 |
Máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống miền Bắc Việt Nam (nguồn ảnh: Internet) |
Tôi khi ấy chỉ là cô bé hơn 10 tuổi - chưa hiểu hết sự đời, chưa biết chiến tranh là gì, chỉ biết sợ... Và cũng từ đêm đó, trong tôi mãi in sâu hình bóng của 1 tháng Tư bom đạn, khói lửa và nước mắt. Một tháng Tư không thể nào quên cùng bom B52.
Đêm 15, rạng sáng 16 tháng 4 năm 1972...
Sấm sét? Không! Đó là tiếng bom dội long trời lở đất.
Tiếng máy bay gầm rú xuyên đêm xé rách toang bầu trời.
Tiếng nổ liên hồi, chớp giật sáng lóa cả không gian...
Ngồi co ro trong góc hầm trú ẩn, tim đập thình thịch, tai ù đi, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra... chỉ thấy trời đất như nghiêng ngả. Và khi ánh sáng rạng đông le lói - thứ ánh sáng đầu tiên sau một đêm ác mộng - tôi cùng lũ trẻ trong xóm ngước nhìn bầu trời: những cây nấm khói lửa khổng lồ cuồn cuộn bốc lên, đen kịt, cao ngút ngàn tựa những quả núi lửa bừng cháy giữa lòng phố thị.
Lũ trẻ chúng tôi run rẩy. Chúng tôi chỉ mới chập chững hiểu về cuộc sống - đã phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó.
Người lớn hốt hoảng bảo: “Bom Mỹ đánh trúng Sở Dầu rồi!”.
Bước ra đường phố Tô Hiệu (nơi gia đình tôi sinh sống), tôi chứng kiến cảnh náo loạn. Người người dắt díu nhau chạy, bùn đất lấm lem từ đầu đến chân như vừa từ lòng đất chui lên. Vẻ mặt thất thần, mắt ngơ ngác, họ bước đi giữa âm thanh cấp cứu và tiếng còi hú rền vang…
Xe cộ nối đuôi nhau dồn về 1 hướng. Người lớn bảo: “Xe chở người bị thương đi bệnh viện, người chết thì đưa về Ninh Hải...” - nghĩa trang lớn của thành phố Hải Phòng.
Tôi chết lặng khi nghe thế. Một đêm thôi - cả thành phố rúng động.
Sau này tôi mới biết, An Dương, Thượng Lý, Xi Măng... những khu ấy bị rải thảm bom B52 kinh hoàng nhất. Nghĩa trang Ninh Hải chỉ trong một đêm đã phải đón mấy trăm linh hồn. Mỗi người là 1 câu chuyện, là 1 vết thương không bao giờ lành trong lòng thành phố cảng.
Tôi vẫn nhớ mãi lời người lớn kể về người đàn ông điên cuồng lật đống đổ nát tìm vợ, tìm con... “Vợ tôi đâu? Con tôi đâu?”, tiếng ông gào thét vang lên xé lòng, tay ông rớm máu, cào sâu vào những viên gạch vỡ vụn. Hầm trú ẩn sập hoàn toàn... chỉ còn ông sống sót... Trời ơi đau thương.
 |
Nhân dân Hải Phòng đi sơ tán năm 1972 (nguồn ảnh: Internet) |
Ký ức ấy - dù đã hơn nửa thế kỷ vẫn khiến tôi nghẹn ngào mỗi lần nhớ lại. Và cũng nhớ cả một câu chuyện nghe thật bi hài - vẫn là người lớn kể sau này, về sự ngái ngủ của 2 cô chú phát thanh viên trực báo động:
“Báo động đi!”.
“Máy bay đâu mà báo động!”.
Chỉ một phút chậm trễ thôi là biết bao nhiêu người không còn cơ hội sống sót...
Tôi nhớ cả những gì được kể sau này về đêm bom B52 rải thảm ấy - bầu trời Hải Phòng rực sáng như chiến địa.
Sư đoàn phòng không 363 của ta đã chiến đấu ngoan cường, bắn gần trăm quả SAM-2, bầu trời đỏ rực trong tiếng nổ đinh tai, nhức óc, những vệt lửa dài lao lên như rạch toạc màn đêm 15/4/1972.
Tiếng ầm ầm kéo dài từng hồi, quyện tiếng bom, tiếng súng, cùng pháo cao xạ nổ giòn dã làm mặt đất rung bần bật... Những ngôi nhà ở ngoài cả luồng bom cũng không trụ nổi nên bị sập, chỉ bởi sức chấn động khủng khiếp ấy. Nhà tôi cũng thế.
Trong sự hối hả của thời chiến, trong tiếng bom, tiếng máy bay ầm ì ngoài xa chưa dứt, tôi cùng bao đứa trẻ khác bị lùa lên chiếc xe tải. Mẹ chỉ kịp dặn: "Phải đi sơ tán, mấy đứa nghe lời các cô nhé..."
Chiếc xe không mui, chở theo những ánh mắt trẻ thơ còn chưa hiểu chuyện gì, cứ thế lăn bánh hối hả ra khỏi phố phường thân thuộc. Đứng ở góc xe, bên cạnh cây cọc cắm mảnh vải trắng - đó chính là dải khăn tang - sau này mới biết đó là chiếc xe chở xác người về nghĩa trang Ninh Hải. Giờ chở tụi trẻ chúng tôi về các vùng nông thôn ven nội thành sơ tán. Xa bố mẹ, xa nhà...
Không nhớ tôi đã thầm khóc, bao nhiêu lần mỗi tối khi nhìn về phía thành phố - nơi những vệt sáng của bom vẫn chớp lên lập lòe, nhằng nhịt tựa những vết dao sắc lẻm cắt ngang dọc khắp bầu trời Hải Phòng. Từng hồi tiếng bom vọng về cho trái tim như muốn nổ tung. Nhớ bố mẹ, nhớ căn phòng nhỏ ấm áp thân thương với mái trần rung lên rồi đổ sập khi bom rơi - may mà cả nhà chạy kịp vào hầm...
Và rồi... nhớ sao cả cái giọng phát thanh viên trong loa phóng thanh quen thuộc, vỗ về lòng người sau những phút giây căng thẳng:
“Máy bay địch đã đi xa, sinh hoạt thành phố trở lại bình thường...”
Tiếng còi hú báo yên ngân dài, như lời ru của thời bình chưa trọn vẹn…
Sao nhớ da diết thế!
 |
Hình ảnh rải thảm tạo nên những hố bom dày đặc của máy bay B52 (ảnh Internet) |
53 năm đã trôi qua…
Những ký ức của 1 thời đạn bom thuở nào vẫn sống nguyên vẹn trong tôi, không phai mờ, không thể lãng quên.
Dù hôm nay đất nước đã thanh bình, dù tôi đã trưởng thành, đã có con cháu - nhưng mỗi tháng Tư về, trái tim tôi vẫn rung lên những nhịp đập tha thiết và luôn biết ơn sâu sắc ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Biết ơn tất cả những người đã hy sinh, đã để lại một phần cơ thể trong chiến tranh để lớp tuổi thơ chúng tôi - dù trong bom đạn - vẫn còn cơ hội được sống, được lớn lên và để hôm nay được kể lại chuyện bom B52 rải thảm quê mình tháng Tư năm ấy.
Tháng Tư là máu, là nước mắt, nhưng cũng là tháng của khát vọng tự do, là tháng của sự hồi sinh.
Có một cô bé đi qua thời loạn lạc ngày nào xin được cúi đầu trước quá khứ, và ngẩng cao đầu sống trọn cho tương lai.
Mong đừng bao giờ có chiến tranh!
Mong bình yên mãi mãi cho mọi nhà!
Tháng Tư, B52 và tuổi thơ năm 72.
Mai Quế