Câu chuyện thả lỏng quảng cáo trên YouTube

02/03/2017 - 15:39

PNO - Mạng xã hội rõ ràng là con dao hai lưỡi. Một số nhãn hàng tiêu dùng “thả lỏng” các clip quảng cáo trên YouTube rồi “dính” vào nội dung bạo lực, phản động cho thấy điều đó.

Đã ba năm nay nay nhà tôi không tốn tiền cho dịch vụ truyền hình cáp. Thậm chí khi tôi cắt cáp ti vi, chẳng ai hay. Từ chồng tới các con tôi đều giải trí bằng kênh nghe nhìn YouTube. Và có lẽ âm thanh hiện diện nhiều trong nhà tôi nhất là nhạc quảng cáo sữa, tã, bột giặt...

Cau chuyen tha long quang cao tren YouTube

Chị Bí Đỏ

 

Khác với truyền hình hay báo giấy với việc lọc đối tượng, khu vực khách hành khá khó khăn, các video trên YouTube phân khúc khách hàng rất rõ ràng. Trẻ nhũ nhi thì ca nhạc với những bài tiếng Anh hình ảnh sinh động của Chu Chu TV, Kid TV, Little Baby Bum... tới kênh hướng dẫn trẻ chơi búp bê của chị Bí Đỏ.

Trẻ lớn hơn xem phim hoạt hình Tom and Jerry, Doreamon, lớn nữa thì Conan, lên tới tuổi teen thì nhạc K pop, nhạc Sơn Tùng... Khá khen cho các nhãn hàng đã nhanh nhạy lựa kênh nghe nhìn trực tuyến khổng lồ với cả tỷ người sử dụng này.

Tuy vậy, bọn trẻ nghe nhạc hay xem hài, xem hoạt hình cứ quẹt clip này tới clip kia, nhưng các quảng cáo thì quanh quẩn vài nhãn. Nhiều lúc người lớn trong nhà đến phát khùng vì tốc độ dội bom quảng cáo.

Nếu trẻ chú tâm thì chúng chờ hết 5 giây để bấm nút skip (bỏ qua) và xem tiếp nội dung, nếu chúng lơ đễnh hoặc thích thú (trẻ nhỏ cháu nào mà không thích quảng cáo) thì có khi một ngày cuối tuần tôi phải nghe điệp khúc quảng cáo quen thuộc cả trăm lần. Quả không sai khi hiện YouTube được coi là kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất hiện nay.

Không ít lần tôi thấy con gái 3 tuổi mở clip ma quỷ hay người nhện, siêu nhân nói năng bậy bạ, hành động thô tục, gào rú, lăn lộn. Hầu hết các clip này là của nước ngoài, khi nhắc con thoát ra, tôi vẫn liếc thấy khung quảng cáo của các nhãn hàng "nhà ta" dưới chân màn hình hay các đoạn lồng vào nội dung. Điều đáng nói, con nít khi đã có trong tay chiếc điện thoại hay máy tính bảng thì khó ai lấy lại nổi. Chúng xem hết clip này tới clip khác mà không phải khi nào cha mẹ cũng kè kè ở bên để theo dõi.

Nói thế để nhắc rằng, phụ huynh chúng tôi từng đặt hoài nghi rằng các nhãn hàng tận dụng mọi cách để "câu view" vì những clip hot nội dung nhảm nhí, bậy bạ, bạo lực... thường rất đông lượt truy cập.

Nhưng chúng tôi cũng hiểu, có không ít clip mà chủ kênh đánh lừa cả YouTube với tiêu đề và phần "vỏ" có vẻ lành mạnh nhưng bên trong lại cài những phần hình ảnh khác hoàn toàn hoặc chạy chữ, dùng nhạc "có vấn đề".

YouTube là mạng chia sẻ video khổng lồ và cơ chế quản lý được đặt tự động với những thuật toán cố định, việc sản phẩm vi phạm hay không cũng chỉ có thể được nhận diện bằng phương tiện kỹ thuật tự động, hoặc bằng báo cáo của người dùng khác. Trong khi đó, với những “luồn lách” chủ ý từ con người (nhằm phát tán những nội dung nhạy cảm về chính trị, văn hóa… để “câu” lượt truy cập), chỉ chính bộ óc và tình cảm con người mới có thể nhận diện được, không phải phần mềm thông minh nào của máy tính.

Cau chuyen tha long quang cao tren YouTube

Little Baby Bum

 

Hiện việc rà soát các để tài nhạy cảm trên các mạng xã hội dường như quá khả năng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng việc tới tận phút này mới “tuýt còi”chỉ 17 clip có nội dung quảng cáo chèn vào video trên YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng... là quá muộn. Các doanh nghiệp có biết hết sẽ rủi ro nếu lỡ “rớt”quảng cáo của mình vào các video “có vấn đề” không? Chắc chắn là có. Những công ty dịch vụ quảng cáo của YouTube còn rõ hơn nữa, thậm chí lường trước những rủi ro. Thế nhưng họ đã đánh liều và chọn lợi ích.

Việc đổ vấy cho một đơn vị ABC nào đó mà doanh nghiệp trả tiền để đứng trung gian ký hợp đồng quảng cáo trên YouTube nghe chẳng khác gì kiểu đổ vấy thiếu trách nhiệm quen thuộc: “do lỗi đánh máy”.

Thái Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI