Câu chuyện tháng Tư: Những ngày bộ đội về làng

29/04/2025 - 16:10

PNO - 30/4/1975 tôi vừa tròn 7 tuổi. Tôi nhớ sáng hôm đó tôi và bạn bè vẫn đi học như bình thường, nhưng rồi được thầy cô thông báo nghỉ học, đi đón bộ đội.

Bộ đội miền Bắc nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu
Bộ đội miền Bắc nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu)

Gần trường tôi học là trụ sở của chính quyền cũ. Lúc đó trụ sở tan hoang như vừa bị cơn bão quét qua. Súng ống, quần áo rằn ri vứt đầy sân. Tủ hồ sơ cái thì mở toang, cái thì ngã chỏng chơ, giấy tờ nằm la liệt trên đất.

Các anh bộ đội hành quân vào làng ai cũng gầy, da đen sạm nhưng nụ cười rạng rỡ. Học sinh chúng tôi cùng bà con đứng chật 2 bên đường chào đón bộ đội.

Các bà má ban đầu còn ngại ngần, sau thì sờ nắn, ôm chầm lấy các anh bộ đội. Có bà khóc: “Cực quá hả con? Tụi con về bà con mừng quá chừng. Giải phóng rồi! 2 chữ “giải phóng” trong mơ đã thành hiện thực".

Chúng tôi cũng bắt chước các bà má, níu áo các anh bộ đội, đội thử nón tai bèo, sờ ngôi sao vai áo… Các anh nói thứ tiếng rất khó nghe. Mỗi lần các anh nói xong, mọi người đều cười ồ. Sau, các anh biết ý, nói chậm lại thì bà con mới nghe được.

Tôi ngóng trong hàng quân những người tiến về giải phóng xã nhà để tìm ba tôi. Ba tôi tên Nguyễn Quang Thanh (Bí danh Bảy Thâm, sinh năm 1929, tại xã Tân Thuận Tây, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp). Ba tôi tham gia du kích từ những năm 1954. Những ngày tháng 4 năm 1975, ba về làng đưa bộ đội đi tiếp quản các cơ sở do chế độ cũ để lại. Ba đưa bộ đội về tạm trú ở nhà dân. Nhà nào cũng háo hức muốn nuôi bộ đội. Bà con gặp ba tôi liền xin đưa bộ đội về nhà mình. Nhà nào không được nhận nuôi bộ đội, bà con giận dỗi, lên uỷ ban khiếu nại.

Tôi nhớ ba mang về nhà lá cờ đỏ sao vàng, treo trân trọng trước sân nhà. Lá cờ mà bao năm qua mọi người chỉ được nhìn lén, phải giấu thật kỹ vì sợ bị phát hiện. Treo xong lá cờ, ba ngắm nghía với vẻ mãn nguyện. Sau này tôi mới hiểu, ba mãn nguyện vì trong màu cờ đỏ có một phần máu xương ba đã hy sinh.

Trong ký ức tôi những ngày thơ bé, nửa đêm tôi hay bị dựng dậy vì tiếng chị Hai thầm thì: “Dậy! Mấy đứa ơi thức dậy, ba về!”.

Tôi bị ba bế xốc dậy, ôm ghì, hôn hít. Ba mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn, vai khoác túi dết. Ba ôm hôn từng đứa. Ba hỏi chị Hai nhà còn gạo không? Gà vịt còn được mấy con? Ba dặn mấy chị em phụ chị Hai việc ruộng vườn, chăm bầy gà vịt…

Về thăm mấy chị em một lát ba lại đi. Chị Hai dặn mấy đứa em không được nói ba là du kích, không được nói ba về thăm nhà. Ai hỏi thì nói ba đi cắt lúa mướn. Dưới bụi tre sau nhà ba đào 2 cái hầm. Một cái chứa đạn dược, vũ khí, một cái để nuôi giấu cán bộ. Chị Hai dặn tôi không được nói với ai…

Sau ngày giải phóng, ba tôi được nhà nước phong tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Ba được mời về trường để nói chuyện với học sinh. Ba kể về những ngày đi kháng chiến, những ngày bị giặc bắt tù đày suốt 2 năm. Ba không kể về bản thân, mà kể về đồng đội của ba, những người nhường cho ba miếng cơm cuối cùng, hớp nước cuối cùng. Trong tù, ba và các chú bị trói chung. Những trận đòn roi giặc quất xuống, người này cố nhoi lên để đỡ đòn cho người kia…

Tôi khóc, xung quanh tôi ai cũng khóc, lòng tràn ngập biết ơn. Những hy sinh của ba và đồng chí của ba, của các anh bộ đội đã cho chúng tôi hoà bình hôm nay.

Những ngày bộ đội ở làng là những ngày vui. Bộ đội giúp dân dọn dẹp xóm làng sạch đẹp, đào kênh mương, đào hố rác, làm nhà vệ sinh. Thanh thiếu niên được kết nạp vào Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên. Buổi tối, bà con tụ họp nghe bộ đội phổ biến chính sách, kể chuyện Bác Hồ. Các anh dạy chúng tôi múa hát, chơi trò chơi tập thể… Cả làng ngày nào cũng náo nức như ngày hội. Thanh thiếu niên "đeo dính" các anh bộ đội như sam.

Tôi nhớ chú Sáu hàng xóm thịt con heo rất to, mời bộ đội và cả xóm đến liên hoan. Ai cũng thắc mắc nhà chú Sáu nghèo, sao chú dám chơi sang. Chú mới kể ba chú hy sinh vì nước. Anh trai, anh rể và cháu của chú cũng là liệt sĩ. Má chú vì liên tục mất người thân nên đau buồn thành bệnh. Chú có lời nguyện rằng: Ngày nước nhà độc lập, chú sẽ cúng con heo để ăn mừng. Giải phóng rồi, không còn những mất mát, hy sinh, ăn mừng là xứng đáng. Mọi người đều liên hoan vui vẻ với chú.

Nhớ về những ngày tháng 4 hào hùng năm xưa, trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên những ký ức đẹp đẽ. Xóm làng thay da đổi thịt từng ngày. Con người như cũng lớn thêm lên bởi trong giai đoạn như thế, ai cũng phấn đấu vươn lên để không bị tụt lại phía sau.

Mừng ngày đất nước thống nhất sau 50 năm, hoà cùng niềm vui, niềm tự hào của mọi nhà, tôi tự hào về ba tôi, người đã góp một phần nhỏ bé cho nền độc lập nước nhà. Trên trời cao, hẳn ba cũng đang hoà cùng niềm vui với bà con trong ngày đại lễ.

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI