Câu chuyện tháng Tư: Hòa Bình không chỉ là tên gọi

24/04/2025 - 12:17

PNO - Nếu có một cuộc thống kê, có lẽ năm 1975, người ta đặt tên cho con là Hòa Bình nhiều nhất so với các năm khác.

Ảnh minh họa: Tam Nguyên
Ảnh minh họa: Tam Nguyên

Thuở học cấp II (hồi đó gọi là cấp II, chớ không gọi Trung học cơ sở như bây giờ), tôi chơi thân với Hòa Bình. Bạn hay kể về gia cảnh của mình, nhất là chuyện ba bạn tham gia cách mạng, một mình mẹ ở nhà gồng gánh nuôi con.

Trong những cuộc hành quân, trong ba lô ba luôn có bức ảnh gia đình. Bức ảnh gồm 2 chị em và mẹ bạn. Ảnh trắng đen, nhiều chỗ loang lổ, mà mỗi khi được nghỉ ngơi là ba mang ra ngắm. Ba còn nói, chừng nào đất nước thống nhất, nếu ông được trở về, nếu sinh con, nhất định ông sẽ đặt tên con là Hòa Bình.

Ba của bạn vừa mang bóng hình tổ quốc trên vai, vừa “cất” gia đình nhỏ trong tim với khát vọng hòa bình cháy bỏng, và bạn chính là kết quả trọn vẹn của khát khao cháy bỏng đó. Hòa Bình rất tự hào về tên gọi ba đặt cho mình.

Tôi có người bạn trai, ba bạn là giáo viên. Năm 1975, bạn ra đời. Ba bạn muốn đặt tên con trai là Hòa Bình, còn mẹ lại muốn đặt tên Bình An. Nhưng ba bạn cho rằng, Bình An thời nào cũng đặt được, còn Hòa Bình đặt trong giai đoạn ấy mới thật sự ý nghĩa. Với ông, tên gọi Bình An cũng hay, nhưng ông thấy chưa... đã, nó có vẻ hơi gói gọn, riêng tư. Hòa Bình thì... bao la hơn. Kết quả, Hòa Bình trở thành tên của bạn.

Nhiều năm không gặp lại, nhưng cứ mỗi dịp 30/4 về, tôi lại nhớ đến bạn bè, nhớ lời bạn kể về lai lịch chuyện đặt tên. Hòa Bình, không chỉ là tên gọi, mà còn là thông điệp ý nghĩa khi ấy đất nước vừa hết chiến tranh.

Chiến tranh khiến nhà cửa mất mát, gia đình ly tán, chết chóc, đói khổ... Mỗi người đều mang trong mình lý tưởng riêng, nhưng ai cũng mong có một gia đình trọn vẹn, có ước mơ cháy bỏng về 2 tiếng hòa bình. Tôi có người quen, ông tham gia chế độ cũ, năm 1978 mới lấy vợ, sinh con. Hồi đó không có siêu âm, không biết trước giới tính như bây giờ, nhưng ông nói dù con trai hay gái, nhất định phải đặt tên Hòa Bình.

Cái tên vừa như lời chúc lành cho con, vừa ước mong đất nước không còn bom đạn. Ông lấy họ của anh và của vợ, rồi ghép tên con là Hòa Bình, thành tên Trần Vũ Hòa Bình. Dù ở chiến tuyến nào, những người lính trở về đều mang ký ức nặng nề từ chiến tranh, họ đặt tên con như niềm khát khao, gửi gắm.

Một gia đình tôi quen có 2 con trai sinh “năm một”, vào năm 1975 và 1976, được đặt tên Hòa Bình, Thái Bình. Những cái tên thật đẹp! Tôi không có thói quen gọi những bạn tên Hòa Bình, Thái Bình, hay Thanh Bình bằng tên Bình cụt ngủn. Phải gọi cả chữ ghép nữa nghe mới... đã, mới hay, mới thơ, mới thỏa...

Cha mẹ đã chọn những cái tên vô cùng ý nghĩa, như một ước nguyện dành cho con cái mình. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ đã chọn những cái tên vô cùng ý nghĩa, như một ước nguyện dành cho con cái (ảnh minh họa)

Những cái tên ấy, mới nghe qua có thể không làm ai đó ấn tượng, nhưng nếu biết được hoàn cảnh của tên gọi, hẳn sẽ trở thành cái tên giàu cảm xúc. Nếu có một cuộc thống kê, có lẽ năm 1975, người ta đặt tên cho con là Hòa Bình nhiều nhất so với các năm khác. Khi đó chiến tranh vừa mới kết thúc, người người vẫn còn ám ảnh những năm dài binh lửa.

Hòa Bình, người bạn thuở cấp II của tôi, nay vừa viết văn, vừa kinh doanh ở Hà Nội. Hòa Bình có ba làm giáo viên, nay làm “sếp” ở Quảng Nam. Hòa Bình - con của người từng tham gia chế độ cũ, nay sinh sống ở Thụy Điển... Họ đã chạm 50, vững vàng, bản lĩnh và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Phải chăng, tên gọi ý nghĩa này đã phần nào ảnh hưởng đến con người, tính cách của họ? Và dĩ nhiên, họ rất tự hào về tên gọi của mình, nhất là trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI