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng bằng những hoạt động ý nghĩa
 |
Các thành viên trong câu lạc bộ Dáng Xưa trong buổi gặp mặt năm 2022 |
Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến, người cán bộ cách mạng năng nổ năm xưa, giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn là “cây cầu” nối kết tình đồng đội, đặc biệt quan tâm đến con em thương binh, liệt sĩ. Bà miệt mài sưu tầm tư liệu, xuất bản những cuốn sách lưu giữ ký ức về một thế hệ thanh niên Sài Gòn đã sống và cống hiến hết mình. Bà cùng gia đình sáng lập Quỹ học bổng mang tên cha mình - liệt sĩ Huỳnh Thiện Nghệ - để chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn. Với bà, hòa bình là cơ hội để tri ân quá khứ, để tiếp tục cống hiến, để biến những đau thương thành hành động ý nghĩa cho tương lai.
Bà Huỳnh Quan Thư, vợ của liệt sĩ Lê Quang Lộc đã kiên cường vượt qua nỗi đau tột cùng khi chồng hy sinh nơi cửa ngõ Sài Gòn trước ánh bình minh của đại thắng. Bà đã một mình nuôi dạy hai con nên người, vừa công tác, vừa học tập, sống trọn vẹn phần đời của mình và cả phần của người chồng đã khuất.
Ngày 19/4/2024, bà vô cùng xúc động khi đồng đội đứng ra tổ chức đám giỗ của liệt sĩ Lê Quang Lộc và đồng đội tại Tịnh xá Ngọc Phương. Đó là minh chứng cho sự ấm áp, sâu đậm của tình đồng chí, đồng đội - một giá trị bền vững được vun đắp từ chiến tranh và tiếp tục tỏa sáng trong hòa bình. Dù lịch sử đã sang trang mới, quá khứ không bao giờ bị lãng quên và nghĩa tình son sắt ấy không bao giờ phai nhạt.
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, màu cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Những ca khúc cách mạng hào hùng vang lên. Nhiều bạn trẻ thay avatar mang “hồn” đất nước. Hình ảnh các chiến sĩ, lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành sau những giờ tập luyện vất vả, nụ cười vẫn sáng rạng trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, những dòng người từ khắp mọi miền đất nước đổ về Thành phố mang tên Bác cùng cất vang khúc ca khải hoàn. Tất cả là biểu hiện sinh động của lòng tri ân, niềm tự hào dân tộc và sự trân quý nền hòa bình, độc lập.
 |
Những cựu binh từ Hà Nội, Nghệ An có mặt trên đường phố Sài Gòn dịp 30/4/2025 (ảnh: HP) |
Hòa bình hôm nay là thành quả được đánh đổi bằng xương máu, sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh. Hòa bình là vô giá. Khát vọng ngàn đời của dân tộc đã, đang và sẽ được nuôi dưỡng, trao truyền, hiện thực hóa bởi các thế hệ nối tiếp nhau như dòng trường lưu bất tận của lịch sử.
Thu Đức